Theo ước tính của tờ Global Times, doanh thu trong ba ngày cuối tuần qua của Chiến lang 2 (Wolf Warriors 2) là 1,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 163,51 triệu USD). Qua đó, sau khoảng hơn 10 ngày trình chiếu, tác phẩm hành động của Ngô Kinh đã mang về cho nhà sản xuất khoảng 3,1 tỷ nhân dân tệ (460 triệu USD).
Thành tích giúp Chiến lang 2 vượt qua Fast & Furious 8 (2,66 tỷ nhân dân tệ), và chỉ còn kém Mỹ nhân ngư của Châu Tinh Trì (3,39 tỷ nhân dân tệ) trên bảng xếp hạng các tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất lịch sử Trung Quốc.
Với tốc độ kiếm tiền hiện tại, chuyện bộ phim của Ngô Kinh vươn lên vị trí số một chỉ còn là vấn đề thời gian.
Chiến lang 2 gần như chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ nhân ngư để trở thành tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất mọi thời đại tại Trung Quốc trong tuần này. Ảnh: Mtime. |
Thắng lợi vang dội của Chiến lang 2 và Ngô Kinh không nằm trong dự đoán của nhiều người. Đây mới là bộ phim thứ ba anh làm đạo diễn, và tài tử là ngôi sao quen mặt duy nhất của dự án hành động cháy nổ.
Dương Hải Biên, một chủ rạp tại Bắc Kinh, cho biết ông và nhiều đồng nghiệp từng dự đoán Chiến lang 2 sẽ đạt doanh thu khoảng trên 1 tỷ nhân dân tệ.
Dĩ nhiên là bộ phim hưởng lợi khi ra rạp vào thời điểm chính quyền Trung Quốc “đóng cửa”, không cho phép bất cứ bom tấn ngoại mới nào ra rạp. Nhưng thành tích thực tế của Chiến lang 2 là điều nằm ngoài sức tưởng tượng.
Chia sẻ với tờ Global Times, ông Biên cho biết: “Bí quyết thành công của Chiến lang 2 không nằm ở các pha hành động, mà là thông điệp ái quốc đánh trúng vào tâm lý và cảm xúc khán giả".
"Nhiều bộ phim đề tài quân sự Hoa ngữ lấy bối cảnh Thế chiến II mô tả Trung Quốc là quốc gia bị xâm lăng. Còn Chiến lang 2 cho thấy sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, và khiến nhiều khán giả cảm thấy tự hào”, ông phân tích.
Ngô Kinh nhận nhiều lời khen ngợi sau khi Chiến lang 2 ra rạp, và nhân vật Lãnh Phong của anh hiện được so sánh với Rambo. Ảnh: Outnow. |
Ngoài ra, vị chủ rạp không quên khen ngợi Ngô Kinh khi cho rằng anh đã thổi luồng gió mới tới cho dòng phim hành động Hoa ngữ. “Nhắc tới phim hành động Trung Quốc, người ta hay nghĩ đến Thành Long hoặc Lý Liên Kiệt. Nhưng Ngô Kinh đã mang tới món ăn mới lạ, và tôi tin rằng sẽ còn nhiều bộ phim kiểu thế này ra đời trong tương lai gần”, ông nói.
Giới truyền thông Trung Quốc cũng không tiếc lời khen ngợi Ngô Kinh và hiện so sánh nhân vật Lãnh Phong trong hai tập phim Chiến lang với John Rambo của Sylvester Stallone. Họ cho rằng tài tử mang vẻ rắn rỏi của giống như sao hành động Hollywood, và bỗng trở nên nổi bật giữa rừng “trai xinh gái đẹp” của C-biz.
Dẫu thành công về mặt doanh thu là vậy, Chiến lang 2 vẫn gây chia rẽ trong giới phê bình. Nhà phê bình phim Tư Mã Phong viết trên trang Mtime rằng: “Tôi từng chỉ trích Chiến lang cách đây hai năm bởi phần kịch bản ngớ ngẩn. Nhưng tôi không thể không yêu mến phần hai. Các bạn có thể thấy rõ Ngô Kinh đã trưởng thành ra sao, và điện ảnh Trung Quốc đang ngày một xích lại gần hơn Hollywood thông qua bộ phim”.
Nhưng cũng có những người lên tiếng chỉ trích Chiến lang 2. Đạo diễn Trương Lư thừa nhận bộ phim chứa đựng nhiều cảnh hành động xuất sắc, nhưng thực chất chỉ là sự sao chép thành công từ Hollywood.
Cũng giống như nhiều tác phẩm điện ảnh ăn khách, Chiến lang 2 đang gây chia rẽ trong giới phê bình và người làm điện ảnh Trung Quốc. |
“Cuồng thạch, bắt chước kiểu hài của anh em nhà Coen, mở ra kỷ nguyên mới cho dòng phim hài tại Trung Quốc. Lạc lối ở Thái Lan, bắt chước bộ phim The Hangover, lái dòng phim hài đi theo hướng khác. Giờ Chiến lang 2, bắt chước Rambo: First Blood, hẳn sẽ vạch ra lối đi tiếp theo cho dòng hành động", nhà làm phim phê phán.
"Liệu có điều gì thú vị không nhỉ? Đây là phong cách làm phim lỗi thời tại Hollywood, và chúng ta chẳng khác nào một chàng sinh viên đang cố gắng chép bù bài những buổi không tới lớp”, ông mỉa mai.
Một giáo sư ngành báo chí tại Trung Quốc tên là Âm Hồng đưa ra cái nhìn khá khách quan trên WeChat rằng: “Chiến lang 2 là bộ phim đề tài quân sự chất lượng với các pha hành động đỉnh cao. Song, nội dung mang nặng tinh thần yêu nước có lẽ chỉ giúp tác phẩm ăn khách tại quê nhà, chứ khó giúp Ngô Kinh biến đây trở thành thương hiệu điện ảnh mang tầm cỡ quốc tế kiểu 007".
"Theo tôi, việc Chiến lang 2 ăn khách cho thấy một thực tế khác. Người Trung Quốc không tự tin ở sản phẩm của chính nước nhà, và họ chỉ dám ra rạp theo dõi bộ phim nào được nhắc tới nhiều nhất. Dĩ nhiên là chúng ta phải nhìn vào thực tế là điện ảnh Hoa ngữ chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc, và khán giả ra rạp buộc phải so bó đũa, chọn cột cờ”.
Theo Zing