Ca sĩ Tùng Dương vừa gây xôn xao dư luận khi phát ngôn “Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi.”
Chính chữ "thụt lùi trong âm nhạc" đã khiến một số nghệ sĩ, đặc biệt những nghệ sĩ gắn bó với dòng nhạc này phản ứng, thái độ, bày tỏ nhiều cung bậc cảm xúc. Để có cái nhìn đa chiều, phóng viên Dân trí xin trích đăng ý kiến của một số nghệ sĩ xoay quanh vấn đề này.
Ca sĩ Tùng Dương vấp phải ý kiến trái chiều với phát ngôn thẳng thắn về dòng nhạc bolero. |
“Tôi trân trọng những phản biện của ca sĩ Tùng Dương”
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đã đưa ra góc nhìn riêng: “Lẽ thường các ca sĩ đang được “ăn lộc” của bolero, có nhiều lợi danh và tiền bạc từ bolero thì phải cảm ơn bolero và bảo vệ bolero. Như thế cũng là phải đạo, trọn tình.
Ngược lại, có thể các ca sĩ không thuộc dòng nhạc này hoàn toàn có quyền bày tỏ quan điểm và cách nhìn nhận riêng về dòng nhạc. Tốt hay xấu gì cũng chỉ là quan điểm của cá nhân ca sĩ đó. Nó chẳng đại diện cho một nhóm người hay một thế hệ hay một cái gì đó to tát hơn. Ca sĩ càng có quan điểm thẳng thắn càng thể hiện bản lĩnh và con đường âm nhạc mà họ đang đi.
Vì vậy, tôi trân trọng những phản biện của ca sĩ Tùng Dương về những liên quan đến dòng nhạc bolero, cho dù cũng có những điểm chưa hoàn toàn đồng thuận. Đồng thời, cũng chia sẻ những bức xúc với các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Hồ Quang 8…
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long trân trọng ý kiến thẳng thắn của Tùng Dương. |
Tôi không tin rằng, Tùng Dương không thể hát được bolero như giọng ca bolero đất Bắc Hồ Quang 8 chia sẻ. Có điều, giả sử Tùng Dương có “đụng” vào bolero thì đó sẽ là bolero kiểu Tùng Dương. Giống như Hà Trần, vài năm trước có ra một đĩa nhạc với nhiều bản bolero nhưng hát hoàn toàn theo kiểu của cô ấy. Cá nhân tôi nghe thấy rất thú vị. Tùng Dương giống như Hà Trần, thuộc tuýp ca sĩ có cá tính âm nhạc mạnh lại ham sáng tạo nên làm gì cũng sẽ đề cao dấu ấn cá nhân.
Tôi có niềm tin này ở Tùng Dương từ cách đây đúng tròn 12 năm, khi ấy, tôi cùng giọng ca trữ tình Tuấn Hiệp thực hiện một album nhạc xưa có pha chút hơi hướng bolero. Để tạo hơi thở mới, chúng tôi mời thêm Tùng Dương và một giọng ca nhạc trẻ đình đám lúc bấy giờ là Lệ Quyên.
Cho đến bây giờ Lệ Quyên đã trở thành một gương mặt gắn liền với bolero lại có sự khác biệt được khán giả trong nước và hải ngoại ngưỡng mộ. Tuấn Hiệp đã khẳng định vị trí của một ca sĩ hát nhạc xưa. Trong khi Tùng Dương thì không chọn con đường ấy mà tiếp tục say mê với những khám phá, sáng tạo âm nhạc của riêng anh…”
“Không yêu bolero cũng đừng nói tiến hay lùi”
Danh ca Phương Dung, người được mệnh danh là “nhạn trắng Gò Công” thì lại cho rằng, nếu ai nói đắm đuối với bolero là bước thụt lùi của âm nhạc thì người đó chưa hiểu gì về dòng nhạc này.
"Tôi đã sống trên sân khấu này gần hết cuộc đời. Bolero trở lại một cách mãnh liệt chứng tỏ những lời nhạc của các nhạc sĩ viết quá hay. Hiện tại, giới trẻ chưa viết được xuất sắc như vậy. Không yêu thì đừng nói là tiến hay lùi. Tùng Dương là người còn nhỏ tuổi hơn con của tôi mà nói câu đó thì tôi chắc Tùng Dương chưa thấu đáo lắm với nhạc bolero, thể loại nhạc mà tác giả đã mang tâm tư, tim óc của mình ra để đặt vào đó", danh ca Phương Dung chia sẻ.
Danh ca Phương Dung trách Tùng Dương phát ngôn chưa thấu đáo. |
Dù phản ứng về phát ngôn của Tùng Dương nhưng nữ danh ca thừa nhận, đang có hiện trạng rất nhiều ca sĩ hát nhạc nhẹ chạy theo hát dòng nhạc này. Theo bà, có một số ca sĩ không hát được bolero nhưng vẫn chạy theo hát để kiếm sống. Một số ca sĩ hát bolero nhưng chưa tới.
Không chỉ phản ứng phát ngôn “Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi” trong âm nhạc, bà còn không đồng tình với ý kiến nói “bolero không mang tính chất sáng tạo”. "Nói bolero không có sáng tạo là sai. Những người như nhạc sĩ Anh Bằng, Lê Vinh,... viết bolero vào mãi sau này với những ca khúc như "Khúc Thụy Du", "Anh còn nợ em" vẫn rất mới và sáng tạo đó chứ?", bà phản biện.
Cũng nói về trào lưu nhiều nghệ sĩ đua nhau hát bolero, “Nhạn trắng Gò Công” cho rằng, nếu không hát đến nơi đến chốn thì đừng hát. Bởi nếu không cẩn thận, mọi người hiểu lầm bolero là nhạc rẻ tiền, làm giảm giá trị của dòng nhạc này.
Theo Dân Trí