Đổ xô làm ca sỹ: “Cơn lên đồng” của những người trẻ ảo tưởng về bản thân?

Thứ ba, 21/11/2017, 09:21
Việc nhiều người trẻ đổ xô đi hát trong khi không có nền tảng và tố chất đã tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều. Phải chăng đây là “cơn lên đồng” của những người trẻ vì quá ảo tưởng vào bản thân?

Ảo tưởng bản thân vì được tung hô, tâng bốc…?!

Mặc dù thị trường nhạc Việt được nhận định đã bão hòa nhiều năm qua nhưng vẫn có không ít người trẻ “ôm giấc mơ âm nhạc”. Vì ôm giấc mơ này nên họ bất chấp mọi thứ để có thể tiến thân bằng con đường ca hát. Có người với tay được đến giấc mơ, cũng có người “ngã ngựa” đau đớn. Phần nhiều trong số đó đã tan tành giấc mơ chỉ sau vài bước chân trên sân khấu. Câu chuyện của Tâm Tít, Băng Di, Sam, Kelly… là những tấm gương tày liếp mà nhiều người vẫn chưa thể quên.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà nhận thức về giấc mơ này thay đổi. Sự việc ồn ã của Chi Pu khi tuyến bố mình là ca sỹ mới đây đã lại một lần nữa xới lại câu chuyện này. Câu chuyện người trẻ đổ xô đi hát hoặc tự vỗ ngực xưng mình là ca sỹ mà giọng hát qua tai 10 người chỉ lọt được tai một người.

Mới đây, Văn Mai Hương đã gây bão khi “bóng gió” trên trang cá nhân đại ý rằng, sau khi xem một đoạn clip hát live rất tự tin của một bạn trẻ cô đã không thể gọi là “ca sỹ đồng nghiệp” vì như một trò đùa. Giọng ca sinh năm 1994 còn ngán ngẩm thốt lên rằng, bây giờ ai cầm mic lên cũng có thể thành ca sỹ và đó là một sự xỉ nhục nghề hát lẫn những người làm nghề chân chính.

Việc Chi Pu tuyên bố "cứ cầm mic là thành ca sỹ" và thể hiện giọng hát không thuyết phục đã gây nên những tranh cãi trái chiều.

Bản thân ca sỹ Quốc Thiên cũng thẳng thắn bày tỏ rằng, anh nghe một bạn trẻ hát mà hồi hộp giùm vì hát 10 nốt mà chênh đến 8 nốt.

“Thế mới thấy, nhiều bạn cứ nghĩ đẹp là đủ còn hát có phòng thu lo. Nhưng đã đi hát không lẽ lipsync hoài…. cho đến khi hát live thì ngã ngửa. Vậy nên bản năng và tố chất không có thì tốt hơn hết là nên tập trung vào thế mạnh của mình thôi. Lộn xộn là tuột mood ngay…”, Quốc Thiên nói.

Dù cả hai giọng ca trẻ đều không “điểm mặt chỉ tên” một người cụ thể nhưng ai đọc qua cũng hiểu là đang nói về ai. Và không chỉ có Văn Mai Hương, Quốc Thiên ngay cả Tô Minh Đức, Đinh Mạnh Ninh, Nguyễn Hải Yến, Đức Tuấn… cũng đều bày tỏ suy nghĩ của mình về cùng một nhân vật dưới nhiều cách nói khác nhau.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung cho rằng, sở dĩ nhiều bạn trẻ ngày nay đổ xô đi hát bất chấp mình có giọng hát hoặc có tố chất hay không là vì các bạn trẻ chỉ nhìn thấy hào quang trước mắt. Một số bạn chỉ nhìn thấy được ánh đèn sân khấu lung linh mà không nhìn thấy được rằng, để được chọn bước lên sân khấu, người ca sĩ phải học tập, rèn luyện vất vả như thế nào.

“Thực tế là cũng do một số bạn trẻ, nổi tiếng (hoặc tai tiếng) trên mạng xã hội, có nhiều người theo dõi, tung hô, tâng bốc... dẫn đến ảo tưởng bản thân có thể làm được điều này điều kia, trong khi bản thân học chưa tới, rèn chưa xong, đã nôn nóng vội vàng phát hành những cái gọi là "sản phẩm âm nhạc"”, nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh.

Ca sỹ không phải cứ vỗ ngực là thành ca sỹ

Theo nhạc sỹ “Nhật ký của mẹ”, lớp trẻ đáng được khuyến khích dấn thân, theo đuổi ước mơ... nhưng phải trên nền tảng tri thức và năng lực bản thân chứ đừng lấy lí do đam mê để cố che đậy mục đích phía sau.

Bản thân nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung nhìn nhận “hiện tượng đổ xô đi làm ca sỹ của giới trẻ” chẳng ảnh hưởng gì đến dòng chảy âm nhạc Việt Nam bởi những tác phẩm dở, vô nghĩa sẽ bị đào thải theo thời gian.

“Nếu có ai đó ồn ào gây bão trong thời gian vừa xuất hiện là do tranh cãi trái chiều giữa người yêu âm nhạc và người yêu "thần tượng". Nhưng chắc chắn qua năm sau, nó sẽ bị lãng quên… như những bài hát vô nghĩa nhảm nhí nhiều năm trước từng xuất hiện trên thị trường âm nhạc. Để ồn ào rất dễ, gây tiếng vang cũng rất dễ… nhưng để trụ được trong nghề mới khó. Và tôi cho rằng, điều này cũng không ảnh hưởng gì đến thị hiếu khán giả vì con người càng ngày càng muốn thưởng thức món ăn ngon hơn, bài hát hay hơn, chứ chẳng ai tự hạ thấp tiêu chuẩn của mình cả”, nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung bày tỏ thêm.

Tương tự, nhạc sỹ Nguyễn Hồng Thuận cũng cho rằng, việc một cá nhân xuất hiện đã gây được nhiều ồn ào chứng tỏ người đó ít nhiều có sức ảnh hưởng. Tuy nhiên, chất lượng là con đường lâu dài.

“Nếu có định hướng phát triển và cải thiện chất lượng tốt hơn để tận dụng hiệu ứng ban đầu thì cô ấy có thể đi lâu dài với âm nhạc. Còn nếu chỉ dừng lại ở mức độ tuyên bố mà không cải thiện chất lượng chuyên môn cũng như giọng hát thì rồi cũng "mua vui một vài trống canh" cho dư luận như rất nhiều các trường hợp trước đây thôi. Bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải có sự rèn luyện và năng khiếu. Không phải cứ tung ra 1-2 bài hát thì có nghĩa mình là ca sỹ”, nhạc sỹ “Tìm lại giấc mơ” nói.

Theo nhạc sỹ Nguyễn Hồng Thuận, nếu bạn trẻ nào thấy tố chất mình chưa đủ phải bù đắp bằng sự rèn luyện. Và điều quan trọng là với bất cứ nghề nghiệp nào cũng không phải tự “vỗ ngực xưng danh” là sẽ được công nhận mà phải chứng minh bằng năng lực và sản phẩm.

Ca sỹ Nguyễn Hải Yến bày tỏ, nghệ thuật không giống những công việc hoặc bộ môn khác, chỉ cần rèn luyện là thành tài mà cần phải có năng khiếu. Nếu chỉ cần “cầm được mic sẽ thành ca sỹ" thì nghề hát dễ dãi và rẻ mạt nhất trong các nghề.

“Tôi thì nghĩ đang có một tầng lớp showbiz đang vô tình hoặc cố tình tạo ra những hình ảnh về sự viên mãn, sung túc, giàu sang… khiến nhiều bạn trẻ nuôi ảo mộng rồi bằng mọi giá dấn thân vào showbiz”, ca sỹ Nguyễn Hải Yến chia sẻ.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn