Táo quân Tết Mậu Tuất: kỳ thị giới tính - kỳ thị phụ nữ béo

Thứ tư, 21/02/2018, 13:46
Bước vào năm thứ 15, Táo quân 2018 đã không thỏa mãn được sự kỳ vọng của khán giả bởi phân nửa chương trình là những màn chọc cười vụn.

Giới tính của Bắc Đẩu (phải, Công Lý thủ vai) bị lấy ra làm cớ chọc cười nhiều năm, nhưng tới năm nay thì chương trình có dấu hiệu đi quá giới hạn

Bằng cách "chuyển giới" cho nhân vật Bắc Đẩu, những người làm Táo quân đã tạo nên một nhân vật thấp thoáng bóng dáng của những hoạn quan đầy mưu lược trong các triều đình phong kiến xưa kia.

Xã hội đang cố gắng xóa bỏ định kiến về LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới - PV), thì Táo quân - một chương trình vào giờ vàng, có lượng khán giả rất đông đảo - lại lấy vấn đề này ra để chọc cười xem chừng không tế nhị chút nào

Nhà báo PHẠM MỸ

Nhân vật Bắc Đẩu đỏng đảnh, khó chiều là đối trọng với một Nam Tào thông minh, tháo vát.

Mặt khác, việc tạo nên một nhân vật có giới tính mập mờ như "cô Đẩu", cho phép người làm tạo ra nhiều tình huống dở khóc dở cười cho nhân vật này.

Giới tính của Bắc Đẩu bị lấy ra làm cớ chọc cười nhiều năm, nhưng tới năm nay thì chương trình có dấu hiệu đi quá giới hạn.

Táo Y tế (Vân Dung)

Giễu nhại giới tính quá trớn

Kịch bản cho phép các Táo liên tục "soi" trực tiếp lên cơ thể của Bắc Đẩu bình luận những câu rất phô như "phao câu ra phao câu, xôi ra xôi", "Đẩu cứ chụp bình thường đã ra kinh tởm rồi".

Nhân vật Nam Tào còn diễn dịch ý của Táo Quy hoạch cho Bắc Đẩu: "Ý câu vừa rồi là Đẩu không thẳng, Đẩu là đồ hifi ấy".

"Táo miền Nam" cũng chưa thu hút

Với chất hài "made in miền Nam" nhẹ nhàng, chủ yếu giải trí, Táo quân HTV và Giải cứu Ngọc hoàng (Táo THVL) dù vậy cũng đề cập đến những vấn đề xã hội "nóng" trong năm qua như BOT, giao thông, cải cách chữ viết, môi trường ô nhiễm, bạo hành trẻ em, sạt lở đất ở miền Tây... Dù vậy, chưa có chương trình Táo quân nào thực sự thu hút khán giả.

Giải cứu Ngọc Hoàng hơi dài dòng lê thê.

Còn trong Táo quân HTV, các tiết mục chưa kết nối mạch lạc với nhau khiến 20 phút đầu tiên khá rời rạc.

Hình ảnh Ngọc Hoàng do nghệ sĩ Trọng Phúc đảm nhận chưa gây ấn tượng.

Tuy nhiên, diễn viên điện ảnh Huy Khánh đã mang lại một Bắc Đẩu hài hước, duyên... bất ngờ.

Cơ thể của Táo Hưu trí cũng bị đưa ra làm trò cười khi các Táo đồng loạt bày tỏ thái độ kỳ thị, cho rằng phụ nữ béo đừng bày tỏ ước nguyện mặc bikini.

Đặc biệt là màn trình diễn của Táo Kinh tế với các vũ nữ nóng bỏng được gài lồng bằng những câu thoại rất phô của Bắc Đẩu: "Ăn mặc gì toàn thịt là thịt thế?", Ngọc Hoàng trả lời: "Ta thích thịt", còn Nam Tào nói vuốt đuôi: "Chúng ta tiếp tục xem thịt ạ".

Hay hành động khiếm nhã của Táo Kinh tế đã bị Nam Tào ngăn lại bằng câu nói: "Chỗ này không phải lúc khoe khoai của mình nhé".

Những câu thoại của các Táo đã khiến không ít khán giả nhăn mặt. Đặc biệt là màn chọc vào giới tính của "cô Đẩu" đã bị nhiều người cho rằng không nên.

Phóng viên mảng văn hóa tại Hà Nội Phạm Mỹ cho biết phần anh thấy gợn nhất trong chương trình năm nay là những câu thoại có tính chất giễu nhại về giới tính.

Bà Nguyễn Hoàng Anh (giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội) đồng tình: "Đồng ý là chương trình có thể tạo ra một nhân vật giả gái, nhưng nên chọc cười có giới hạn. Đằng này lại có Táo nói "cái loại chỉ có một nửa là đàn bà" về cô Đẩu.

Hay việc dùng hình thể để giễu nhại nhau quá trớn sẽ xúc phạm không chỉ người diễn viên mà còn những người ở hoàn cảnh tương tự, sẽ làm hạ thấp giá trị nhân văn của vở diễn".

Táo Hưu trí (Minh Vượng)

Kịch bản nhạt, phân tán

Ngay sau khi chương trình kết thúc, hôm sau trên mạng xã hội rất nhiều khán giả chê Táo quân năm nay "nhạt". Kịch bản Táo quân rời rạc, phần viết cho từng nhân vật Táo không có ai thực sự đặc sắc để thu hút khán giả, thậm chí đi vào lối mòn.

Dễ nhận thấy màn giễu nhại của Táo Xã hội về mạng xã hội chưa làm bật lên bản chất của người dùng mạng xã hội. Các Táo khác cũng đã phải dùng rất nhiều trò nhỏ để "câu giờ".

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng nỗ lực 15 năm duy trì một chương trình của một êkip là không hề dễ dàng. Chuyện "mất lửa" cũng là bình thường.

Giảng viên Nguyễn Hoàng Anh cũng cho rằng: "Táo quân là một chương trình hài hước, vui vẻ, có một chút nhắc nhở, chứ không phải bản luận tội ở tòa.

Nên nếu khán giả đòi hỏi chương trình phải có vấn đề này, vấn đề kia, kỳ vọng trút tất cả những nỗi không hài lòng của mình trong năm để bắt mấy diễn viên thể hiện là làm khó cho họ".

Táo quân đã kéo dài suốt 15 năm, tạo nên một thói quen ngóng chờ cho đông đảo khán giả cả nước. Càng về sau, kỳ vọng càng nhiều là điều dễ hiểu.

Điều này sẽ rất khó khăn cho êkip sản xuất, nhất là khi suốt 15 năm vẫn là một êkip thực hiện một chương trình. Cái sự chê âu cũng bởi vì khán giả gắn bó với chương trình.

Theo TTO

Các tin cũ hơn