Body painting và ranh giới mong manh họa sĩ - người mẫu

Thứ hai, 21/05/2018, 09:10
Sự kiện họa sĩ vẽ body painting bị người mẫu ảnh nude Nguyễn Thị Kim Phượng tố hiếp dâm vừa qua đã dấy lên nhiều ý kiến xung quanh ranh giới mong manh giữa họa sĩ và người mẫu.

Họa sĩ sáng tác body painting

Body painting (nghệ thuật vẽ lên thân thể) chỉ thịnh hành ở VN khoảng 20 năm trở lại đây. Ở đó, họa sĩ vẽ trực tiếp trên cơ thể người mẫu để thể hiện ý tưởng và nội dung muốn truyền đạt.

Theo họa sĩ Lê Thế Anh, “body painting là một loại hình nghệ thuật, có lịch sử ra đời rất sớm, gắn liền với tín ngưỡng, phong tục của các bộ tộc ít người khi họ có các nghi thức xăm mình để vừa làm đẹp, vừa phân biệt văn hóa giữa các bộ tộc vừa mang tính ngụy trang khi chiến đấu. Với nghệ thuật đương đại, body painting mang dấu ấn nghệ sĩ nhiều hơn nhằm gây ấn tượng mạnh để truyền những thông điệp cụ thể. Đây là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi nhiều sự sáng tạo, đam mê và cả hy sinh”.

Tuy nhiên họa sĩ và công việc vẽ body painting không phải lúc nào cũng gây được thiện cảm đối với cộng đồng. Thậm chí đã có một số ý kiến của chính một số người cầm cọ cho rằng họa sĩ vẽ body painting là bất thường, biến thái, chỉ nhằm thỏa mãn khao khát về mặt tính dục.

Trong khi vẽ tranh hay chụp ảnh nude vẫn có khoảng cách nhất định giữa người mẫu và họa sĩ; ở vẽ body painting, thân thể của người mẫu phải chịu sự tiếp xúc, đụng chạm trực tiếp của họa sĩ trong nhiều giờ. Cơ thể người mẫu lúc này không khác một tấm toan để họa sĩ mặc sức múa bút. Nhiều người trong và ngoài giới nhận định khoảng cách bên nhau quá gần gũi và trực tiếp trong nhiều giờ đồng hồ sáng tác như vậy, họa sĩ không “rung rinh” trước vẻ đẹp cơ thể người mẫu mới là... chuyện lạ.

Khoảng cách hẹp cần có tâm sáng

Họa sĩ Lê Thế Anh thừa nhận: “Vì body painting có phạm vi sáng tạo hạn hẹp trên chính cơ thể người, họa sĩ phải nương vào đó mà sáng tác, thời gian lưu giữ tác phẩm lại không lâu, tính tương tác giữa họa sĩ với người mẫu cũng như giữa mẫu với khán giả phải có sự đồng điệu. Với đặc thù sáng tác như vậy, ranh giới khoảng cách và cả tình cảm giữa họa sĩ và người mẫu là rất mong manh”. Tuy nhiên, anh nhấn mạnh: “Nếu là nghệ sĩ body painting thực thụ, cả hai nên đặt giá trị nghệ thuật lên hàng đầu. Đó không chỉ là sự tôn trọng nghề nghiệp, nhân phẩm con người mà còn là sự chuyên nghiệp trong quá trình sáng tạo cái đẹp”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Đức cho rằng khi sáng tác body painting, họa sĩ muốn giữ an toàn “ranh giới mong manh” giữa họa sĩ và người mẫu thì phải coi việc sáng tác là thuần túy nghệ thuật, làm việc với người mẫu thật nghiêm túc, thật trong sáng. “Khi tâm sáng và nghiêm túc thì sẽ không vượt qua ranh giới đó”, anh nói.

Họa sĩ Lương Lưu Biên nhấn mạnh sự tự trọng trong nghề nghiệp của họa sĩ. “Thật ra mọi giới đều có những ham muốn chiếm hữu cái đẹp, giới nghệ sĩ có thể còn cao hơn, nhưng nghệ sĩ thực sự phải có lòng tự trọng và tôn trọng mọi đối tác. Chỉ như vậy họ mới làm việc chuyên nghiệp, lâu dài được. Có thể hoàn cảnh của nghệ sĩ thường dễ nảy sinh tình cảm nhưng mọi thứ đều phải dựa trên nền tảng tôn trọng và có trách nhiệm, không gây tổn hại cho đối tác”, anh nói và cho rằng việc chụp ảnh nude, vẽ tranh nude, vẽ body painting đã diễn ra từ lâu, nhưng hiếm khi có lùm xùm trong giới hội họa về việc họa sĩ xâm hại tình dục người mẫu, vì mọi hành xử ở đó dựa trên nền tảng danh dự và tôn trọng lẫn nhau.

Họa sĩ - điêu khắc gia Đinh Công Đạt lại cho rằng khi nghệ sĩ làm nghệ thuật thì vấn đề thực sự không cần phải đặt ra làm sao để giữ khoảng cách an toàn giữa họa sĩ và mẫu vẽ. “Nghệ sĩ đã làm nghệ thuật thật thì đương nhiên họ là người tử tế, có văn hóa, việc lạm dụng tình dục đương nhiên không xảy ra. Đã đặt ra vấn đề về giới tính, tình dục hoặc lạm dụng thì nó đã không còn liên quan đến nghệ thuật nữa”, anh nói.
Vào sáng 20.5, họa sĩ N.L - người bị tố hiếp dâm người mẫu Kim Phượng đã liên hệ với PV, cho biết việc bị tố hiếp dâm mới chỉ là thông tin một chiều, mọi việc “cứ để cơ quan chức năng làm rõ” và hẹn sẽ trả lời báo chí sau.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn