Bức xúc vì tìm kiếm tài năng kiểu “ăn xổi”

Thứ bảy, 15/12/2012, 08:55
The Voice phiên bản Việt hay các cuộc thi tìm kiếm tài năng, thần tượng âm nhạc bị các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình lý luận âm nhạc nhận định là “ăn xổi”, “sùng ngoại”…

Sáng qua (14/12), Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức cuộc hội thảo về âm nhạc và tuổi trẻ. Phần đông các diễn giả bày tỏ sự quan tâm tới các cuộc thi ca hát phát sóng dồn dập trên truyền hình thời gian qua.

Khi tìm kiếm tài năng cũng… bát nháo

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu đặt câu hỏi: “Tài năng cần được khích lệ bởi công chúng. Vậy mà lâu nay công chúng trẻ muốn nghe nhạc giao hưởng thính phòng vẫn không đủ tiền hoặc cơ hội mua vé, muốn tìm hiểu nhạc cổ truyền đích thực chứ không phải đồ “giả cổ” vẫn chả biết nghe ở đâu. Trong khi đó bao quanh họ là gì?”.

Bà Châu chỉ ra rằng, âm nhạc cần kinh doanh nên các chương trình showbiz bao trùm lên mọi sinh hoạt âm nhạc. Các “thần tượng” ca nhạc ăn khách được công chúng biết đến nhờ những yếu tố “ngoài âm nhạc” nhiều hơn là tài năng thực của họ.

Trong khi đó, cũng theo bà Châu: “Truyền hình cũng cần kinh doanh nên ngày càng nhiều hơn các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc theo kiểu ăn xổi, và các chương trình được tài trợ hẳn nhiên chất lượng phải chiều theo thị hiếu bình dân của doanh nghiệp tài trợ… Tình trạng bát nháo các giá trị thật giả dẫn đến lệch chuẩn, loạn chuẩn trong thẩm mĩ âm nhạc ở giới trẻ đang góp phần làm cô lập, chìm khuất những tài năng thực sự”.

 phi thanh van
 Ca khúc Da nâu do Phi Thanh Vân thể hiện bị xem là “thảm họa”
 

Đồng nhất quan điểm với nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu, nhạc sĩ Doãn Nho bức xúc: “Trong số các chương trình ca nhạc có mặt hằng tuần trên màn ảnh nhỏ, có lẽ hoành tráng nhất, thời thượng nhất là chương trình Giọng hát Việt.

Chỉ tiếc chương trình chưa đi đúng hướng khiến khán thính giả nghĩ rằng đây là chương trình “sùng ngoại”, đáng lý phải theo hướng “Việt hóa” những tinh hoa của nền văn hóa âm nhạc nước ngoài thì ngược lại, hình như muốn chúng ta phải “hóa thân” theo thẩm mỹ của nước ngoài!”.

“Chúng ta hiện đã có một kho tàng đồ sộ những bài hát hay thuộc hầu hết các dòng trong nhạc nhẹ, vậy tại sao không sử dụng? Chương trình mang tên Giọng hát Việt nhưng sao chẳng thấy hồn Việt đâu cả! Hi vọng rằng thời gian tới chương trình này sẽ được chỉnh lại đúng hướng góp phần làm đẹp thêm, đậm đà thêm bản sắc Việt của chúng ta” - nhạc sĩ của Chiếc khăn Piêu nói them.

Thật giả lẫn lộn- vì sao?

Lý giải những thật - giả lẫn lộn trong đời sống âm nhạc, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến cho rằng, nó xuất phát từ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông đã dẫn đến sự phát triển mất cân đối trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn âm nhạc. 

Thực tế, theo phân tích của nhạc sĩ Chiến, sáng tạo âm nhạc không còn dành riêng cho những người được đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hoặc những người trưởng thành do tự học một cách bài bản, nghiêm túc mà trở thành nhạc sĩ, nghệ sĩ.

Chính nền kinh tế thị trường với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã đẩy một bộ phận cấu thành của nền âm nhạc vượt ra khỏi chuẩn mực của đạo đức, của truyền thống dân tộc, tạo nên một dòng nhạc hỗn độn mà ở đó bao gồm những tác phẩm mà giới chuyên nghiệp không nghe, không muốn nhắc đến, với rất nhiều lý do, nhiều yếu tố bởi điều quan trọng là chất lượng nghệ thuật không có gì để bàn.

Nhạc sĩ này bức xúc khi kể ra đây hàng loạt những ca khúc mà chỉ nghe tên gọi thôi cũng đã thấy nhiều điều phải suy nghĩ như: Bà xã tôi number one, Thà rằng anh không nhìn thấy, Yêu để rồi chia tay, Giấc mơ không phải là anh…

Là sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Lê Cẩm cho rằng, những ca từ Em sống trong ước ao/ Em sống trong khát khao… hay Tình yêu đến em không mong đợi gì/ tình yêu đi em không hề hối tiếc… là phản cảm và vô vị.

“Những dẫn chứng trên nực cười, nhưng trong cái cười ấy là những điều đáng phải suy ngẫm về một bộ phận nhạc sĩ sáng tác hiện nay không chỉ dựa vào hiểu biết ít ỏi về âm nhạc mà họ còn có cái nhìn quá hạn hẹp” - chị bức xúc.

Hội Âm nhạc Hà Nội đề ra mục tiêu đánh giá thị hiếu âm nhạc của giới trẻ và các sáng tác âm nhạc Việt Nam đương đại cho giới trẻ; đồng thời đề xuất được các giải pháp nhằm định hướng giáo dục thị hiếu ấy, song một cuộc hội thảo có lẽ cũng sẽ chỉ như “đá ném ao bèo” trước “cơn lốc” showbiz.

 

Theo Thethaovanhoa

Các tin cũ hơn