Khán giả thấy Quốc Khánh 10 năm đóng vai Ngọc Hoàng, ấn tượng với bộ ria mép mà nếu nhếch lên một chút thì có ngay một câu thoại hài hước, có tí sắc bén trong sự ngô nghê. Anh có thấy đó là một điều lặp lại cần thiết của vai diễn?
Khi nghiên cứu về vai diễn Ngọc Hoàng, tôi lưu ý nhiều điểm. Ngọc Hoàng là người đứng đầu nhưng không phải là hoàn hảo, biết thể hiện tình cảm đúng lúc.
Khi nghe các Táo báo cáo, Ngọc Hoàng phải hỏi. Hỏi để đối phương biết mình đang truy vấn sự thật. Một câu hỏi của Ngọc Hoàng chưa chắc đã vì không biết mà hỏi, mà hỏi cho các Táo biết mình đang hiểu vấn đề. Có nhiều tình huống, Ngọc Hoàng vẫn bông đùa, không tỏ ra thông minh xuất sắc để làm gì cả.
Ngọc Hoàng Quốc Khánh trong Gặp nhau cuối năm. |
Những ai đóng các Táo thì tha hồ làm trò, nhảy nhót, đi lại. Ngọc Hoàng hầu như ngồi một chỗ, nghe báo cáo, thỉnh thoảng “đá” một câu. “Đá” câu nào, phải gây “chết” đối phương vì câu đó. Mà phải theo dõi suốt mạch kịch thì mới “đá” được. Lơ mơ, ngồi đó mà “đá” à? Chắc vì Ngọc Hoàng nói ít mà lợi hại nên bộ ria cũng biết gây ấn tượng! (cười).
Vai diễn Ngọc Hoàng thật ra ít... trò. Anh có thấy mình đang phải chịu sự “ức chế” nào đó khi vào vai này?
Làm sao mà phải ức chế khi mình được làm Ngọc Hoàng? Không được tung trò nhiều như các Táo thì mình giữ cho được cốt cách cầm cân nảy mực ở buổi chầu.
Nếu nhiều người nói sân khấu Táo Quân thiếu tính sáng tạo thì cũng không đúng lắm. Sự thật cả năm diễn ra như thế nào ở các lĩnh vực của đời sống xã hội thì đều hội tụ ở báo cáo cuối năm cả.
Những dự báo, nếu có, cũng chỉ tăng thêm tính hài hước, còn để chính xác hóa thì thuộc về giới chuyên môn trong lĩnh vực đó. Nghệ sĩ đâu có tầm chuyên sâu như một nhà kinh tế, nhà quản lý xã hội, nhà hoạch định chính sách. Nghệ sĩ mà nói về dự báo có tính khoa học thì ếch ngồi đáy giếng mà thôi!
Sự khác nhau giữa Quốc Khánh và Ngọc Hoàng?
Ngọc Hoàng ở trên thiên đình, do dân gian tưởng tượng ra. Quốc Khánh do một cặp vợ chồng có hôn ước hẳn hoi sinh ra.
Ngọc Hoàng không biết chơi pi-a, câu cá, hút thuốc lá và tán gái như Quốc Khánh. Ngọc Hoàng chỉ thích nghe báo cáo. Tôi không nghiêm nghiêm, đụt đụt như Ngọc Hoàng. Một điểm nữa là, áo quần, giày dép của Ngọc Hoàng có năm thì được may đo cẩn thận, năm thì đi mượn ở các nghệ sĩ diễn cải lương, tuồng. Còn quần áo của Quốc Khánh thì quanh năm tự mua mà mặc.
"Tôi vẫn thường tiễn người yêu đi lấy chồng"
Quốc Khánh đã từng nói: “Đời tôi, phải có đàn bà!” nhưng vẫn một mình đi diễn, đi chơi. Thế sự thật có phải như anh nói?
Câu nói đó có gì ghê gớm đâu! Đàn bà là một từ rất chung, đàn bà ở đây là mẹ tôi, chị tôi, và người tình của tôi. Mỗi chức danh là một mối quan hệ tình cảm rõ ràng, khác biệt. Sống ở đời, ai chẳng có “đàn bà” theo các quan hệ đó.
Tôi vẫn yêu đàn bà. Nếu không có đàn bà, chả nhẽ tôi đi yêu đàn ông? Phải có đàn bà! Đành rằng, tôi vẫn thường tiễn người yêu đi lấy chồng. Tôi không muốn cưới, vì thích tự do.
Quốc Khánh đã từng yêu rồi bị ai đó “hớt tay trên” người mình yêu, khi đó anh xử trí thế nào?
Tôi chẳng làm thế nào cả. Vì chưa rơi vào tình huống ấy bao giờ. Chưa bao giờ coi một người đàn ông nào là đối thủ của mình. Nếu chuyện đó mà xảy ra thì mình phải xem xét người phụ nữ đó. Do phụ nữ chứ do gì đàn ông.
Không lấy vợ thì bố mẹ có phiền lòng không?
Chắc là có. Trước thì có giục, bây giờ thì chán rồi. Biết đâu không lấy vợ thì tôi có nhiều thời gian chăm sóc cho bố mẹ hơn. Giờ tôi vẫn ở với bố mẹ.
Có thể, tôi hơi ích kỷ để sống tự do. Đi chơi hàng tuần, hàng tháng mà không ai nói gì. Nếu lấy vợ về mà đi thế thì có dở hơi à?
Anh có suy nghĩ đến một ngày về già, mình cũng cần có một đứa con nên bây giờ tính chuyện… thuê đẻ?
Có suy nghĩ nhưng đó không phải là “tôi có một ước ao, tôi có một khát khao”. Nếu thích thì tôi đã làm từ lâu rồi. Thuê đẻ hả? Không chắc chắn lắm đâu vì bản chất của phụ nữ là thích làm mẹ. Đứa con mà họ mang nặng đẻ đau thì không dễ “bán” cho người ta. Một nhẽ nữa, nếu họ chịu đẻ cho mình thì đàn ông làm gì có sữa, và biết cách nuôi con ngay từ thuở lọt lòng.
Theo GDVN