Vợ nghệ sĩ Văn Hiệp kể về mối tình thời trẻ

Thứ sáu, 12/04/2013, 16:39
"Cho tới trước lúc lâm chung ba ngày, chúng tôi vẫn khẳng định được tình cảm chân thành dành cho nhau", vợ nghệ sĩ Văn Hiệp kể.

Lần đầu tiên, câu chuyện tình xúc động của nghệ sĩ Văn Hiệp mới được tiết lộ qua tâm sự của bà Văn Thị Kim Dung, người vợ duy nhất của ông bấy lâu vẫn sống ở Đức. Có lẽ đây là một may mắn của phóng viên khi được bà trải lòng ngay trong thời khắc tang gia bối rối và bà vừa phải vượt qua hai chặng máy bay về nước tiễn biệt chồng...

mối tình đầu Văn Hiệp

Nghệ sĩ Văn Hiệp và bà Văn Dung thời trẻ

Rụt rè mãi ở đầu ngõ tôi mới dám tiến về phía nhà của nghệ sĩ Văn Hiệp. Dù rất hâm mộ ông nhưng thật khó mở lời xin phép phỏng vấn gia đình vào lúc này, khi cả nhà đang bận rộn chuẩn bị cho lễ viếng - lễ truy điệu và đưa tang nghệ sĩ Văn Hiệp bắt đầu vào 10h sáng hôm sau (11/04/2013).

Chị Chiên, vợ anh Nguyễn Quốc Thắng, con trai đầu của nghệ sĩ Văn Hiệp hồn hậu mời tôi vào nhà. Bà Văn Dung (kiểu gọi tắt tên mình mà bà rất thích bởi nó gần với tên Văn Hiệp, chồng bà) đã nán lại trò chuyện với tôi.

Thật bất ngờ bởi không như những gì tôi đã đọc trên báo mạng suốt mấy ngày qua về hoàn cảnh riêng tư của nghệ sĩ Văn Hiệp, đặc biệt là về người vợ “biền biệt” ở nước ngoài của ông. Bà Văn Dung tự nhận mình nói chuyện bằng tiếng Việt Nam không được lưu loát, dù bà có đầy đủ vốn từ vì suốt từ năm 17 tuổi tới nay bà chủ yếu sống ở Đức.

Bà Dung kể: “Cách đây mấy ngày tôi gọi điện về cho anh Văn Hiệp, tôi bảo: Em về với anh nhớ! Anh ấy nói:Thôi, em đừng về nữa, cứ yên tâm vì các con chăm sóc anh rất chu đáo. Tôi cũng mới sang Đức được một tháng thôi, Tết vừa rồi tôi cũng về thăm chồng con, gia đình và chăm sóc anh ấy”.

Bà thông gia, mẹ của chị Chiên, con dâu nghệ sĩ Văn Hiệp ngồi kế bên cũng cho biết: “Cả nhà đã mừng mừng vì hơn một tuần nay ông khỏe hơn, ăn mỗi bữa được một bát cháo và da dẻ đã hồng hào, tưởng là ông uống thuốc lá hợp nên tôi bảo nếu ông bên này khỏe thì tôi cũng lấy về cho ông bên nhà tôi uống, có ai ngờ ông lại ra đi”.

Bà Văn Dung xúc động nói tiếp: “Vợ chồng tôi cũng mới nói với nhau về việc tôi sẽ sớm trở về nước nhưng thật không may cho chúng tôi khi anh ấy ra đi sớm. Có lẽ, cuộc đời tôi phải chịu những nỗi khổ như vậy và tình duyên của tôi và anh Hiệp phải biệt ly như thế chăng?”.

Cuộc tình đến qua những cánh thư

Qua câu chuyện tâm tình, bà Văn Dung cho biết, bà là con gái miền Trung, có ba mẹ đều tham gia cách mạng. Ba mẹ bà đã để lại ba đứa con thơ (bà là con gái đầu lòng) để đi làm nhiệm vụ. Từ khi 8 - 9 tuổi, cõng em trai đi chơi, bà đã nghe người ta đọc những câu vè về gia đình mình, bà mơ hồ hiểu người ta đang ám chỉ điều gì đó về mình nhưng còn nhỏ quá nên chẳng để tâm.

Năm 16 tuổi, bà được ba đưa ra Vĩnh Linh và cho học đàn mandolin (măng-đô-lin) và đàn tranh (loại 24 dây) do chị dâu của nghệ sĩ Văn Hiệp dạy. Bà kể: “Lúc đó mọi người khen tôi xinh và có nhiều báo đã đăng ảnh tôi.

mối tình đầu Văn Hiệp

Bức thư bà Văn Dung viết trong cuốn album để lại cho ông Văn Hiệp

Do hoàn cảnh gia đình, tôi không được vào học ở trong trường phổ thông như các bạn cùng trang lứa mà phải học bổ túc ban đêm. Tôi được thầy cô và các bạn khen là thông minh nên học gộp ba tháng một lớp và sau chín tháng hoàn tất chương trình lớp bảy. Tôi đặc biệt có năng khiếu về ngoại ngữ.

Anh Hiệp gặp tôi khi đang theo học đàn chị dâu anh ấy, anh Hiệp hơn tôi bốn tuổi. Chắc thấy tôi hay hay nên anh ấy đã nhận là... em nuôi. Có lần anh ấy đã nắm tay dắt tôi vào Tràng Tiền ăn kem.

Sau đó, gần tới sinh nhật tuổi 18, tôi sang Đức học Thiếu sinh quân. Bắt đầu thời gian này thì bọn tôi yêu nhau, tình yêu vô cùng ngọt ngào, lãng mạn và chân thành. Anh Hiệp nói rất nhớ hình ảnh cô bé buộc tóc hai bên, mặc váy ngắn hở cặp đùi ếch đáng yêu.

Vì là mối tình đầu tiên, mà ngày đó tôi... tồ tệch lắm, nhận ra tôi yêu anh ấy quá nên viết thư về bảo: “Ba phải lên ngay nhà anh Hiệp đi”. Ba viết thư sang bảo: Con trai người ta phải đến nhà con gái thưa chuyện chứ ai lại nhà gái đến nhà trai bao giờ.

Bọn tôi đã yêu nhau như vậy suốt 10 năm qua những cánh thư. Thế mà không hiểu sao có những tờ báo lại viết rằng tôi bỏ chồng bỏ con, bỏ nhà ra đi. Rồi cả chuyện anh ấy hút thuốc lào nữa, mình và các con đều không thích bởi nó hôi và ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng có báo lại bảo tôi yêu qua chiếc điếu cày, chả hiểu nổi, bà Văn Dung nói, mắt ngấn lệ.

Tình yêu và những sóng gió không ngờ

“Tôi tự hào rằng, dù mình ở nước ngoài, tôi vẫn có một người chồng tử tế và đàng hoàng, vẫn đang ở nhà chăm nuôi con và chờ vợ. Bởi vì 10 cặp sang Đức thì tới 9 cặp tan vỡ bởi vợ hoặc chồng hoặc cả hai phản bội nhưng cặp Văn Dung - Văn Hiệp thì không thế.

Bạn bè ở Đức ai cũng hiểu nên khi anh Hiệp mất dường như tất cả những người bạn ở Đức gọi điện tới chia buồn với tôi. Cho tới bây giờ, về những giá trị vật chất thì tôi chưa được hưởng gì từ anh ấy, nhưng tôi được hưởng sự chân thành và tử tế của chồng. Anh ấy đã một mình nuôi dạy các con khi tôi ở xa. Tôi vô cùng biết ơn anh Hiệp".

mối tình đầu Văn Hiệp

Bà Dung sang Đức học vào năm 1964 thì năm 1972 về nước làm đám cưới với Văn Hiệp. “Vào dịp đó, khi hai đứa đi chơi về, trên đường Đại Cồ Việt, anh Hiệp hát vang: “Tình yêu có từ nơi đâu…” rồi phấn khích thế nào anh ấy phi rầm vào cái cây đổ ở đường và hai đứa lao thẳng vào đám cành lá đó.

Hai đứa yêu và hạnh phúc là thế mà không hiểu sao ba mình lại cấm, ông nói: Thằng Hiệp đẹp trai thế này có khi nó có vợ rồi đấy! Nhưng bọn tôi không nghe, ba cản vẫn cứ yêu và quyết định làm đám cưới.

Khi anh Hiệp xin mãi thì ba đành chấp nhận và bắt phải rước dâu bằng xe máy chứ không cho đi xe buýt. Rồi ba gọi lại bảo: Anh chuẩn bị cho tôi đi.

Ba nói mỗi thế thôi và anh Hiệp rất lo lắng, anh không hiểu ba nói thế là thế nào và ba bắt phải chuẩn bị quà sính lễ gì.Anh bảo với tôi: Chết thôi, anh còn có mỗi cái xe đạp pơ-giô, có bán đi cũng không đủ tiền làm đám cưới, không biết ba em bắt chuẩn bị những gì.

Thế rồi hóa ra ông bắt chuẩn bị... 400 cái thiếp cưới. Trong đám cưới diễn ra ở Nhà hát lớn, có đôi câu đối dán ở hai bên cửa: “Con hoang của thời đại - Lấy quái đản của Thủ đô”. Bọn tôi cứ mặc kệ và cưới xong thì mình có bầu. Suốt 9 tháng 10 ngày ông ngoại không hề ngó ngàng tới. Nhưng khi đến bệnh viện thăm em bé, tức cháu Thắng bây giờ, ông thấy cháu đẹp quá nên bảo: Có bố rồi mới có con, có cháu đầu lòng rồi mới có ông. Sau này, nhờ vào đức độ và sự chân thành của anh Hiệp mà ông đã hết lòng yêu thương con rể", bà Dung kể.

Rồi khi bé Thắng được 6 tháng, bà Dung bị rơi vào trạng thái trầm cảm. Có lần đã ngã lăn từ trên cầu thang tầng 2 xuống tận dưới sàn và phát âm toàn bằng ngoại ngữ. Cả nhà nghĩ bà bị tâm thần, đã đưa vào Bệnh viện Bạch Mai và sau đó đưa sang Trâu Quỳ. Ở đó họ cho bà uống thuốc an thần triền miên. Có lần Văn Hiệp sang thăm, nhìn thấy vợ cứ thò tay qua cửa sổ xin kẹo ăn, ông nằng nặc xin bác sĩ đưa vợ về nhà.

“Trên đường đi anh ấy như mụ mị cả người, cứ cắm cổ đạp xe trong khi tôi uống thuốc an thần, ngồi sau xe đung đưa buồn ngủ lịm cả người đến nỗi tới đầu cầu Long Biên thì tôi rơi khỏi xe lúc nào anh ấy không biết, tôi cũng không biết luôn. Chắc anh ấy đi được một đoạn xa thì người ta gọi mới biết và quay lại ôm chầm lấy vợ.

Chuyện tình yêu của bọn tôi sâu nặng như vậy đấy nên dù có phải xa anh Hiệp cũng chưa khi nào tôi quên được anh ấy mà nghĩ tới việc quan hệ hay yêu thương người khác”, bà Dung kể.

mối tình đầu Văn Hiệp

Chúng tôi buộc phải xa nhau bởi sau khi sinh ba năm hai đứa con và dốc toàn bộ tiền tích cóp được cùng số tiền ba mẹ cho, để mua nhà ở riêng, kinh tế gia đình cạn kiệt. Thời đó cả nước khó khăn, đói khổ.

Sau đó, tôi và anh Hiệp bàn bạc để tôi sang Đức, đi lao động xuất khẩu, làm phiên dịch kiếm tiền. Lúc tôi đi cháu Thắng mới được 8 tuổi và cháu Vân 5 tuổi. Đi rồi về và tới năm 1991 lại đi tiếp. Sau đó thì tôi phải chấp nhận tị nạn và không được về Việt Nam, phải nhập quốc tịch ở đó và đấy là lý do vì sao hai vợ chồng phải xa nhau biền biệt như vậy.

Cho tới nay, dù anh ấy đã ra đi và trong cảm giác đau buồn tôi vẫn cảm thấy thanh thản bởi tôi và anh ấy luôn tự hào về nhau. Cho tới trước lúc lâm chung ba ngày, bọn tôi vẫn khẳng định được tình cảm chân thành dành cho nhau, đó là điều mà có lẽ không ít cặp vợ chồng có ở gần kề nhau cũng không có được.

Theo GTVT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích