Truyền hình thực tế đang là “chiếc cần câu vàng” của những đơn vị truyền thông nói riêng và các đài truyền hình lớn nói chung. Với số lượng lên đến vài chục chương trình, năm 2013 được xem là năm khốc liệt với những đại gia trong lĩnh vực này.
Hiện tại, có 4 đại gia kinh doanh truyền hình thực tế nổi bật, có nhiều chương trình phát sóng trên hai đài truyền hình lớn nhất hiện nay là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình TP.HCM (HTV).
Đông Tây Promotion là một trong những công ty đi tiên phong trong việc mang truyền hình thực tế về Việt Nam. Đây là đơn vị đã làm nên thương hiệu truyền hình thực tế Việt với phiên bản Sao mai điểm hẹn nức tiếng một thời.
Sự sạch sẽ đến mức không có scandal nào của Thử thách cũng bước nhảy được xem là nguyên nhân khiến chương trình này không thu hút được dư luận. |
Năm 2007, vị thế của Đông Tây lên cao nhất khi mang được chương trình đình đám nhất thế giới lúc bấy giờ là Idol về Việt Nam. Cho đến thời điểm này, số tiền 2 triệu USD mà Đông Tây Promotion và đơn vị tài trợ Unilever xác nhận đã bỏ ra để có được bản quyền Thần tượng âm nhạc VN - Vietnam Idol mùa đầu tiên vẫn được xem là cái giá khủng nhất chưa có ai vượt qua.
Kết thúc Vietnam Idol 2008, Đông Tây Promotion bị thất thế khi ở mùa thi này chỉ số người xem chương trình giảm. Trước đó, Ủy Ban Nhân dân TP.HCM (chủ quản HTV) cũng đã có công văn yêu cầu HTV tạm hoãn tổ chức Vietnam Idol lần 2.
Sau thất bại của mùa thứ hai, Vietnam Idol được thay máu khi chuyển sang nhà sản xuất mới là công ty BHD từ mùa thứ 3 (2010) và mùa thứ tư (2012).
Lý giải cho sự thất thế của Đông Tây trên thị trường truyền hình thực tế hiện nay, có nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong những nguyên nhân nhận được nhiều ý kiến đồng thuận là do sự quá tử tế trong cách làm chương trình của công ty này.
Tất cả các chương trình của Đông Tây Promotion sản xuất, không có nhiều scandal. Thậm chí có những chương trình được liệt vào hàng “siêu sạch”. Sạch đến nỗi báo chí không có gì để chê, để bới móc, để thu hút dư luận như mới đây nhất là Thử thách cùng bước nhảy (So You Think You Can Dance).
Nguồn cơn này cũng làm buồn lòng khá nhiều người trong cơn bão truyền hình thực tế đang hoành hành hiện nay. Đông Tây Promotion hiện vẫn là đại gia kinh doanh truyền hình thực tế hàng đầu trên HTV với các show: Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, So You Think You Can Dance, và sắp tới sẽ là Tôi là người chiến thắng (The Winner Is…) lên sóng vào cuối tháng 5.
Theo như những gì khán giả đúc kết được thì “phi scandal, bất thành show Cát Tiên Sa”. |
Nổi lên sau, nhưng đang là đại gia “lắm chương trình hot” nhất hiện nay là Cát Tiên Sa. Xuất phát điểm là một công ty truyền thông chuyên về các cuộc thi như Tiếng ca học đường, Người dẫn chương trình truyền hình, Tiếng hát truyền hình (HTV),… Cát Tiên Sa cũng từng là đại gia “thầu sóng” HTV một thời khi các game show còn nở rộ.
Đến thời của truyền hình thực tế, cách đây 4 năm, Cát Tiên Sa đã bật lên một cách nhanh chóng với chương trình Bước nhảy hoàn vũ mùa đầu tiên. Sau đó là hàng loạt các chương trình ăn khách như Cặp đôi hoàn hảo, mới nhất là The Voice Vietnam.
Thời gian sắp tới công ty này định đưa vào sản xuất một danh sách dày đặc các chương trình khác như X-Factor (cuộc thi hát dành cho các nhóm nhạc), The Voice Kids (The Voice phiên bản dành cho thiếu nhi từ 9 - 15 tuổi), Good To Dance, Remix (dành cho DJ), Fashion Star (cuộc thi cho các nhà thiết kế thời trang), …
Theo như những gì khán giả đúc kết được thì “phi scandal, bất thành show Cát Tiên Sa”. Tất cả các chương trình của Cát Tiên Sa đều nổ ra những scandal nghiêm trọng như Minh Hằng ăn cắp giọng Lan Anh trong Bước nhảy hoàn vũ 2011, Phương Uyên dàn xếp kết quả ở The Voice Vietnam 2011, thí sinh và giám khảo cãi vã, nói mỉa nhau ở Cặp đôi hoàn hảo 2013.
Nhưng đẳng cấp của Cát Tiên Sa là ở chỗ, họ không bao giờ bị quy tội là người trực tiếp tạo nên những ồn ào quanh các chương trình thực tế của mình. Bởi chương trình của Cát Tiên Sa luôn được biên tập kỹ càng về mặt sản xuất.
Chỉ phục công ty này ở chỗ, họ có con mắt nhìn người khi biết chọn thí sinh và giám khảo đều là những nhân vật thích gây sốc dư luận. Đặt chung chiếu những người có cái tôi quá khác nhau, và có cá tính và sở thích khác biệt, tất nhiên không chóng thì chầy những scandal cãi vã, tố cáo cũng sẽ xảy ra.
Scandal Đức Anh Hugo đã hâm nóng Vietnam Idol 2010 sau mùa thứ hai thất bại về lượng người xem. |
Công ty BHD, đại gia đứng ngay sau Cát Tiên Sa cũng là một cái tên đình đám của những chương trình truyền hình thực tế ồn ào thời gian qua với hàng loạt chương trình giành được quyền sản xuất như: Vietnam Idol, The Amazing Race, Clash of the Choirs, Master’s Chef, Vietnam’s Got Talent…
Đến với lãnh địa truyền hình thực tế sau các công ty khác, những BHD có cách làm mới lạ hơn hẳn. Minh chứng đầu tiên là việc họ giành quyền sản xuất Vietnam Idol từ tay Đông Tây Promotion.
Chương trình đang ở giai đoạn “chờ khai tử”, sau hai mùa thi khá nhạt trên sóng cũng như trên báo và trong dư luận xã hội. BHD nhảy vào tiếp quản, dù Vietnam Idol phát sóng trên kênh vô cùng bất tiện là VTV6, một kênh có giới hạn phủ sóng hẹp thời bấy giờ do còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nhưng Vietnam Idol mùa thứ ba (2010) vẫn nổi đình đám.
Hàng loạt scandal như vụ Đức Anh chửi giám khảo, Đăng Khoa ghi âm, sau đó những đoạn chửi bới này được tung lên mạng. Cho đến việc Uyên Linh, thí sinh sáng giá nhất Vietnam Idol 2010 bị loại thẳng tay vì tin nhắn đã tạo nên một hiệu ứng bất ngờ cho chương trình.
Kinh điển hơn là câu chuyện ở Vietnam’s Got Talent 2012. Khi đến Việt Nam, Got Talent đã “buộc” nhà tài trợ phải giao quyền sản xuất cho BHD, bởi họ quá tin vào hiệu ứng của Vietnam Idol 2010.
Đây cũng là một chuyện hi hữu khi hai đối thủ lớn nhất trên thị trường hàng tiêu dùng lại cùng chọn một nhà sản xuất chương trình để quảng bá tên tuổi của mình trên sóng truyền hình thực tế. Chính vì thế, áp lực đặt ra cho BHD là khá lớn.
Mùa giải đầu tiên của Vietnam’s Got Talent không thực sự thu hút. Thậm chí được đánh giá là khá nhạt khi chương trình bị kéo dài lê thê mà thiếu yếu tố hấp dẫn.
Đến với lãnh địa truyền hình thực tế sau các công ty khác, nhưng BHD có cách làm mới lạ hơn hẳn với những scandal kinh điển hơn như vụ Quỳnh Anh Got Talent. |
Lượng người xem những tập đầu rất thấp. Tình thế đó có lẽ làm nhà sản xuất đau đầu và cơn địa chấn mang tên Quỳnh Anh hát 6 thứ tiếng ra đời. Việc chương trình đẩy một cô bé 15 tuổi ra làm bia đỡ đạn để thu hút công chúng đã được mổ xẻ khá nhiều. Thậm chí sự việc còn được đưa lên tới cả Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Sức nóng của scandal cộng với việc nhà sản xuất được hậu thuẫn rất lớn từ đơn vị giữ quyền phát sóng khi tung ra thêm một tiểu phẩm hài khuấy lại dư luận khiến chương trình bỗng trở nên hot hơn bao giờ hết. Bằng chứng là kết thúc mùa giải, theo kết quả của nhà sản xuất công bố, Vietnam’s Got Talent là chương trình có tỷ lệ người xem cao nhất trong các chương trình thực tế ở Việt Nam.
Nhưng scandal Quỳnh Anh, có lẽ đã dạy cho nhà sản xuất một bài học về sự cần thiết của việc tôn trọng khán giả trong cách làm chiêu trò. Thế nên hai chương trình gần nhất của BHD là Vietnam Idol 2012 và Vietnam’s Got Talent 2013, không khí có phần trầm lắng.
Vietnam Idol 2012 là sân chơi có đất để gột nên scandal. Nhưng nhà sản xuất chỉ dám dụng công vừa phải khi dè dặt dẫn dắt dư luận xung quanh chuyện chuyển giới của Hương Giang, chuyện thí sinh có tài năng như Hoàng Quyên hay có giọng như Bảo Trâm bị loại vì tin nhắn. Tiếc là “bài này cũ”, khán giả đã ngán, nên chương trình không tạo được sức nóng như năm 2010.
Vietnam’s Got Talent 2013 vừa kết thúc cũng không để lại nhiều ấn tượng. Ngoại trừ ý nghĩa của việc tạo nên một sân chơi cho bất cứ ai “thấy và nghĩ mình có tài” đến để có cơ hội lên truyền hình thì chương trình thực sự chưa tìm ra được những tài năng đáng để công chúng phải lưu tâm.
Vietnam’s Next Top Model còn luôn mang đến những màn cãi vã liên tu bất tận của các giám khảo nổi tiếng là cá tính trong làng thời trang Việt. |
Đại gia cuối cùng trong “bộ tứ quyền lực của truyền hình thực tế Việt” là công ty Multimedia. Ít ai biết đến công ty này dù họ là nhà sản xuất của chương trình thi hát cho trẻ em khá có tiếng, Đồ Rê Mí.
Chỉ đến khi Vietnam’s Next Top Model 2011 lên sóng, người ta mới thấy được sự lớn mạnh nhanh chóng của họ. Scandal liên tục nổ ra kể từ khi chương trình này lên sóng. Những tố cáo qua lại giữa nhà sản xuất và ban giám khảo đã đẩy Vietnam’s Next Top Model 2011 nóng hơn bao giờ hết trên sóng truyền hình.
Ngoài sức hấp dẫn vốn có của thế giới những cô gái chân dài, Vietnam’s Next Top Model còn luôn mang đến những màn cãi vã liên tu bất tận của các giám khảo nổi tiếng là cá tính trong làng thời trang Việt như: Nathan Lee, Hà Anh, Đức Hải (ở mùa đầu tiên), Xuân Lan, Đỗ Mạnh Cường và Nam Trung (ở hai mùa tiếp theo).
Multimedia đi theo một hướng khác biệt với những công ty khác là chỉ chọn các chương trình thực tế về thời trang, lĩnh vực vốn lắm điều tiếng ở Việt Nam hiện nay. Bởi thế nên không lạ khi chương trình của công ty này không hot nhất nhưng luôn nằm trong tâm điểm dư luận qua mỗi mùa phát sóng.
Năm 2013, ngoài Vietnam’s Next Top Model, Multimedia sẽ trình làng thêm show truyền hình thực tế đình đám không kém, Project Runway. Hướng đi chuyên biệt của Multimedia có lẽ là đúng đắn khi họ không đụng phải các ông lớn khác đang đầu tư vào những cuộc chơi tốn kém hơn.
Trong cuộc đua chiếm sóng của các đại gia truyền hình thực tế, cũng còn một số nhà sản xuất khác như Sóng Vàng (chương trình Gương mặt thân quen), TVPlus (Siêu đầu bếp - Iron Chef). Nhưng tỷ lệ chiếm sóng của các đơn vị này rất nhỏ. Họ chỉ là nhóm “mua sóng lẻ” trên kênh VTV3 và HTV7.
Mỗi đại gia truyền hình thực tế trên phải vắt óc nghĩ ra cho bằng đủ các chiêu trò gây sốc dư luận, đó cũng nguồn cơn của tất cả những scandal mà khán giả đang phải gánh chịu từ các chương trình truyền hình thực tế. |
Bởi mảnh đất vàng này hiện bị nắm giữ bởi 4 đại gia kể trên. Trên HTV 7 Đông Tây Promotion đang thầu sóng giờ vàng các ngày cuối tuần. Trên VTV3, hiện Cát Tiên sa đang chiếm sóng khung giờ 20h thứ 7, 21h30 Chủ nhật hàng tuần.
Khung giờ còn lại được BHD và Multimedia chia nhau. Hiện khung giờ 20h thứ Sáu thuộc về BHD với Vua đầu bếp. Sau khi Vietnam’s Got Talent 2013 kết thúc, khung giờ 20h thứ Bảy sẽ được Multimedia chiếm giữ từ 28/4 với Rroject Runway Vietnam.
Nhìn vào việc phân bổ sóng trên cũng đủ thấy cuộc chạy đua tìm sóng cả các nhà sản xuất truyền hình thực tế sẽ khốc liệt cỡ nào. Nó là một hành trình đầy gian nan, mệt mỏi. Chỉ những chương trình thu hút được đông khán giả, lôi kéo được nhiều quảng cáo mới có thể trụ được ở hai kênh VTV3 và HTV7.
Do đó mà mỗi đại gia truyền hình thực tế trên phải vắt óc nghĩ ra cho bằng đủ các chiêu trò gây sốc dư luận. Nếu không, chỉ cần kém sốc hơn đối thủ, họ sẽ bị đá văng ngay lập tức khỏi khung giờ mình chiếm giữ. Và đó cũng nguồn cơn của tất cả những scandal mà khán giả đang phải gánh chịu từ các chương trình truyền hình thực tế thời gian qua.
Bài tiếp theo: Thỏa thuận ngầm gây scandal ở các chương trình thực tế
Theo VTCnews