Văn hóa giữa đám đông đang bức bối

Thứ tư, 24/04/2013, 17:26
Chỉ sau chưa đầy 10 ngày, clip Gentleman của chàng béo Hàn Quốc Psy đã vượt mốc 200 triệu lượt xem trên trang Youtube chính thức (chưa kể hàng triệu lượt xem các phiên bản do người dùng đưa lên), phá vỡ nhiều kỷ lục trước đó của chính anh.

Người ta phát cuồng vì Gentleman như đã từng phát cuồng với điệu nhảy ngựa trong Gangnam style. Billboard hot 100, iTunes và các bảng xếp hạng âm nhạc lần lượt ghi tên Gentleman vào hàng top.

Giữa cơn say cuồng ấy của cả thế giới, ngay chính trên quê hương của Psy, Đài truyền hình KBS lạnh lùng ra tuyên bố không phát sóng MV này và sẽ cấm tiệt Gentleman nếu Psy không chỉnh sửa lại nội dung.

Theo đại diện của KBS, hành động đá thanh chắn giao thông của Psy trong clip là “phá hoại tài sản công cộng” mà nếu để cho thanh thiếu niên xem, sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho xã hội văn minh.

Ngoài động tác bị cho là phản cảm vừa nêu, Gentleman còn bị cho là thô tục khi có cảnh Psy giật dây áo tắm một phụ nữ cùng nhiều cảnh quá “gợi cảm” khác.

Không nhiều cá nhân, đơn vị tỉnh táo được như KBS. Dạo một vòng trên mạng, người ta dễ dàng tìm thấy các đoạn clip học theo điệu nhảy của Psy trong cả Gentleman lẫn Gangnam style được giới trẻ ùn ùn post lên như một cách thể hiện sự sành điệu của mình.

Gõ từ khóa Harlem shake vào một công cụ tìm kiếm bất kỳ, ta sẽ bắt gặp cảnh nhiều bạn trẻ Việt lắc lư, nhảy nhót theo những động tác vô nghĩa của “vũ điệu Harlem”. Thậm chí giữa khoảng lặng của Gangnam styleGentleman, khi Harlem shake không đủ sức tạo ra một trào lưu thì giới trẻ đã kịp chộp lấy và học theo điệu múa tay Gwiyomi để làm clip thể hiện mình.

Công bằng mà nói, những điệu nhảy không đáng bị kết tội nếu nó không quá thô tục và phản cảm. Ngay cả vũ điệu lambada một thời bị lên án tại Việt Nam nay cũng đã được xuất hiện công khai trên sóng truyền hình. Tiết mục của Toàn Trung, Hồng Nhung ở Thử thách cùng bước nhảy được công chúng hào hứng đón nhận nhờ tài năng của người nghệ sĩ.

Giữa lúc giới trẻ đang dần xa rời đời sống thực để ngồi hàng giờ bên máy tính, chúi mũi vào game online, mạng xã hội thì nhảy múa cũng là một cách hay để họ có cơ hội vận động, rèn luyện cơ thể, giải phóng năng lượng.

psy, gentleman
Clip Gentleman bị Đài Truyền hình KBS từ chối vì “thô tục và phản cảm” - Ảnh: T.N.

Nhưng, giải phóng năng lượng không có nghĩa là học theo, làm theo mọi thứ, bất chấp các chuẩn mực xã hội. Đoạn clip quay cảnh một nam sinh bắt bạn gái quỳ gối xin lỗi (và cô gái cũng quỳ) được tung lên mạng nhắc nhở chúng ta về những cảnh tương tự trong phim tình Hàn Quốc.

Trào lưu Hallyu (làn sóng Hàn) đã sản sinh ra những cô gái sẵn sàng gào thét vào mặt bạn trai vì đủ mọi lý do, sẵn sàng rủ nhau đi uống rượu giải sầu và đá bàn, đá ghế, đá gốc cây cho giống như phim. Ở chiều ngược lại, những người thuộc “phái chính chuyên” sẽ không tiếc lời xỉ vả cái đám đông nông nổi kia và hai phe lao vào những cuộc “bàn phím chiến” bất tận.

Vụ Mỹ Tâm bị Đà Nẵng tẩy chay vì hét giá cát-xê, trong lúc báo chí đang tìm hiểu nguyên nhân, phân tích thị trường thì trên các diễn đàn người ta xả năng lượng bằng cách mạt sát cô ca sĩ chỉ biết có tiền, bỏ rơi quê hương và các fan của cô cũng nhanh chóng tập hợp, vận động ký tên để “đòi lại công bằng” cho thần tượng.

Từng vụ việc vốn nhỏ nhưng khi xuất hiện bỗng chốc hóa to khi nhận được sự cộng hưởng từ một đám đông luôn tràn trề năng lượng, bức bối khi không có việc gì tốt hơn để làm, không có lý tưởng nào để theo đuổi. Họ chửi nhau trên mạng, họ đánh hội đồng người khác... giữa những căm phẫn, hò hét, khen chê của đám đông và họ tin rằng họ đang làm nên “sự khác biệt”, trở thành “nổi bật”.

Một lứa thanh thiếu niên, thậm chí cả người lớn, đang bức bối và căng tràn năng lượng thừa luôn là mầm mống bất ổn. Thế thì câu hỏi là chúng ta sẽ kiểm soát và dẫn dắt nguồn năng lượng xã hội này đi đâu, phục vụ cho những điều tích cực gì hay để mặc chúng chảy vào các buổi đón tiếp thần tượng, nhảy ngựa, lập các hội nhóm vô nghĩa?

 

Theo PhunuOnline

Các tin cũ hơn