Nhìn những gì diễn ra trên màn ảnh của buổi công chiếu bộ phim “Lọ Lem Sài Gòn” vào tối ngày 27/5 tại TP.HCM, nhiều người chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán, chưa biết bao giờ mức độ nhảm nhí của phim Việt mới chạm được đến “đáy” cuối cùng. Bởi mức độ nhảm nhí của phim sau cứ luôn dấn sâu hơn phim trước.
“Lọ Lem Sài Gòn” là kết quả hợp tác của điện ảnh Việt – Hàn |
Nói về điển hình của phim nhảm cách đây một vài năm, người ta dễ dàng liệt kê hàng loạt thảm họa: “Em hiền như ma sơ”, “Hoán đổi thân xác”, “Hello cô Ba”.... Nhưng lần lượt từng phim một, chúng nhanh chóng để mất danh hiệu phim “siêu nhảm” vào tay những người anh em đến sau như “Ranh giới trắng đen”, “Nàng men chàng bóng”. Tất cả chúng hiện phải chào thua đối thủ mới nhất “Lọ Lem Sài Gòn”, kết quả hợp tác của điện ảnh Việt – Hàn.
Nếu nhìn vào vị trí của điện ảnh Hàn Quốc tại châu Á cùng với một số phim truyền hình hợp tác với Việt Nam khá hiệu quả trước đây như “Mùi ngò gai”, “Cô dâu vàng”, công chúng Việt ít nhiều có quyền hy vọng vào một dự án hợp tác phim điện ảnh. Nhất là khi trong dự án này, phía Hàn Quốc đều nắm những vị trí chủ chốt như đạo diễn, kịch bản, nam diễn viên chính. Nhưng xem xong rồi mới thấy, phim Hàn thì cũng có năm bảy đường!
Cái tên “Lọ Lem Sài Gòn” đã cho thấy một chủ đề không hề mới, mà ở đây là chuyện giữa một cô gái nghèo người Việt làm hầu phòng trong một khách sạn và một nam ca sĩ nổi tiếng người Hàn. Nhưng câu chuyện mới hay cũ cũng không quan trọng bằng cách thể hiện. Phim Mỹ từng có hàng loạt tác phẩm phóng tác từ truyện cổ tích, mang lại biết bao hứng thú cho người xem.
Chuyện cổ tích hoàng tử & Lọ Lem trong phim ngớ ngẩn một cách trầm trọng. |
Còn ở phía đối lập, “Lọ Lem Sài Gòn” ngớ ngẩn một cách trầm trọng, đến nỗi khán giả không thể không thảng thốt: “Họ đang làm cái gì thế này!”. Chẳng cần bận tâm xem tâm lý nhân vật có hợp lý hay không, nếu lời thoại nói họ đang yêu nhau hay ghét nhau thì người xem phải chấp nhận là thế.
Sự xuất hiện của các nhân vật ở mỗi bối cảnh cũng hết sức tùy tiện, như cảnh mọi người bỗng dưng đổ dồn ra chợ Bến Thành để tìm kiếm anh chàng Hàn Quốc, cảnh một cặp đôi ăn mặc như trên sân khấu mà lại nhảy một điệu lãng mạn ở... vỉa hè!
Xem “Lọ Lem Sài Gòn”, khán giả càng thấm thía khái niệm “phim chợ” và “phim siêu thị” từng được đề cập trong một phim Việt gần đây. Tác phẩm hợp tác Việt - Hàn xứng đáng là điển hình của “phim chợ” ở cả nội dung và hình thức.
Vẽ ra sự kiện hợp tác ở tầm vĩ mô, một cuộc thi tìm kiếm tài năng châu Á nhưng những gì khán giả được thấy không khác gì một cuộc thi tầm xã phường. Đó là chưa kể việc đưa quảng cáo vào phim một cách trắng trợn, thô thiển và phản cảm. Như thể bộ phim này ra đời từ động cơ một số doanh nghiệp liên kết với nhau bỏ tiền ra quảng cáo!
Psy nhí” cũng không thể cứu vãn được cảm xúc của khán giả nhanh chóng tuột dốc. |
Buổi lễ ra mắt phim ồn ào náo nhiệt với sự xuất hiện của cậu bé “Psy nhí” cũng không thể cứu vãn được cảm xúc của khán giả nhanh chóng tuột dốc xuống đáy của sự chịu đựng. Nhiều người lục tục bỏ về giữa chừng. Những người nán lại, trong đó có cánh báo giới, cũng chỉ cốt để tìm hiểu xem có điểm sáng nào cứu vãn bộ phim hay không. Nhưng chỉ thấy tận cùng của sự cẩu thả cho tới hết phim.
Sau “Ranh giới trắng đen” (hợp tác với Indonesia) từng nhận những “cơn mưa gạch đá”, phim hợp tác “Lọ Lem Sài Gòn” lại một lần nữa gây thất vọng cho khán giả điện ảnh Việt Nam. Có lẽ giờ đây mọi người cần phải nhắc nhở nhau: “Đừng tin vào phim hợp tác!”?
Theo VNN