Hello cô Ba
Ra mắt dịp tết 2012, Hello cô Ba đứng “đội sổ” về chất lượng trong số 5 phim Tết theo đánh giá của giới chuyên môn và nhà báo. Tất cả đều dở tệ trong bộ phim quy tụ một dàn sao hài như cách làm câu khách quen thuộc của ông bầu Phước Sang: Kịch bản ngô nghê theo kiểu chọc cười, trong khi sản xuất thì qua loa, thiếu đầu tư.
Nhìn tổng thể, phim giống một vở tấu hài kiểu kịch truyền hình ''trong nhà ngoài phố'' và là sự đối lập hoàn hảo so với bom tấn Thiên mệnh anh hùng khi cả hai công chiếu cùng thời điểm tết 2012. Điều nghịch lý là nó lại bất ngờ vượt mặt các đối thủ về doanh thu, khiến những khán giả điện ảnh thực sự không thể giấu nổi sự thảng thốt, còn giới làm nghề nghiêm túc ít nhiều cảm thấy niềm tin vào công chúng bị lung lay.
Trong khi các nhà sản xuất nhanh chóng bắt chước công thức hốt bạc này và cho ra đời một chuỗi các phim hài nhảm trong suốt năm 2012. “Cô Ba” xứng đáng giữ vị trí quán quân giải Mâm xôi vàng. Nó hoàn toàn dễ được nhớ đến nếu người ta muốn liệt kê những bộ phim ''thảm họa'' trong năm.
Giấc mộng giàu sang
Tên phim có lẽ đã dự báo luôn sự giàu sang phòng vé của bộ phim mãi chỉ là “giấc mộng”. Noi gương “cô Ba”, bộ phim đầu tay của đạo diễn kiêm diễn viên Công Hậu mon men rạp để thọc lét khán giả.
Giống như những người anh em đứng “tiệm cận” điện ảnh bằng lối làm phim cẩu thả, không thể gọi “Giấc mộng...” là phim. Chính xác hơn, có lẽ nó là sự mạo danh (hoặc tự huyễn) với mục tiêu thủ lợi không giấu giếm. Lạc vào giấc mộng này, người xem không còn thấy “sạn” đâu nữa, thay vào đó là những “tảng gạch” to tướng.
Đã vậy, “Giấc mộng...” còn thua “cô Ba” vì dàn danh hài ít ăn khách. Bị mọi cụm rạp lớn từ chối cấp giấy thông hành ra rạp, “Giấc mộng...” chỉ được sắp lịch chiếu ở một số rạp nhỏ, nên có lẽ không mấy ai biết đến sự ra đời và số phận của nó trong đời sống điện ảnh Việt.
Nàng men chàng bóng
Có một yếu tố khiến việc chọn phim này gửi đi Mỹ tranh "mâm xôi" trở thành quyết định bất công. Bởi ngay từ tên phim nửa nạc nửa mỡ, nó đã có “công trạng” góp phần giúp điện ảnh Việt có thêm nhiều từ ngữ mới phát sinh: Phim “siêu nhảm”, phim “đại thảm họa”, phim “thảm họa chúa”…
Dù cũng hài nhảm, nhưng Nàng men chàng bóng vượt trên các đối thủ khi bạo gan và hồn nhiên diễn đạt cách nhìn méo mó, lệch lạc về giới đồng tính. Theo những người làm phim thì có thể “đánh thức bản năng đàn ông” ở một anh chàng đồng tính bằng những đụng chạm cơ thể với phụ nữ.
Trong cố gắng chọc cười, bộ phim cho phép mình có quyền mô tả cô gái Việt lao vào như muốn “ăn tươi nuốt sống” chàng trai được gia đình hứa hôn.
Cát nóng
Khi chọn Cát nóng làm phim mở màn, không rõ vì ban tổ chức LHP Quốc tế Hà Nội lần 2 ngộ nhận về thương hiệu đạo diễn Lê Hoàng - vốn đang xuống cấp vì cho ra đời liên tiếp nhiều phim…dở, hay vì không còn phim nào tốt hơn để trình diện điện ảnh nước chủ nhà?
Cũng còn may là đến giờ phút này, bộ phim khiến nhiều người trong làng điện ảnh Việt cảm thấy bẽ mặt với bạn bè quốc tế (được ca ngợi đã mang đến nhiều phim xuất sắc) mới chỉ phổ biến trong giới hạn liên hoan.
Bởi theo nhận xét của NSND Thế Anh với báo chí thì phim “có quá nhiều cảnh phản cảm, đặc biệt là những cảnh máu me khi đầu bếp chế biến món dông, cảnh cô Tuyết cầm dao chặt đầu con dông, cảnh dông bị nướng chín, phơi mình trên đĩa, cảnh hàng trăm con dông bị cháy… Nếu mục đích của đạo diễn là dọa khán giả thì xem ra, những cảnh phản cảm trên đã làm rất tốt nhiệm vụ của nó”.
Nhưng thật ra, bộ phim thiếu thuyết phục và ngây ngô này lại được làm với tham vọng rất lớn của đạo diễn: Một luận đề về xung đột giữa phát triển và bảo vệ môi trường! Một phim nêu thông điệp bảo vệ thiên nhiên mà lại đi tàn sát thiên nhiên, quả thật hiếm có.
Ranh giới trắng đen
Giả như bộ phim này đoạt "mâm xôi" thì có lẽ “vinh quang” này phải được chia đều cho điện ảnh hai nước Việt Nam – Indonesia.
Cuộc hợp tác đầu tiên giữa các nhà làm phim hai nước cho ra đời rất nhiều điều ngạc nhiên kỳ lạ trên màn ảnh. Chẳng hiểu thế nào mà các diễn viên có thể chạy rầm rập qua lại giữa cảnh bãi biển và cảnh những đường phố Sài Gòn, cứ như thể nước biển đã dâng tới thành phố và làm thành một bãi cát.
Rồi chuyện ba diễn viên người Indonesia vào vai các đạo diễn/diễn viên qua Việt Nam làm phim có thể nói được tiếng Việt vanh vách (bằng giọng của diễn viên lồng tiếng) hoặc rất nhiều chuyện tình cờ khó tin đã xảy ra dễ khiến người xem phải chép miệng: Thôi thì phim hành động, cũng đánh đấm là chính.
Kết quả, cuộc hợp tác thất bại trên cả mặt trận nghệ thuật lẫn tiền bạc. Những người bạn Indonesia có lẽ sẽ không trở lại sớm, dù trước đó hai bên đã có nhiều hứa hẹn tương lai.
Theo Vietnamnet