Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. |
Trong bài phát biểu đánh dấu 10 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cam kết sẽ theo đuổi tiến trình thương mại cân bằng hơn nhằm tạo môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch.
Ông Hồ Cẩm Đào cho biết Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường các quy định của pháp luật, giảm bớt sự can thiệp của chính phủ trong hoạt động kinh tế và cải thiện việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định “sẽ thực thi việc mở cửa nền kinh tế một cách “tích cực hơn” và mở cửa cả những lĩnh vực hiện giờ đang hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà nước.
Cũng tại diễn đàn trên, Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy đề cao những việc làm của Trung Quốc trong tiến trình mở cửa nền kinh tế. Ông Lamy cũng kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục quá trình cải cách trên.
Cam kết thương mại cân bằng hơn của nhà lãnh đạo Trung Quốc được coi là đề cập trực tiếp tới Mỹ, đối tác thương mại hàng đầu của quốc gia này trong bối cảnh quan hệ giữa 2 nước đang trong giai đoạn căng thẳng vì vấn đề tiền tệ.
Ông Hồ Cẩm Đào cũng khẳng định, Trung Quốc không cố tình theo đuổi mục tiêu thặng dư thương mại mà sẽ đảm bảo sự cân bằng cán cân xuất - nhập khẩu và tăng cường hợp tác với các quốc gia trên thế giới.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc 2011 dự kiến sẽ giảm năm thứ 3 liên tiếp, xuống còn một nửa so với mức đỉnh điểm 298 tỷ USD của năm 2008. Thặng dư thương mại năm nay dự kiến sẽ chiếm chưa đến 3% tổng sản phẩm quốc nội GDP, cho thấy mối quan hệ thương mại của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới đang ngày càng cân bằng.
Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng, nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa có thể giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt 8.000 tỷ USD trong 5 năm tới và “sẽ mang lại cơ hội lớn cho các quốc gia trên thế giới”.
Trong tiến trình hội nhập, bên cạnh vấn đề tỷ giá tiền tệ, Trung Quốc còn nhận được nhiều chỉ trích vì thường đòi hỏi các công ty nước ngoài chia sẻ công nghệ với các công ty địa phương như một “tấm vé vào cửa”. Điều này sẽ khiến các công ty nước ngoài mất lợi thế cạnh tranh đối với các đối thủ trong nước. Các công ty nước ngoài cũng cho rằng, Bắc Kinh không công bằng trong việc đối xử với các công ty nước ngoài trong mua sắm các sản phẩm công nghệ.
Theo DVT