Lạm dụng tiền của khách hàng là chủ trương của những người đứng đầu công ty chứng khoán. |
Theo thông tin từ một khách hàng của SMES, dĩ nhiên việc lựa chọn mở tài khoản tại công ty chứng khoán nào là tùy ý, nhưng SMES khuyên khách hàng nên “chạy” qua GBVS. Một số thông tin hậu trường cũng đồn đoán về khả năng GBVS sẽ rót vốn vào SMES. Chính bộ phận môi giới của GBVS cũng trực tiếp đến ngồi tại văn phòng của SMES để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi thuận tiện.
Việc rút tiền mặt tại SMES lúc này là bất khả thi, ít nhất trong vòng vài ba tuần tới. Câu trả lời chung cho bất kỳ khách hàng nào muốn rút tiền là chờ đợi. Cũng theo nguồn tin trên, cách đây vài tuần, SMES còn cho phép rút một lượng nhỏ. Tuy nhiên, gần đây, bộ phận lưu ký của công ty đã trả lời thẳng: hết tiền mặt, khách hàng chỉ có thể rút tiền xếp hàng theo thứ tự trong vòng 2-3 tuần tới.
Việc một số công ty chứng khoán bị mất thanh khoản bây giờ không còn “nóng” nữa. Ngoài SMES cũng đã có thêm TAS bị cảnh cáo, dù chưa có thêm các thông tin liên quan đến mức độ nghiêm trọng về thanh khoản như SMES. Vấn đề còn lại là nhà đầu tư tiếp tục nắm đằng lưỡi trong các tình huống như thế này.
Rất đông các nhà đầu tư đều nghĩ rằng tiền gửi tại công ty chứng khoán là tiền của mình, và sẽ được đảm bảo an toàn dù công ty có mất thanh khoản. Tuy nhiên điều đó chỉ đúng trong tình huống công ty chứng khoán “chơi đẹp”, không lạm dụng được tài khoản của khách hàng, hoặc có một cơ chế như tách bạch tài khoản đến tận gốc tại ngân hàng để công ty không đụng chạm được đến tiền mặt của khách.
Rõ ràng số dư tiền mặt trên tài khoản vẫn báo đầy đủ, thậm chí vẫn giao dịch mua được nhưng khi chủ tài khoản đến rút tiền thì công ty lại không chi trả được. Tại sao tiền của mình lại “tuột” khỏi tay khổ chủ?
Câu trả lời là công ty chứng khoán đã “xào” tiền của khách hàng, quay vòng tiền cho mục đích khác. Phần lớn trường hợp là công ty sử dụng chính tiền của khách hàng này để cho khách hàng khác sử dụng qua hình thức đòn bẩy tài chính. Việc “xào” tiền này có thể gây rủi ro về thanh khoản cho bất kỳ công ty chứng khoán nào, dù lớn hay nhỏ nếu xảy ra ở cấp độ lớn. Dĩ nhiên mức độ rủi ro thường xuất hiện với các công ty nhỏ vì vòng quay không đủ nhanh.
Có hai tình trạng phổ biến lạm dụng tiền của khách hàng, là công ty cho một số khách VIP sử dụng đòn bẩy bằng chính tiền của khách hàng khác, và ứng trước trả tiền mua. Việc quản lý tài khoản tiền tổng tạo điều kiện thuận lợi cho mục đích này.
Không phải trường hợp nào công ty chứng khoán cũng sử dụng vốn ngân hàng hay vốn tự có để cung cấp dịch vụ hỗ trợ tài chính. Tổng tiền gửi của khách hàng là nguồn vốn dễ lạm dụng nhất, dựa trên một tiền đề là tần suất mua, rút tiền của khách hàng ở một mức nào đó thấp hơn mức được lạm dụng. Mọi việc sẽ vẫn trôi chảy nếu vòng quay: lấy tiền của khách - hỗ trợ khách hàng khác - nhận tiền hoàn lại + phí diễn ra bình thường. Khi đó tiền của người này kịp quay vòng để bù cho tiền của người khác trong hệ thống.
Vì một lý do nào đó, vòng quay nói trên bị dừng lại, công ty sẽ lâm vào tình trạng thiếu thanh khoản, phải bù đắp bằng nguồn nào đó. Chẳng hạn, đột nhiên khách hàng rút tiền nhiều hơn bình thường, trong khi dòng tiền thu về từ hoạt động hỗ trợ đòn bẩy chưa kịp trở lại; Hoặc, khách hàng đột ngột mua quá lớn vượt dự tính của công ty; Hoặc, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy mất khả năng hoàn lại tiền, hoặc hoàn tiền bị thiếu, nói nôm na là lỗ mà không bù được đòn bẩy.
Trường hợp phổ biến là khách hàng dùng đòn bẩy thua lỗ, chạy làng bỏ lại cục nợ cho công ty. Công ty vẫn có khoản thế chấp là chứng khoán, nhưng giá trị của khoản thế chấp đó nếu chuyển đổi thành tiền mặt lại không đủ để trả lại khoản tiền đã lạm dụng của khách hàng khác. Chứng khoán thế chấp có thể bị mất thanh khoản không bán được, hoặc bán được nhưng lỗ quá nhiều.
Điều nguy hiểm là rủi ro này không chỉ xuất hiện với công ty chứng khoán nhỏ mà là với mọi công ty chứng khoán nếu quản lý vốn không tốt, lạm dụng vốn quá độ. Chỉ có quy trình giám sát nội bộ và sự tuân thủ chuẩn mực đạo đức của các công ty mới kiểm soát được vấn đề này. Đáng tiếc là việc lạm dụng vốn của khách hàng đều xuất phát từ chủ trương của người quản lý công ty chứng khoán.
Một vấn đề nghiêm trọng nữa là khách hàng không được bảo vệ trong tình huống nói trên. Thật kỳ quái là tiền của mình mà mình không được sử dụng, trong khi phải cắn răng chịu đựng. SMES là ví dụ. Khách hàng không thể rút tiền của chính mình ra ngay lập tức mà phải chờ nhiều tuần. Ai sẽ gánh chịu rủi ro cơ hội của nhà đầu tư?
Các hợp đồng mở tài khoản đều quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Trong đó, khách hàng có quyền rút tiền theo yêu cầu và công ty phải trả. Tranh chấp xảy ra trước tiên là được dàn xếp để hòa giải, sau đó sẽ đưa ra tòa nếu không hòa giải được. Điều đó có nghĩa là nếu nhà đầu tư không rút được tiền ngay, họ có thể kiện công ty vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên trên thực tế lại không đơn giản như vậy. Đa số nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn cỡ vài trăm triệu không thể tiến hành khởi kiện vì nhiều lý do, trong khi chính công ty cũng năn nỉ hết lời để khất lần.
Câu chuyện minh bạch và tách bạch tài khoản tiền gửi của khách hàng với công ty chứng khoán là câu chuyện đã kéo dài nhiều năm nay. Đa phần công ty chứng khoán chỉ dừng đến mức tách bạch tài khoản tổng, thậm chí nhiều công ty vẫn chưa đạt đến mức đó. Các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính của công ty chứng khoán mới quản lý đến khả năng sử dụng vốn của công ty chứ chưa khống chế được việc công ty lạm dụng tiền của khách hàng. Hiện trung tâm lưu ký cũng chỉ mới khống chế được khối lượng chứng khoán đến từng tài khoản, chứ chưa giám sát được tiền mặt của nhà đầu tư.
Theo VnEconomy