Các ngân hàng ASEAN đang đợi vé vào Việt Nam

Thứ năm, 14/08/2014, 08:15
Các nhà băng Nhật hiện là đối thủ lớn nhất của ngân hàng Việt Nam tại nội địa, song khi cộng đồng kinh tế mới hình thành, những người láng giềng ASEAN mới thực sự đáng gờm.

Nhận định trên được ông Keith Pogson, lãnh đạo phụ trách dịch vụ Tài chính ngân hàng của Ernst & Young (EY) khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa ra tại buổi công bố báo cáo khảo sát hoạt động ngân hàng chiều 13/8.

Theo đó, đa số các ngân hàng Việt Nam đang coi Nhật Bản là đối thủ cạnh tranh chính, tiếp đến là các tổ chức tài chính đến từ châu Âu. Điều này chủ yếu xuất phát từ suy nghĩ đã có 3 ngân hàng Nhật Bản là đối tác chiến lược của các nhà băng lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Keith Pogson lại không chia sẻ đánh giá này.

"Việt Nam rất có tiềm năng về ngân hàng bán lẻ, nhưng đây không phải là thế mạnh của Nhật Bản. Các bạn nên lo ngại hơn về các đối thủ đến từ cộng đồng kinh tế ASEAN", vị này nhấn mạnh.

ngan-hang-5210-1407930881.jpg

Chuyên gia của EY cho rằng các ngân hàng trong khu vực ASEAN mới là mối đe dọa lớn với các tổ chức tại Việt Nam bởi họ cũng có thế mạnh về bán lẻ.

Với việc cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành năm 2015 và sẽ có những ngân hàng đủ tiêu chuẩn tham gia thị trường, các chuyên gia của EY cảnh báo các tổ chức tài chính của Thái Lan, Malaysia, Singapore mới là mối đe dọa lớn nhất. Khảo sát của EY tại Malaysia và Indonesia cũng cho thấy 2/3 các ngân hàng đang lo ngại nhất các đối thủ trong khu vực.

Bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Tài chính ngân hàng EY Việt Nam cho biết sẽ có sự cạnh tranh cao từ các ngân hàng trong khu vực ASEAN, bởi họ đã có quá trình phát triển như Việt Nam.

"Việt Nam đang dư ngân hàng, nên để các đối thủ trong khu vực có được tấm vé chính thức vào thời điểm này rất khó. Chi bằng bây giờ họ để ra một khoản tiền, chuẩn bị nguồn lực và ngồi đợi đến năm 2020", bà Dương cho hay.

Một khả năng được đưa ra là các ngân hàng ASEAN có thể tham gia vào thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam, nếu họ quan tâm đến các nhà băng thuộc diện tái cơ cấu. Bởi dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng theo các chuyên gia, thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn đầy tiềm năng.

"Khi đặt câu hỏi với các nhà đầu tư nước ngoài về việc liệu họ có bán các khoản đầu tư tại Việt Nam trong lúc khó khăn như hiện nay hay không, họ đều nói không. Một phần vì đã suy nghĩ rất kỹ khi quyết định, phần khác đặt niềm tin vào tiềm năng thị trường trong lương lai", ông Pogson nói.

Báo cáo của EY cũng cho biết 94% các ngân hàng Việt Nam tham gia khảo sát trông đợi kết quả kinh doanh cải thiện một phần trong thời gian tới. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là mối quan ngại lớn nhất khi 76% cho rằng đây là vấn đề quan trọng của ngành ngân hàng và đang làm cản trở quá trình tiếp cận tín dụng.

Trong 11 thị trường tăng trưởng nhanh (RGMs), các ngân hàng Việt Nam tỏ ra kém lạc quan nhất về cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vốn tạo ra nhiều công ăn việc làm. Tuy nhiên, ông Pogson cho rằng đây là chuyện "bình thường" khi hệ thống gặp vấn đề về nợ xấu, các ngân hàng sẽ chỉ tập trung cho vay những khách hàng lớn. Trong khi đó, những doanh nghiệp nhỏ và vừa, dễ gặp tổn thương nhận được "ít hào hứng hơn".

Báo cáo của EY khảo sát 17 ngân hàng tại Việt Nam, trong đó có một ngân hàng liên doanh, hai nhà băng nước ngoài, còn lại là các đơn vị cổ phần trong nước.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn