Chính sách hỗ trợ này trước mắt giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất trong khi chờ đợi các đơn vị bảo hiểm hoàn tất thủ tục.
Trong gói tín dụng 1.000 tỷ, ngân sách tỉnh Bình Dương hỗ trợ 50% lãi cho vay và giao cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Bình Dương là đơn vị đầu mối duy nhất thực hiện gói cho vay vốn hỗ trợ lãi suất của tỉnh.
Theo đó, 1.000 tỷ đồng sẽ được giải quyết trước cho 37 DN bị thiệt hại với mục đích vay vốn trung hạn để thực hiện dự án đầu tư tài sản cố định (gồm nhà xưởng, máy móc thiết bị và phương tiện).
Đại diện các DN vay gói tín dụng 1000 tỷ đồng của tỉnh Bình Dương |
Cụ thể, tổng mức cho vay được xác định dựa trên cơ sở mức độ thiệt hại và nhu cầu vốn cần thiết, hợp lý của DN nhưng tối đa không quá 50 tỷ đồng/DN. Tỷ lệ cho vay tối đa bằng 50% vốn đầu tư của một dự án và DN phải tham gia tối thiểu 50% vốn tự có đối với dự án vay vốn. Thời gian cho vay được hỗ trợ lãi suất là 3 năm tính từ ngày giải ngân đối với từng dự án đầu tư. Lãi suất cho vay cố định được ghi trong hợp đồng tín dụng là 7,0%/năm; trong đó lãi vay mà DN phải trả là 3,5%/năm và 3,5%/năm lãi vay còn lại sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ.
Ông Lê Thanh Cung, chủ tịch UBND tỉnh, cho biết việc triển khai gói hỗ trợ 1.000 tỷ đồng là nỗ lực lớn của tỉnh, là sự đồng hành của nhà nước, ngân hàng và DN. Vì vậy, thời gian tới, các thành viên Tổ công tác, các sở, ngành cần tập trung giải thích rõ ý nghĩa của gói hỗ trợ nhằm giúp các DN bị thiệt hại tiếp cận và thụ hưởng, cũng như bảo đảm nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng giúp DN sớm khắc phục khó khăn và đi vào sản xuất ổn định.
Thời gian qua tỉnh Bình Dương đã tập trung triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ DN bị thiệt hại về các lĩnh vực như: thuế, hải quan, xây dựng, tài nguyên-môi trường, tín dụng, lao động việc làm, bảo hiểm xã hội...
Nhờ đó, nhiều DN đã sớm khắc phục sự cố và đi vào sản xuất ổn định.
Theo Vef