Việt Nam vẫn thua láng giềng về năng lực cạnh tranh

Thứ sáu, 05/09/2014, 10:47
Tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu song khoảng cách với các quốc gia láng giềng ngày một lớn khiến các chuyên gia kinh tế không khỏi lo lắng cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014. Theo đó Việt Nam xếp thứ 68 trên 144 quốc gia, so với vị trí 70 của năm ngoái, khi tổ chức này đánh giá 148 nước. So với xếp hạng 2013, 4 nước rời danh sách năm nay là Ecuador, Bosnia & Herzegovina, Liberia và Benin đều có thứ hạng thấp hơn Việt Nam, nên về bản chất, vị trí của năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã được cải thiện 2 bậc so với năm ngoái.

san-xuat-0-4697-1409886268.jpg

Việt Nam tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, song theo các chuyên gia vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước. Ảnh: Anh Quân

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định sự thăng hạng trên chủ yếu nhờ các chỉ số thành phần như quy mô thị trường (xếp thứ 34), lao động (xếp thứ 49) và môi trường vĩ mô ổn định - thể hiện qua lạm phát, tỷ giá và bộ máy quản lý không còn là vấn đề lớn. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, thuế suất cũng được cải thiện…

"Kết quả này có được nhờ những biện pháp tích cực của Chính phủ thời gian qua, như việc ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn khi vay vốn ngân hàng... Nhà điều hành đã tập trung vào những hành động cụ thể và đề ra mục tiêu có thể đo đếm được, từ đó giám sát, thúc đẩy và đánh giá quá trình thực thi trong bộ máy", bà Lan nói. Số liệu cũng cho thấy, ba năm gần đây xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam luôn được cải thiện.

Chỉ tiêu 2009-2010 2010-2011 2011-2012 2012-2013 2013-2014 2014-2015
Xếp hạng của Việt Nam 75/133 59/139 65/142 75/144 70/148 68/144
GDP bình quân đầu người 1.902 1.528 1.374 1.174 1.060 1.040,4

Đơn vị: USD/người

Bên cạnh những tiến bộ, các chuyên gia vẫn cho rằng kết quả đạt được còn khiêm tốn. "Sự nâng hạng này biểu hiện cho tính ổn định của nền kinh tế nhiều hơn là năng lực cạnh tranh tiến bộ", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá.

Trong bảng xếp hạng của WEF 6 năm qua, Việt Nam đều được chấm trong dải điểm trung bình từ 60 đến 75, tức ở nửa sau của chuỗi giá trị toàn cầu. Các chỉ số như mức độ tinh vi của hoạt động doanh nghiệp xếp thứ 106, công nghệ xếp thứ 99, sự phát triển của thị trường tài chính ở vị trí 90, giáo dục đào tạo ở thứ hạng 96 và đặc biệt là thể chế vẫn xếp thứ 92. "Nhiều chỉ số thành phần của Việt Nam vẫn tụt hậu so với các quốc gia khác", vị chuyên gia này cho biết.

Đặc biệt, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, khoảng cách giữa Việt Nam với các nước có trình độ phát triển cao hơn ngày càng rộng, và vẫn "chịu thua" 5 nước trên bảng xếp hạng. "Sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa có sự bứt phá đáng kể trong thời gian qua", bà Phạm Chi Lan nhận định.

Cụ thể, xếp hạng của Việt Nam đang kém Singapore tới 66 bậc, thua Malaysia 48 bậc, kém Thái Lan 37 bậc và thậm chí vẫn còn thấp hơn lần lượt 34 bậc và 16 bậc so với Indonesia và Philippines. Năm ngoái, Việt Nam chỉ kém hai "đối thủ" này 32 bậc và 11 bậc.

xep-hang-canh-tranh-JPG-7155-1409832053.

Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với 6 nước trong khu vực Đông Nam Á thời gian qua. Nguồn: WEF

"Trong bối cảnh Việt Nam cố gắng vươn lên thì các quốc gia xung quanh cũng tranh đua rất nhiều. Lần này Việt Nam vẫn thua kém đa số các nước trong khu vực, cho thấy sự cải thiện chưa bằng họ. Thậm chí, mức chênh so với các đối thủ ngày càng lớn nên sự vươn lên thời gian qua không mang nhiều ý nghĩa", vị nữ chuyên gia nguyên là Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thẳng thắn.

Bà cũng cảnh báo môi trường kinh doanh tụt hậu sẽ khiến Việt Nam mất nhiều cơ hội khi ngưỡng cửa hội nhập sâu đang dần mở ra hoàn toàn. "Nếu Việt Nam vẫn như hiện nay, trong khi các nước ASEAN-6 đã vượt qua rất xa về môi trường kinh doanh thì không thể chấp nhận", một chuyên gia bày tỏ trong một hội nghị gần đây về nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, khi một loạt các cam kết mới như Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước có thể được ký kết, nếu Việt Nam vẫn theo cung cách lạc hậu như này thì khó thể tham gia với tất cả các lợi ích.

"Biết bao những cái mới sẽ diễn ra trong thời gian tới, nếu không thay đổi thì không có cách gì vượt lên được. Không lẽ đến 2015 khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, Việt Nam vẫn như thế", vị này lo ngại.

Do đó, để tăng năng lực cạnh tranh tổng thể, nền kinh tế còn nhiều việc phải làm. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng cơ hội đối với Việt Nam vẫn còn bởi báo cáo của WEF dựa trên số liệu của năm 2013, trong khi từ đầu năm nay Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 - một "tối hậu thư" yêu cầu các Bộ, ngành cải cách hoạt động và thủ tục hành chính cũng như nhiều văn bản luật sẽ được sửa đổi.

"Kết quả này chưa phản ánh những cố gắng gần đây, vì Nghị quyết 19 mới ban hành vào tháng 3/2014 và Luật Doanh nghiệp đang trong quá trình sửa đổi. Nếu thực hiện tốt những mục tiêu này, tôi tin là môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ có bước tiến vượt bậc và phản ánh trong các báo cáo sắp tới của các tổ chức quốc tế", bà Phạm Chi Lan phát biểu.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cũng dự báo nếu những mục tiêu cải cách được thực hiện thành công, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới) sẽ tăng, thậm chí xếp ngang ngửa với Thái Lan. Đây sẽ là bàn đạp để Việt Nam cải thiện thứ hạng trên bản đồ năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đặc biệt, cải cách sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí khổng lồ và bớt các rủi ro trong kinh doanh, từ đó giúp Việt Nam quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng hơn 7%, thu nhập của người dân cũng được cải thiện.

Trong đó, tập trung cải cách thể chế được vị chuyên gia này nhận định phải đặt lên hàng đầu. "Thể chế kém sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như gia nhập thị trường thấp, xây dựng hệ thống tài chính ổn định.... Do vậy, nếu muốn cải thiện, nâng bậc thì nên tập trung vào cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế", ông nói.

Còn theo bà Phạm Chi Lan, doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh được trong một thể chế kém, và nếu họ không "sống" được thì nền kinh tế cũng không thể phát triển. Vì vậy, những mục tiêu cải cách Chính phủ đã đưa ra cần được nhanh chóng thực hiện và phải làm thực sự, quyết liệt.

"Hy vọng có thể có một bầu không khí kinh doanh mới quay trở lại và khu vực sản xuất kinh doanh trở nên sôi động hơn", tiến sĩ Nguyễn Đình Cung bày tỏ.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích