Dầu mất giá: Con dao hai lưỡi đối với châu Á

Thứ năm, 16/10/2014, 14:01
Giá dầu giảm khiến nhiều nước châu Á vui mừng, công ty phải  trả ít chi phí hơn, người tiêu dùng được mua xăng dầu rẻ hơn, các quan chức có thêm "room" để giảm lãi suất, Nhật báo phố Wall đưa tin.

Ảnh minh họa.

Giá dầu giảm khiến nhiều nước châu Á vui mừng, công ty phải  trả ít chi phí hơn, người tiêu dùng được mua xăng dầu rẻ hơn, các quan chức có thêm "room" để giảm lãi suất giữa đợt tăng trưởng kinh tế toàn cầu trì trệ.

Tuy nhiên nếu giá dầu giảm sâu hơn, khu vực nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này có thể phải chịu thương tổn.

Mặc dù giá dầu đi xuống giúp giảm thiểu giá trị các hóa đơn nhập khẩu, nó cũng cho thấy lực cầu tại Trung Quốc và châu Âu đang giảm sút, điều có thể ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu châu Á.

"Dầu mất giá là con dao hai lưỡi đối với châu Á", ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng HSBC trụ sở Hong Kong nhận định.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 2% trong thứ Tư ngày 15/10, mức thấp nhất trong hơn 4 năm, một quyết định một phần xuất phát từ thực tế giá dầu thấp đã kìm nén lạm phát. Đây là một quốc gia nhập khẩu dầu lớn, khi đó, chi phí thấp sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên Hàn Quốc cũng là một nhà xuất khẩu số lượng lớn các thiết bị điện tử và phụ tùng xe hơi. Nếu dầu thô mất giá vì lực cầu hao hụt tại Trung Quốc và châu Âu chứ không phải vì thừa cung, điều này đồng nghĩa các nhà xuất khẩu xứ Kim Chi sẽ gặp khó trong dài hạn tại các thị trường tiêu thụ trên, ông Neumann nói.

Đối với Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới, chính phủ công bố giá tiêu dùng đã tăng với tốc độ chậm nhất trong vòng hơn bốn năm vào tháng Chín.

Dầu thô tụt giá cho phép Bắc Kinh sử dụng các chính sách tiền tệ để kích nền kinh tế bật lên đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% đề ra đầu năm.

"Đứng từ góc nhìn của Trung Quốc, giá dầu giảm mang lại thuận lợi. Nhưng đây cũng là một cái vòng luẩn quẩn, lực cầu dầu thô tại Trung Quốc tụt dẫn đến giá hàng hóa toàn cầu lao dốc, lại ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu nguyên liệu của nước này", ông Dariusz Kowalczyk - chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Credit Agricole nói.

Với Nhật Bản, một quốc gia nhập dầu số lượng lớn khác, ví tiền người tiêu dùng đang dày thêm khi dầu sụt giá.

"Giá dầu giảm mang lại niềm vui cho quốc gia", ông Haruhiko Kuroda, thống đốc Ngân hàng Nhật Bản phát biểu trong tuần trước.

Nhưng mặt khác, giá nhiên liệu sa sút kéo theo mặt bằng giá nói chung cũng chìm sâu trong bối cảnh giảm phát hoành hành, khiến chính quyền Tokyo càng khó khăn trong việc đạt mục tiêu lạm phát 2% trong năm sau.

Một số quốc gia nhập khẩu dầu tại châu Á được hưởng lợi trong ngắn hạn, ví dụ Ấn Độ và Indonesia đã nâng lãi suất trong 12 tháng qua để giữ tỷ lệ lạm phát và ngăn chặn dòng thoái vốn trong bối cảnh Mỹ sẽ nâng lãi suất trong tương lai gần.

Giá dầu thô sụt giảm có thể giải thoát gánh nặng cho một số quốc gia đang tính tới chính sách nới lỏng tiền tệ để xóa tan hoài nghi tiêu cực về nền kinh tế, ngân hàng Morgan Stanley nhận xét.

Các công ty châu Á cũng được lợi khi sức mua người tiêu dùng được cải thiện, còn chi phí sản xuất giảm thiểu, tuy nhiên lợi thế này sẽ nhanh chóng bị xói mòn nếu đồng nội tệ mất giá.

Phát ngôn viên hãng hàng không Korean Airlines cho biết công ty tiết kiệm được nhiều chi phí, nhưng các yếu tố ngoại lai khác như đồng won sụt giá khiến lợi nhuận công ty chưa được cải thiện tức thời.

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với hãng hàng không PT Lion Mentari Airlines tại Indonesia, khi đồng nội tệ pupiah đang trượt dốc.

Tính từ đầu tháng Sáu, đồng USD đã tăng giá 4% so với cả hai loại tiền tệ trên, khi các quỹ đầu tư quốc tế đổ tiền trở lại Mỹ trước đồn đoán Ngân hàng Trung ương nước này sẽ tăng lãi suất trong năm sau.

Tuy nhiên, tỷ lệ tăng của đồng bạc xanh chỉ bằng một phần nhỏ so với đà sụt giá dầu thô Mỹ tại 20% trong cùng kỳ.

Ngoài ra, giá dầu giảm mở đường cho nhiều quan chức châu Á cắt giảm các gói trợ cấp tiêu tốn bộn tiền để chi cho các lĩnh vực khác như phúc lợi xã hội, giáo dục, cơ sở hạ tầng, điển hình là Trung Quốc và Malaysia.

Từ đầu năm tới nay, Indonesia đã trích 30 tỷ USD từ ngân sách để trợ giá dầu. Tại quốc gia láng giềng, "giá dầu giảm đã cho chúng tôi cơ hội sửa chữa tình trạng" trợ giá quá mức, Bộ trưởng năng lượng Thái Lan  nói.

ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp xăng dầu nhà nước vớ món hời khi mua dầu thô với giá niêm yết trên thị trường quốc tế, sau đó chế biến và bán ra thị trường nội địa với mức giá cao hơn đã được chính phủ thiết lập.

Nhưng tình trạng này cũng ẩn chứa rủi ro tiềm tàng với Bắc Kinh: Khi dầu trở nên rẻ hơn, động lực phát triển các ngành công nghiệp năng lượng "xanh" thay thế cũng yếu ớt dần, dẫn đến vấn đề ô nhiễm trầm kha khó có cơ hội được giải quyết triệt để.

Theo Bizlive

Các tin cũ hơn