Cục diện ngân hàng sau 4 năm tái cơ cấu

Thứ tư, 19/08/2015, 08:05
Sau khi sắp xếp, số lượng ngân hàng thương mại giảm từ 42 xuống 34. Tổng tài sản toàn hệ thống tăng 20%, trong khi nợ xấu cũng về gần hơn với mục tiêu dưới 3%.

Cuộc cải tổ toàn ngành ngân hàng chính thức diễn ra từ đầu năm 2012, sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án 254 với những nội dung đồ sộ nhằm sắp xếp lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Công cuộc tái cơ cấu được nhà điều hành chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2012-2015, nhiệm vụ trọng tâm là xử lý nợ xấu, lành mạnh hoá tình trạng tài chính để giải quyết các ngân hàng yếu kém. Giai đoạn 2015-2020 được xem là thời gian để phát triển hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng.

ngan-hang-1-5575-1439884538.jpg

Bản đồ ngành ngân hàng đã có nhiều thay đổi suốt quá trình tái cơ cấu 4 năm qua

Sau gần 4 năm, hệ thống cơ bản được sắp xếp lại với hàng loạt thương vụ hợp nhất, sáp nhập, mua lại nhằm gút số lượng ngân hàng cũng như thanh lọc các nhà băng yếu kém. Từ 42 ngân hàng thương mại, đến nay hệ thống còn 34. Tuy nhiên, dù ít nhà băng hơn nhưng số đơn vị quốc doanh do Ngân hàng Nhà nước sở hữu 100% vốn lại tăng từ 1 (Agribank) lên 4 sau khi cơ quan này đứng ra mua lại GPBank, VNCB và OceanBank với giá 0 đồng như một hình thức xử lý bắt buộc.

Ngoài 4 đơn vị yếu kém này, hầu hết các nhà băng khác đều trải qua những cuộc hợp nhất, sáp nhập trong tự nguyện. Nhờ vậy, 8 thương hiệu ngân hàng biến mất trên bản đồ gồm: Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Habubank, Western Bank, Đại Á, Đại Tín, Phương Nam, MHB, MDBank, PGBank...

Tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng cũng tăng 20% sau gần 4 năm, từ hơn 5 triệu tỷ đồng lên 6,6 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ hai con số xuống 3,49% và có thể xuống dưới 3% nếu những cam kết của Thống đốc được thực hiện từ nay đến cuối năm.

Cục diện và thứ hạng các nhà băng cũng có một vài thay đổi nhờ những cuộc hợp nhất, sáp nhập. Nếu trước đây, Agribank luôn là "anh cả", dẫn đầu từ về quy mô tổng tài sản, vốn, mạng lưới thì đến nay lại tỏ ra hụt hơi hơn sau khi chậm tái cơ cấu. Nếu xét về vốn điều lệ, VietinBank và BIDV đang dẫn đầu hệ thống. Tương tự, nhờ cộng dồn vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng cũ sau hợp nhất (SCB, Tín Nghĩa, Đệ Nhất, PVFC, Western Bank) mà SCB và PVcomBank đã lọt vào top dẫn đầu về vốn hiện nay.

Chi tiết

Từ 42 ngân hàng thương mại, Việt Nam còn 34 nhà băng sau gần 4 năm tái cơ cấu. Thứ hạng các đơn vị cũng dần đổi thay sau những cuộc mua bán, sáp nhập, hợp nhất.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn