Chờ được vạ má đã sưng

Thứ bảy, 15/08/2015, 07:41
Hóa ra việc các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn được hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiến trình khởi kiện những công ty nước ngoài bán phá giá tại Việt Nam, đè bẹp sản xuất trong nước đã trở thành chủ đề nóng của dư luận sau khi có tin các chủ trang trại nuôi gà ở Đông Nam Bộ bàn nhau đi kiện.

Ý tưởng này không mới dù ai cũng biết, nếu giá bán sản phẩm của doanh nghiệp trong nước vẫn cao hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại nhập vào Việt Nam thì có thể “nhờ” đến các hiệp hội, Cục Quản lý cạnh tranh xem xét khởi kiện.

Gà Mỹ bán phá giá tại thị trường Việt Nam

Gần đây nhiều thông tin cho biết, thịt gà Mỹ đang được bán tại thị trường Mỹ với giá bình quân từ 3-3,5 USD/kg nhưng ở siêu thị miền Nam chỉ có giá 20.000 đồng/kg. Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin của phóng viên tại New York rằng, ở đây đúng là như vậy. Với giá bán đùi gà Mỹ tại Việt Nam rẻ thế là bất thường, cần làm rõ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét khả năng gian lận thương mại, bởi có thể người ta nhập hàng sắp hết hạn sử dụng hoặc chủ bụng nhập làm thức ăn gia súc rồi đem bán cho người tiêu dùng để vụ lợi.

Theo bà con Việt kiều, ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, người ta không mến mộ đùi gà nên các thành phần khác của con gà thường có giá rẻ hơn rất nhiều. Đặc biệt sản phẩm sắp hết hạn sử dụng - cận “đát” - bao giờ cũng rất rẻ.

Vì vậy, đừng nên đùng đùng khởi kiện nếu không làm rõ việc nhập khẩu hàng chục ngàn tấn thịt gà Mỹ ra sao, ai nhập, nhập bao giờ, nhập làm gì… Và một khi không thống kê được thật chính xác từng chi tiết các thiệt hại của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam để làm luận cứ cho vụ kiện bán phá giá với gà Mỹ.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) lưu ý, khởi kiện là quyền của các ngành, doanh nghiệp trong nước. Ở trường hợp này là quyền của ngành chăn nuôi. Các doanh nghiệp, tổ chức, ngành sản xuất trong nước nếu đại diện được cho 25% thị trường trong nước thì đều có quyền khởi kiện, miễn là họ chứng minh được mình có bị thiệt hại. Quy định của luật pháp quốc tế đã cho phép điều đó. Trong nước chúng ta cũng đã có luật phòng vệ thương mại để giúp các doanh nghiệp bảo vệ được quyền lợi nếu bị hàng hóa nước ngoài tràn vào gây hại, cạnh tranh không lành mạnh. Do vậy, nói về khung pháp lý thì cả trong và ngoài nước đã khá đầy đủ để doanh nghiệp, người dân có thể khởi kiện, bảo vệ quyền lợi. Để khởi kiện được, các doanh nghiệp chăn nuôi của ta phải chứng minh được thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại do đùi gà Mỹ nhập khẩu đưa lại. Kiện được hay không cũng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nữa. Thứ nhất là phía Mỹ có bán phá giá không? Chúng ta có chứng minh được doanh nghiệp Mỹ bán phá giá không? Bởi không thể vì giá bán của gà Mỹ tại Việt Nam thấp là có thể khởi kiện chống bán phá giá mà phải so sánh, cùng sản phẩm đó thì giá bán ở Mỹ là bao nhiêu mới có đủ căn cứ để khởi kiện. Tức là chúng ta phải điều tra ở nơi mà họ xuất khẩu, tức là tại Mỹ.

Các chuyên gia đồng tình với việc nhìn nhận khó khăn về việc chứng minh doanh nghiệp Mỹ bán phá giá. Không thể chỉ nhìn trong siêu thị thấy giá đùi gà Mỹ bán tại Việt Nam chỉ có 20.000 đồng/kg là hò nhau đi kiện. Để chính thức khởi kiện còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc tìm hiểu bên Mỹ  người ta chăn nuôi, giết mổ, phân phối thịt gà như thế nào để chứng minh được họ đã bán phá giá.

Chuyên gia Trần Hữu Huỳnh nói rằng, để theo đuổi vụ kiện thì chuyện kinh phí là rất tốn kém. Ông cho biết, nhiều vụ kiện ngay cả do nước ngoài đứng đơn cũng phải “ngậm đắng nuốt cay” vì không có đủ tiền để theo kiện. Khi theo kiện thì các chi phí doanh nghiệp đều phải bỏ tiền ra. Nhà nước chỉ hỗ trợ về thủ tục, pháp lý. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần đánh giá kỹ thực lực để quyết định có “nuôi” được vụ kiện hao tiền tốn của này hay không? Chúng ta đã có đủ căn cứ pháp lý theo luật quốc tế hay không? Có đủ quyết tâm theo đến cùng vụ kiện không? Đến lúc đó, doanh nghiệp sẽ thông qua luật sư mà là luật sư quốc tế để kiện. Trong nhiều trường hợp, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp, nhiều tổ chức luật, chuyên gia nước ngoài, luật sư trong và ngoài nước cũng sẵn sàng trợ giúp miễn phí cho doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp cũng cần có sự kiên nhẫn, nếu thấy không còn con đường nào khác thì phải kiện để quyền lợi chính đáng của mình không bị xâm hại.

Các chuyên gia nhận xét, trong quá trình hội nhập và tiến tới hội nhập sâu rộng tới đây, việc kiện tụng là hết sức bình thường. Cơ quan quản lý Nhà nước và các hiệp hội ủng hộ doanh nghiệp đòi bình đẳng nhưng phải trên cơ sở luật pháp quốc tế và trước hết là luật pháp trong nước. Chúng ta không lo sợ doanh nghiệp nước lớn hay coi thường doanh nghiệp vừa hay nhỏ và cũng không vì có nhiều tiền hay ít tiền mà không khởi kiện. Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam bị xâm phạm quyền lợi như thế nào, để từ đó có các giải pháp đối phó thích hợp và không cần cứ phải kiện mới xong. Bảo vệ sản xuất trong nước đang là chủ trương nhất quán của Chính phủ trong bối cảnh hội nhập. Vì vậy, khởi kiện chỉ là giải pháp cuối cùng.

Chuyên gia Trần Hữu Huỳnh khẳng định, xu hướng nhờ pháp luật can thiệp là tất yếu của một nền kinh tế hội nhập mở cửa của Việt Nam. Hiện nay, thuế suất của hầu hết các sản phẩm đều về 0% nên các ngành sản xuất trong nước cần phải được chuẩn bị để chấp nhận sân chơi rất khó khăn này. Các hiệp hội doanh nghiệp cần phải kiện toàn bộ máy, nhất là được trang bị đủ kiến thức về luật pháp quốc tế để vào cuộc. Từ các vụ kiện và thực tiễn đã xảy ra, các doanh nghiệp và hiệp hội phải tự mình đúc rút lấy kinh nghiệm và tự mình giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh. Các cơ quan Nhà nước khó có thể làm thay cho doanh nghiệp.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần hợp tác, phối hợp với nhau để bảo vệ quyền lợi chung của ngành mình. Có câu “khôn ngoan đối đáp người ngoài” bởi hôm nay là cánh gà, đùi gà Mỹ nhưng nên nhớ còn là thịt bò, hoa quả, tôm, mũi giày, sắt thép, tivi, tủ lạnh... của các nước đã và đang tràn về. Các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền kinh nghiệm từ các vụ kiện cho doanh nghiệp; cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về các biến động của thương mại quốc tế, các số liệu từ hải quan để so sánh nếu xảy ra các vấn đề như bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.

Các chuyên gia lưu ý, nếu thông tin không chính xác thì doanh nghiệp không thể nào nắm vững. Các cơ quan xúc tiến thương mại, đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài cần giúp các doanh nghiệp tìm hiểu kinh nghiệm từ các vụ kiện; hỗ trợ tìm kiếm các luật sư, chuyên gia quốc tế để có thể giúp các doanh nghiệp, hiệp hội trong nước. Ngoài ra, thiết nghĩ cũng nên có các cuộc vân động hành lang bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ kiện nếu đối tác buộc ta phải đâm đơn đi kiện. Và nhất là cẩn trọng kẻo “được vạ má sưng!”.

Theo Petrotimes

Các tin cũ hơn