Không phải nước chấm hay mì gói, cám mới là nguồn thu lớn nhất của Masan

Thứ tư, 03/02/2016, 12:17
Có thêm mảng thức ăn chăn nuôi giúp cho doanh thu của Masan Group tăng gần đôi so với năm 2014 và đưa doanh nghiệp này vào câu lạc bộ doanh nghiệp có doanh thu trên 1 tỷ USD với 30,6 nghìn tỷ đồng (1,4 tỷ USD).

Trước năm 2014, Masan Consumer - công ty con phụ trách mảng mì ăn liền, nước chấm và đồ uống không cồn với các thương hiệu Omchia, Kokomi, Vĩnh Hảo, Chin-su, Vinacafe Biên Hòa - đóng góp 100% doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Masan Group.

Tỷ lệ này giảm xuống còn 81% vào năm 2014 khi mỏ đa kim Núi Pháo thuộc công ty tài nguyên Masan Resources chính thức đi vào sản xuất. Đến năm 2015, đóng góp của Masan Consumer vào tổng doanh thu của Masan Group tiếp tục giảm xuống còn 43%.

Trong khi đó, Masan Nutri-Science – công ty mới được Masan Group mua lại vào cuối tháng 4/2015 – đóng góp tới 46% tổng doanh thu.

Tỷ trọng đóng góp của Masan Nutri-Science vào doanh thu của Masan Group có thể lớn hơn nữa nếu như Masan hoàn tất thương vụ này sớm hơn. Trong năm 2015, Masan Nutri-Science đạt xấp xỉ 20.500 tỷ doanh thu nhưng chỉ có 14.000 tỷ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh của Masan Group.

Có thêm mảng thức ăn chăn nuôi giúp cho doanh thu của Masan Group tăng gần đôi so với năm 2014 và đưa doanh nghiệp này vào câu lạc bộ doanh nghiệp có doanh thu trên 1 tỷ USD với 30,6 nghìn tỷ đồng (1,4 tỷ USD).

Với việc nắm quyền kiểm soát 2 công ty sản xuất cám/thức ăn chăn nuôi lớn là Proconco (Cám Con Cò) và ANCO, hiện Masan Nutri-Science đứng thứ 2 về thị phần thức ăn chăn nuôi nói chung sau C.P Việt Nam và đứng đầu về mảng thức ăn nuôi heo.

Ban đầu, Masan Nutri-Science sở hữu 70% cổ phần của ANCO và 52% cổ phần của Proconco. Đến cuối năm 2015, Masan nâng tỷ lệ sở hữu tại Proconco tăng lên 68,6% và tiếp tục tăng lên 75,2% trong tháng 1/2016.

Trước năm 2014, 100% doanh thu của Masan Group đến từ Masan Consumer
Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích