Nín thở... buôn hoa Tết

Thứ ba, 02/02/2016, 16:24
Sáng 1.2, gặp phóng viên, chuyện một lúc là ông Nguyễn Anh Thiện (58 tuổi, ở Tuy Hòa, Phú Yên) lại lẩm bẩm: “Không hiểu trên đời có còn nghề gì ép tim như nghề bán bông (hoa) Tết?”. Than vậy, nhưng tôi biết áp Tết nào ông cũng lục tục theo nghề buôn hoa.

May rủi tựa đánh bạc

Ngồi đợi nhóm bốc hoa  đưa mấy chậu cuối lên xe tải, ông Thiện buông giọng khấp khởi: “Thiệt tình, chuyến đi bông nào tui cũng tuyên bố là lần cuối, sẽ rửa tay gác kiếm. Vậy mà cứ thấy chộn rộn Tết là ngứa tay ngứa chân, không đi không yên. Kỳ này, tui chuyển hướng tiến về Đồng Nai! Hỏi han rồi, anh em ở trỏng nói thị trường khá chuộng mai, mình vô chắc bán được. Đúng là tui ghiền đi bông như… đánh bạc!”.

Những chuyến xe bò đưa cúc chậu ra chợ Tết ở Tuy Hòa.
Theo ông Nguyễn Đồng Ghi - Chủ tịch Hội Nông dân phường 9 (Tuy Hòa), thị trường hoa luôn bấp bênh là do nhà nông thường trồng theo kiểu phong trào nên dễ bị khủng hoảng thừa hoa Tết. “Chúng tôi luôn vận động bà con phải  bớt trồng đại trà một số loại hoa như mai, cúc, quất. Địa phương đã mở một số lớp hướng dẫn trồng các loài hoa mới, lạ. Thế nhưng cách trồng khó, chi phí cao nên nhiều người cứ “thuận tay” trồng mấy loại hoa quen thuộc” - ông Ghi nói.

Thuê chiếc xe tải loại 10 tấn, ông Thiện chất kín 90 chậu mai. Theo ông, tiền mua mai hết hơn 50 triệu đồng; chỗ bạn hàng quen nên ông chỉ mới đưa trước một nửa, còn lại sẽ thanh toán sau khi từ Đồng Nai về.

Ông tính toán các chi phí “râu ria”- công bốc chậu lên và xuống (5 triệu đồng), trả xe tải (15 triệu đồng), thuê lô chợ (1 triệu đồng), rồi nước tưới hoa tại chợ, ăn uống cho 2 người, chi phí “bất ngờ”... thêm khoảng 15 triệu.

“Tiền vốn là 500.000 đồng/chậu, phải bán ra giá chót là 1 triệu đồng/chậu mới có ăn. Tóm lại, xe mai đây phải bán được cỡ 100 triệu đồng mới nói chuyện lãi. Còn không đạt thì toi cơm! Giờ tui đang run trong bụng đây” - ông Thiện nói.

Nhớ lại mấy đợt buôn hoa Tết đã qua, ông Thiện gọn lỏn: “Bại nhiều hơn thắng”. Như là kỳ đưa hoa cúc đến Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) cách đây 2 năm, chỉ thu được 2/3 tiền vốn, lỗ hơn chục triệu đồng. Với cúc chậu thì tiền mua vào chỉ khoảng phân nửa so với mai. Thế nhưng nghiệt nỗi, đây là loại hoa ngắn ngày “năm nào xào năm nấy”, nếu bán không xong thì chỉ có vứt bỏ!

“Buôn bán mai, nếu ế thì năn nỉ bán rẻ cho nhà vườn tại chỗ, họ về chăm dưỡng để Tết năm sau bán lại. Hoặc mình nhổ gốc, tốn tiền xe chở trở lại vườn nhà để vớt vát chút của! Chứ đi buôn cúc hoặc quất, nếu đọng hàng thì “xong phim”. Kỳ bán cúc ở Buôn Ma Thuột, vợ chồng tui vừa khóc vừa nhổ, đập mấy chục chậu, ruột đau như cắt giữa đêm giao thừa. Đã hạ giá “sát đất”, vậy mà chẳng ai đoái hoài!...”. Dứt lời, ông Thiện chào tôi và lên xe trực chỉ Đồng Nai. 

Với ông Ngô Đức Hòa (ở Pleiku, Gia Lai), cách Tết 2 tháng, ông đã xuống Tuy Hòa dạo khắp các nhà vườn để tìm mua gom mai chưa lặt lá. Trên 120 triệu đồng đã được vợ chồng ông chi cho “phi vụ” 200 chậu mai về tập kết tại miếng đất thuê ở ngoại ô thành phố Pleiku.

Theo ông Hòa, mua mai sớm khi nhà vườn chưa lặt lá, giá cả “nhẹ” hơn lúc áp Tết, nhưng phải tốn thêm chi phí giai đoạn “nước rút”. Vậy mà năm nay gặp hạn, 2/3 lượng mai vừa rước về đã bung nở trước Tết tới 20 ngày; đến giao thừa là vừa vặn hoa nở tàn trụi lủi! Trong số còn lại thì có hơn 10 chậu tịt ngòi, phải qua Rằm tháng Giêng mới may hé hoa.

“Mùa mưa năm nay chỉ được mấy giọt. Trời cứ nắng ong ong nên mai nở rát mặt, trở tay không kịp. Mấy chậu mai suy búp do bị động rễ khi chuyên chở và do thay đổi điều kiện khí hậu từ vùng biển lên núi. Thế là chôn một đống tiền vào mai rồi! Ráng mà bóp bụng để “ôm” tiếp số mai này một năm nữa…” - ông Hòa thở dài.

Ai dám buôn hoa Tết? 

Theo nghệ nhân Hoàng Ngọc Anh (xã Bình Kiến, Tuy Hòa), giá hoa mai năm nay nhích lên khoảng 20% so năm ngoái. Lý do, thời tiết ít mưa lạnh, nhiều nắng nên khoảng 80% số chậu mai đã bung nở trước Tết. Số chậu “vô duyên” này đành phải để lại cho mùa Tết sau. Ông nhận xét: “Nghề trồng mai phải sống chung với “thói đỏng đảnh” của nó! Năm nay, nhiều nhà vườn đã kéo chậm ngày thuê công lặt lá nhưng vẫn thua vì mai bất ngờ nở sớm. Số mai ra búp đúng kỳ không nhiều nhưng lượng thương lái lại ít hơn năm ngoái. Hy vọng vào mươi ngày cuối tháng Chạp xem sao”.

Đã nhiều phen buôn mai Tết đường dài, ông Anh lè lưỡi, lắc đầu khi nhắc đến nỗi lo “thắt tim”, truân chuyên khi buôn hoa đường dài. Sau nhiều chuyến hoa Tết thất bại, hai năm nay ông “nghỉ chơi đường dài”. Có hoa trồng được dịp Tết, ông tìm người chào bán tại vườn; số hoa còn tồn thì ông thuê xe bò chở vào chợ hoa xuân Tuy Hòa để bán, nếu ế thì cũng thua lỗ ít.

“Thứ khác thì không nói, chớ chuyện buôn bán hoa Tết thì chỉ nông dân mới dám chơi. Hoặc không làm nông thì cũng phải có hiểu biết chút đỉnh về cây hoa. Bởi cái mặt hàng này thuộc loại đặc biệt. Nếu không biết chăm, trong quá trình chờ bán lại, cây hoa dở chứng thì tiêu! Biết là buôn bán hoa dễ “yếu tim” nhưng nhiều người “lỡ ghiền”, cứ đến mùa Tết là rục rịch… nhào vô”- ông Anh nói.

Bà Trần Thị Thải - chủ vườn hoa kiểng ở Bình Kiến (Tuy Hòa) bày tỏ: “Ai nói thương lái ép giá, thế này thế kia, chớ mà tụi tui nhờ họ lắm. Nhà vườn trồng bông xong mà chẳng thấy ai đến hỏi han, thì buồn hiu hắt! Mà sao năm nay, ít người rảo vườn hỏi mua sỉ quá hè?”.

Theo bà Thải, hoa Tết chỉ bán rút trong nửa tháng áp Tết. Nếu dân buôn đường dài không mua gom thì chỉ còn cách dồn bán ở chợ Tuy Hòa, đi loanh quanh trong tỉnh. Mà hoa bán tại tỉnh thì rẻ như bèo, người bán nhiều hơn người mua. Người mua thì lại hay cố “đánh đu” với nhà vườn, họ cứ chờ đến cận giao thừa mới đi mua  cho rẻ, buộc nhà vườn phải bán đổ bán tháo...

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn