Ông chủ Wonderfarm trở lại sàn chứng khoán

Thứ tư, 16/11/2016, 09:22
Công ty Thực phẩm Quốc tế - đơn vị sở hữu thương hiệu đồ uống Wonderfarm và Kirin tại Việt Nam đã nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trở lại trên UPCoM sau hơn 3 năm hủy niêm yết.

Theo thông báo từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), hơn 87 triệu cổ phiếu IFS của Công ty Thực phẩm Quốc tế (Interfood) sẽ chính thức được giao dịch trở lại trên UPCoM từ ngày 16/11. Trước đó, cổ phiếu của công ty đã bị hủy niêm yết từ đầu tháng 4/2013 do lỗ lũy kế tại thời điểm kết thúc năm 2012 vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Interfood là công ty đang sở hữu hai thương hiệu đồ uống Wonderfarm và Kirin. Trong đó, Wonderfarm là thương hiệu đồ uống gắn liền với các sản phẩm như Trà Bí Đao, Nước Yến Ngân Nhĩ hay Nước Me. Trong khi, Kirin là thương hiệu đi cùng các sản phẩm như Ice+, Latte hay Tea Break.

Trong 9 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu gần 895 tỷ đồng và hơn 33 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó riêng quý III đóng góp hơn 25,3 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, kết quả có lãi trong 9 tháng đầu năm 2016 cũng là kết quả kinh doanh khả quan nhất trong 8 năm gần đây của đơn vị sở hữu 2 thương hiệu đồ uống hàng đầu hiện nay.

Đi cùng với kết quả kinh doanh là giai đoạn thoái trào trong hoạt động của Interfood dưới sự quản lý của "ông chủ" Malaysia và sự chuyển giao quản lý sang Tập đoàn Kirin của Nhật Bản.

Interfood là đơn vị sở hữu thương hiệu đồ uống Wonderfarm và Kirin tại Việt Nam.

Được thành lập từ cuối năm 1991 với vốn đầu tư ban đầu 1,14 triệu USD, Interfood tiền thân là Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm Quốc tế (IFPI), doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài do 4 cổ đông sáng lập từ Malaysia. Trong đó Trade Ocean Holding có trụ sở tại bang Penang thuộc Malaysia là cổ đông lớn nhất sở hữu 57,25% vốn.

Hoạt động chính ban đầu của Công ty là chế biến nông sản, thủy sản thành sản phẩm đóng hộp, sấy khô, ướp đông, ướp muối và ngâm dấm để xuất khẩu. Tuy nhiên, bước ngoặt vào năm 2003 khi Interfood được phép sản xuất các sản phẩm nước trái cây có gas và nước trái cây có độ cồn nhẹ (5%), các mặt hàng này sau đó trở thành lĩnh vực kinh doanh chính của công ty.

Đến năm 2005, Interfood chính thức chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, với tổng vốn đầu tư tăng lên 30 triệu USD. Đây cũng là năm Interfood ký hợp đồng với Wonderfarm Biscuits and Confectionery để sử dụng thương hiệu "Đại nông trại" hay "Wonderfarm" cho các sản phẩm của công ty.

Cùng với hai thương hiệu khác là "OKAYO" và "TOP", Interfood trở thành một trong số những công ty giữ thị phần cao đối với sản phẩm nước trái cây không gas và đồ uống độ cồn nhẹ tại khu vực phía Nam. Theo ước tính của công ty, Interfood chiếm khoảng 50% - 60% thị phần nước trái cây không gas, cạnh tranh trực tiếp với Nước giải khát Chương Dương, Tribeco hay Tân Hiệp Phát.

Hoạt động kinh doanh của Interfood tăng trưởng đều qua các năm sau đó. Doanh thu tăng từ 323 tỷ đồng của năm 2004 lên 555,2 tỷ của năm 2005 và 721,5 tỷ đồng vào năm 2007, lợi nhuận cũng tăng tương ứng từ 23 tỷ lên hơn 68 tỷ đồng. Tuy nhiên, biến cố đã xảy ra trong giai đoạn tăng trưởng cao nhất của công ty.

Đến năm 2008, Interfood đạt hơn 842 tỷ đồng doanh thu nhưng ghi nhận lỗ sau thuế tới 262 tỷ đồng, trong khi biên lãi gộp giảm đột ngột từ gần 22% xuống còn hơn 6%. Giải trình của công ty cho biết, nguyên nhân của khoản thua lỗ đến từ các khoản chi phí gia tăng, lãi vay ngân hàng tăng đột biến từ 9% lên 21% trong năm và sự cố liên quan đến Melamine khiến Interfood phải thực hiện thu hồi toàn bộ các sản phẩm bánh nghi có hàm lượng Melamine vượt quá mức độ cho phép. Ngoài ra, khoản chi phí khác phát sinh trong năm 2008 tăng đột biến do Interfood thực hiện xóa sổ một khoản ứng trước để mua máy móc hơn 152,5 tỷ đồng.

Những năm sau đó, mặc dù mức độ lan tỏa của thương hiệu Wonderfarm ngày càng rộng với hệ thống 167 đại lý phân phối và 110.000 điểm bán hàng giúp doanh thu của Interfood gia tăng nhưng hoạt động kinh doanh vẫn liên tục thua lỗ.

Đến năm 2011, bước chuyển mới trong hoạt động kinh doanh của Interfood khi cổ đông lớn nhất từ Malaysia đã rút lui, thay thế bằng tập đoàn Kirin từ Nhật Bản và cũng là thời điểm thương hiệu đồ uống Kirin bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam. Sở hữu của tập đoàn này tại Interfood sau đó đã nâng lên hơn 95% sau khi thâu tóm lại từ các cổ đông khác.

Các sản phẩm của Kirin hiện đang được phân phối. Nguồn: Interfood.

Tuy vậy, sự xuất hiện của Kirin không giúp cải thiện hoạt động kinh doanh, khi Interfood tiếp tục lỗ từ năm 2011 cho đến thời điểm gần nhất là năm 2015 với mức lỗ hàng trăm tỷ đồng. Con số lỗ lũy kế từ đầu năm 2011 là 266 tỷ đồng đã tăng lên gần 853 tỷ đồng vào cuối năm 2015 và chỉ giảm nhẹ sau đó nhờ kết quả có lãi sau 9 tháng đầu năm 2016.

Thực tế, doanh thu của Interfood trong giai đoạn này liên tục tăng, biên lãi gộp không hề kém so với các doanh nghiệp đồ uống trong ngành, duy trì ở mức trên 20%. Tuy nhiên, chi phí bán hàng cao đột biến đã "ngốn" hết lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, trong đó chủ yếu ở 3 khoản mục chi phí nhân viên, quảng cáo và chi phí vận chuyển.

Năng lực quản lý và điều hành của một tập đoàn thực phẩm lớn như Kirin của Nhật Bản, trong khi nền tảng của Interfood với thương hiệu và hệ thống phân phối rộng khắp cả nước lại liên tục thua lỗ trong nhiều năm liền là điều khó có thể lý giải. Trong khi những câu hỏi về kế hoạch giảm lỗ, chi phí thực tế đầu tư cho thương hiệu được cổ đông chất vấn tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 không nhận được sự giải thích từ Hội đồng quản trị.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích