'Bộ trưởng có dám từ chức nếu thép Cà Ná gây hệ lụy?'

Thứ tư, 16/11/2016, 09:30
"Không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép được đưa ra để đánh đổi môi trường", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Nghị trường sáng 15/11 ghi nhận nhiều chất vấn thẳng thắn giữa đại biểu với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, đặc biệt là về dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận).

Ngay sau khi Bộ trưởng Công Thương khẳng định với dự án thép Cà Ná được bổ sung vào quy hoạch đúng quy trình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã đăng đàn chất vấn.

"Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen hứa với Thủ tướng nếu có sai phạm ở dự án Cà Ná sẽ giao hết tài sản cho Thủ tướng, nhưng tôi không muốn có bất cứ hệ luỵ gì xảy ra với nhân dân, với đất nước. Tôi xin thẳng thắn hỏi Bộ trưởng nếu có hệ luỵ xảy ra, Bộ trưởng có cam kết trước Quốc hội về việc nhận trách nhiệm và xin từ chức hay không?", đại biểu đặt câu hỏi.

Câu hỏi vào cuối buổi chất vấn sáng của đại biểu Nhưỡng (và một số đại biểu khác) được ghi nhận song Bộ trưởng Tuấn Anh không có thời gian để trả lời trong ít phút buổi chiều.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: "Nếu có hệ luỵ xảy ra, Bộ trưởng có cam kết trước Quốc hội về việc nhận trách nhiệm và xin từ chức hay không?". Ảnh: Tiến Tuấn.

"Không đánh đổi môi trường lấy dự án"

Trước đó, đại biểu tỉnh Phú Yên, bà Phạm Thị Minh Hiền, đại diện cho cử tri địa phương lân cận dự án đề nghị Bộ trưởng "trả lời thẳng, trả lời thật" về các vấn đề: Dù chỉ là bổ sung quy hoạch, nhưng dự án đã đi ngược lại chủ trương của Chính phủ là đánh đổi môi trường. Vậy có hay không xuất hiện lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án, có hay không việc Bộ đã và đang chạy theo doanh nghiệp để làm dự án.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép như trên được đưa ra để đánh đổi môi trường. Tôi khẳng định luôn không có lợi ích nhóm ở đây”.

Giải trình rõ hơn, Bộ trưởng cho hay Việt Nam có trữ lượng quặng sắt khoảng 1,5 tỷ tấn. Mỗi năm chúng ta nhập khẩu từ nước ngoài lượng sắt thép phục vụ nhu cầu xây dựng, phát triển đất nước khoảng 3 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam cần nhập khẩu đến 15 tỷ USD các sản phẩm sắt thép.

Hiện cả nước mới chỉ có một số chủng loại sắt thép xây dựng. Các ngành sắt thép cơ bản đặc biệt thép thô cho các ngành cán thép, luyện thép, các sản phẩm đầu ra là sắt phục vụ phát triển nền kinh tế hầu như chưa có ngoại trừ một số doanh nghiệp như Hòa Phát đã có một số dự án quy mô nhỏ. Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) có quy mô lớn, nếu được khai thác tốt thì khả năng đóng góp vào mức tăng trưởng hàng năm 0,3-0,4% GDP.

Trong khi đó, mục tiêu là bên cạnh việc đảm bảo ổn định phát triển kim ngạch xuất nhập khẩu phải đảm bảo sự ổn định phát triển của các ngành công nghiệp cơ bản, các ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo bao gồm cả các ngành công nghiệp quốc phòng.

“Chúng ta đang hướng tới phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp của quốc gia. Nếu có điều kiện để phát triển và đáp ứng được yêu cầu phát triển, yêu cầu bảo vệ môi trường, tại sao chúng ta phải hạn chế điều đó?”, Bộ trưởng đặt vấn đề.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Tiến Tuấn.

Về dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng cho biết quy hoạch về ngành thép đã có từ năm 2011. Dự án này được phê duyệt cùng với dự án thép Vinashin - Lion. Quy hoạch này đã được làm đầy đủ quy trình, thủ tục, trong đó có một số nội dung đã được Thủ tướng phê duyệt.

Vào năm 2008-2009, dự án không được thực hiện vì năng lực tài chính của chủ đầu tư có vấn đề sau khủng hoảng tài chính và đã bị đưa ra khỏi quy hoạch. Tuy nhiên, vào cuối năm 2015, dự án tiếp tục được nghiên cứu và Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã làm việc với tỉnh Ninh Thuận đề xuất đưa vào quy hoạch ngành thép mới, xin chủ trương đầu tư để thực hiện với những cam kết đảm bảo yêu cầu về môi trường thông qua công nghệ và các nội dung đầu tư.

“Đây mới chỉ là điều chỉnh về quy hoạch. Quy hoạch được xây dựng dựa trên cơ sở đánh giá những lợi thế của ta để phát triển các dự án đầu tư chứ không phải là dự án đầu tư trên đã được phê duyệt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng đây không phải là sự đánh đổi bởi dự án thép Cà Ná đã và đang được xem xét một cách cẩn trọng, đầy đủ quy trình.

“Trước khi đưa vào quy hoạch ngành thép, Chính phủ giao các Bộ ngành phối hợp với các địa phương, chủ đầu tư làm rõ các nội dung liên quan báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi…; xem xét, thẩm định từ công nghệ, thiết bị, phương án xử lý chất thải, phương án bảo vệ môi trường, hiệu suất của dự án, kể cả hiệu suất của năng lượng sử dụng và hàng loạt các vấn đề khác”, Bộ trưởng thông tin.

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh các công tác liên quan điều chỉnh quy hoạch, quản lý quy hoạch được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định của pháp luật đồng thời cho biết mới đây, tập đoàn Hòa Phát xin đăng ký tham dự dự án thép Dung Quất.

“Không chỉ dự án thép Cà Ná, các dự án thép khác cũng phải thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, rút kinh nghiệm từ dự án Formosa. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng về việc này”, Bộ trưởng nói thêm.

Cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương

Tổng kết phần đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Bộ trưởng tuy mới nhận nhiệm vụ và đây là lần đầu trả lời chất vấn, nhưng đã thể hiện nắm rất chắc tình hình, nắm chắc thực trạng nhất là những vấn đề bức xúc của ngành.

Chủ tịch Quốc hội nhận xét Bộ trưởng Công Thương đã thẳng thắn, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu và đề ra hướng giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số nội dung còn dài, chưa làm rõ trách nhiệm, giải pháp khắc phục nên có sự tranh luận trở lại, một số đại biểu cảm thấy chưa thỏa đáng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương, các tổ chức, cá nhân liên quan 5 dự án nghìn tỷ bị thất thoát, thua lỗ nặng. Ảnh: Như Ngọc.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tham mưu cho Chính phủ làm rõ một số vấn đề như chủ động rà soát, có báo cáo tổng thể những công trình dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để xảy ra thất thoát; rà soát lại quy hoạch phát triển các dự án có liên quan đến môi trường, đến đời sống người dân đặc biệt các dự án ven biển trong đó có dự án thép Cà Ná để báo cáo Quốc hội.

Đặc biệt, bà Ngân yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương, các bộ, ngành... liên quan trong quá trình đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt, quản lý các dự án thua lỗ đồng thời có giải pháp cụ thể khắc phục.

Với việc xả lũ, Chủ tịch Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu tương tự. “Bộ cần chấn chỉnh ngay, không để xảy ra tình trạng xả lũ đúng quy trình, nhưng vẫn gây thiệt hại cho người dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo thống kê sơ bộ, đã có ít nhất 35 câu hỏi gửi đến Bộ trưởng Công Thương. Trong sáng 15/11, bốn đại biểu tranh luận trở lại do chưa hài lòng với câu trả lời từ Bộ trưởng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích