|
Ông Đào Việt Thắng, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Vexere.com |
Không ồn ào như thương mại điện tử trong bán lẻ nhưng cạnh tranh trong ngành bán vé xe trực tuyến cũng rất quyết liệt. Sau thời gian xuất hiện hàng loạt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoặc phải mở rộng hợp tác với các nhà xe càng nhanh càng tốt, hoặc phải hoạt động cầm chừng.
Theo ông Đào Việt Thắng, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Vexere.com, nguyên nhân chính là do doanh thu của doanh nghiệp bán vé xe trực tuyến thấp, do chi phí hoa hồng bán vé xe chỉ khoảng 10%. Số tiền này không đủ chi trả rất nhiều hoạt động như vận hành, tiếp thị, khuyến mãi... cho một thị trường còn mới mẻ. Trong khi đó, các công ty bán vé xe trực tuyến buộc phải bỏ qua lợi nhuận để mở rộng quy mô, tăng cường số lượng khách hàng. Nhiều doanh nghiệp tăng doanh thu qua cung cấp giải pháp quản lý xe, khách hàng cho các chủ xe nhưng cũng không đáng kể.
Bán vé xe trực tuyến là mô hình kinh tế dựa trên quy mô, không mở rộng sẽ không đủ chi phí vận hành. Muốn tồn tại trong lĩnh vực này, doanh nghiệp phải giải quyết 3 vấn đề lớn. Thứ nhất là tính phân mảnh trong thị trường này rất cao, hiện có khoảng 2.000 nhà xe hoạt động trên cả nước. Trình độ ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở các tỉnh cũng là chuyện không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Thứ 2 là thói quen thanh toán.
Ở Việt Nam, chi trả bằng tiền mặt vẫn rất phổ biến. Các doanh nghiệp bán vé xe trực tuyến phải tìm cách giao vé thu tiền hộ ít chi phí hơn so với việc dựa vào đội ngũ giao hàng khi mở rộng sang các tỉnh. Cuối cùng là chưa có nhiều người quen với việc đặt vé trực tuyến.
Theo báo cáo hành vi người tiêu dùng trực tuyến của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (VECITA) năm 2015, vé trực xe tuyến không nằm trong nhóm hàng hóa được mua bán thường xuyên.
Việc cùng lúc đẩy cả 3 mảng là đối tác, mở rộng mạng lưới và thu hút khách hàng sử dụng đã làm thị trường khá sôi động lúc ban đầu, với nhiều cái tên như vexe24h, hlink, Click1bus, vexere, pasoto, vedayroi, vbus... Tuy nhiên, do khó khăn, đến nay chỉ còn vài cái tên hoạt động. Trong đó, Vexere.com và Pasoto.com tạm thời dẫn đầu thị trường này. Theo thống kê của similarweb, từ tháng 7 đến tháng 9, Vexere.com có khoảng 2 triệu lượt truy cập/tháng, Pasoto.com có hơn 350.000 lượt truy cập/tháng.
Vận tải hành khách năm 2015 ước đạt 3283,1 triệu lượt khách, tăng 77% và 143 tỉ lượt khách/km, tăng 7,9% so với năm 2014. Thị trường vé xe tại Việt Nam được ước tính vào khoảng 1-2 tỉ USD. Hoặc cũng có thể nhìn nhận sức hấp dẫn của thị trường này qua kết quả kinh doanh của Bến xe Miền Tây. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty này có doanh thu 53,5 tỉ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh trong thời gian tới, ông Việt Thắng cho biết, hiện Công ty đã kết nối với 100 nhà xe và với hệ thống hiện tại, Công ty dự kiến đạt 1.000 nhà xe trong 3-5 năm tới. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho người dùng thanh toán dễ dàng hơn, Vexere.com đã kết nối với các công ty kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi trên cả nước. Hiện Vexere.com có khoảng 2.000-3.000 điểm bán chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, dự kiến con số này sẽ tăng lên 25.000 điểm trong thời gian tới.
Trong khi đó, Pasoto được sang nhượng lại cho Easybook.com cuối tháng 8 vừa qua. Được biết, Easybook.com được thành lập vào năm 2005 ở Singapore, chuyên kinh doanh vé xe ở Singapore và Malaysia về sau mở rộng thêm dịch vụ bán vé tàu, thuê xe, vé tham quan... Năm 2014, Easybook.com nhận khoản đầu tư lần đầu từ Quỹ OWW Capital Partners trị giá 1 triệu USD. Năm 2015, Công ty tiếp tục nhận khoản đầu tư 3 triệu USD (Series A).
Ngay sau đó, Easybook.com đã mở rộng sang các thị trường ở Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Brunei và Đài Loan. Đối tượng khách hàng chính Easybook.com là khách nước ngoài đến du lịch ở khu vực Đông Nam Á; thông qua Pasoto.com, Công ty có thêm các lựa chọn đến Việt Nam cho khách hàng cũng như có được quan hệ đối tác mà Pasoto.com gầy dựng trước đó.
Mặt khác, việc có Easybook.com sau lưng cũng hỗ trợ rất nhiều cho Pasoto.com trong cuộc đua đường trường ở Việt Nam với Vexere.com. Vì hiện cả 2 chưa có lợi nhuận và vẫn trong giai đoạn phát triển thị trường. Bên cạnh đó, sự kết hợp của Easybook.com và Pasoto.com liệu có phải là trường hợp duy nhất ở Việt Nam hay mở đầu cho nhiều cuộc đổ bộ khác của các mô hình bán vé xe trực tuyến trong thời gian tới?
Trên thực tế, trong số các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này ở Đông Nam Á như CatchThatBus, BusOnlineTicket (Malaysia), PinoyTravel (Philippines), Bosbis (Indonesia), Easybook (Singapore)... có ít nhất 2 công ty tìm cách mở rộng thị trường tại nước ngoài. Ngoài Easybook, CatchThatBus, sau khi nhận 1,5 triệu USD đầu tư từ 500 Startups và Jungle Ventures (Series A) vào năm ngoái, cũng đang có ý định mở rộng sang các nước trong khu vực.
Ngoài ra, cũng phải kể đến doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này là RedBus (Ấn Độ). Đây là công ty được Ibibo Group mua với giá ít nhất là 100 triệu USD vào năm 2013, cũng mới công bố kế hoạch mở rộng sang 4 nước trong Đông Nam Á vào tháng 3 vừa qua, sau khi đã cung cấp dịch vụ ở Singapore và Malaysia vào năm ngoái.
Quản lý của Vexere.com cho rằng, nếu các doanh nghiệp này chọn Việt Nam sẽ là tín hiệu tích cực vì thị trường cần nhiều nhân tố mới để thúc đẩy đi nhanh hơn. “Yếu tố cạnh tranh trong thị trường này là việc hợp tác với các nhà xe và sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu hành khách, ai làm tốt hơn sẽ có cơ hội về đích trước”, ông Thắng cho biết.
Theo NCĐT