Cáp treo Sơn Đoòng: Bộ VHTT-DL đã bác bỏ phương án

Thứ hai, 08/05/2017, 09:56
Trước phương án đề xuất làm cáp treo vào Phong Nha-Kẻ Bàng, Bộ VHTT-DL đã bác bỏ phương án trên.

Không có gì bất thường

Mới đây, chia sẻ trên báo chí, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC nói rõ, sắp tới FLC sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo Sơn Đoòng nằm trong quần thể di sản Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)

Theo ông Quyết, hệ thống cáp treo này là "chủ trương, mong muốn của tỉnh". Trước đây đã có một doanh nghiệp lớn dự định đầu tư vào nhưng sau đó đã... bỏ cuộc.

“FLC không có nhu cầu làm nhưng tỉnh đã mời không dưới 3 lần. Chúng tôi đầu tư các dự án lớn khác trong tỉnh nên mới nhận lời. Còn tỉnh muốn kết nối, muốn du khách đến đấy không chỉ nghỉ dưỡng mà còn khám phá Sơn Đoòng để không lãng phí tiềm năng khai thác từ di sản nên mới mời chúng tôi đầu tư cáp treo”, ông Quyết cho biết.

Nhất định không nên xây dựng cáp treo Sơn Đoòng

Về những thông tin mâu thuẫn trên, trao đổi với PV, GS.TS Tạ Hòa Phương - Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn Địa chất lịch sử, Khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết:

"Thực sự, cáp treo Sơn Đoòng mà làm điểm cuối cách mấy km thì làm làm gì, vì chỗ đó không có gì mà quan sát, tôi phản đối cái tinh thần làm cáp treo, vì đã làm là mục tiêu khai thác đại trà, nó không phù hợp với di sản trên.

Hơn nữa, thông tin mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và UBND tỉnh không có gì bất thường, vì thực tế, địa phương không ai muốn để lộ thông tin dự án ra ngoài, rồi lại vướng phản đối. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, có thể FLC không nói sai".

Theo chia sẻ, bản thân ông Phương được biết một thông tin, chưa biết chính xác hay không vì chưa có kiểm chứng, nhưng dư luận thời gian có đặt ra là Quảng Bình đang dự định làm một loạt sân golf vùng ven biển, đầu tư khá nhiều tiền, nhưng cũng gặp phải sự phản đối của người dân vì ảnh hưởng môi trường, đời sống dân sinh.

Khi đó, số tiền đã đầu tư bị mất đi là tổn thất nặng nề, FLC là đơn vị đứng ra làm hệ thống sân golf này, khi gặp chuyện đầu tư khó khăn thì Quảng Bình muốn quay lại làm cáp treo vào Sơn Đoòng để khai thác.

"Về mặt muốn thì địa phương có muốn, còn doanh nghiệp thì khác, làm hay không làm cũng không ảnh hưởng đến kinh tế tài chính của họ, nên bài toán này khá hóc búa", ông Phương nói thêm.

Mặt khác, theo vị chuyên gia trên, như Quảng Bình nói là làm cáp treo vào Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thì cũng cần tính toán rất kỹ, có thể vào được nhưng nhất định là không được vào vùng lõi, đó là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó có hang Sơn Đoòng.

Bởi vì, khi đưa một số lượng người đông, sẽ ảnh hưởng môi trường, vùng lõi không được khai thác du lịch đại trà. Du khách có thể được vào khu động Thiên Đường, một số xung quanh thì được, còn vùng lõi các di sản thiên nhiên thế giới kiên quyết là không được. Còn đã xây cáp treo thì chắc chắn mục đích của họ là hang Sơn Đoòng.

"Khi đã khai thác di sản thì phải nắm được nếu làm thì lợi gì, hại gì, Sơn Đoòng là di sản cấp quốc tế của Việt Nam nên cần được bảo vệ, nó cũng chính là nguồn gốc thu hút du lịch, điểm nhấn vĩ đại nhất thu hút du khách của Quảng Bình.

Tôi nghĩ vẫn còn có những tư duy bất chấp tất cả vì mục đích kinh tế, nhưng cần nhớ rằng nếu như một di sản thiên nhiên thế giới bị xóa sổ, không còn là di sản thì Quảng Bình sẽ mất hết. Quảng Bình đang chỉ nghĩ kiếm được nhiều tiền nhất, bất chấp nhiều thứ, tuy nói môi trường là ưu tiên nhưng không phải thế", ông Phương nhấn mạnh.

Vẻ đẹp  hang Sơn Đoòng 

Bộ VHTT-DL đã bác phương án làm cáp treo

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo ông Phương, cần phải xem tính chất của giá trị di sản cần được bảo vệ như thế nào, các nước khác đối với một di sản quý như Sơn Đoòng họ cũng bảo vệ chứ không làm kinh tế.

"Ngay như Mỹ có một hang động nổi tiếng nhưng 1 năm chỉ vài trăm người được vào, tôi sang hơn 1 tháng cũng không thể vào được, muốn vào đó phải đăng ký trước 1 năm, nghĩa là phải xếp hàng, cho một lượng người hạn chế để quản lý được.

Ngay như hang Deer ở Malaysia cũng chỉ cho vài trăm người/năm vào tham quan, Sơn Đoòng hiện nay cũng 600 người/năm, số lượng như vậy là vừa đủ.

Ở đây có tư duy nhiệm kỳ, khi biết nó làm ra kinh tế thì khai thác đến tận cùng mà không nghĩ đến mục tiêu lâu dài. Như cáp treo lên Fansipan hiện nay cũng không tệ hại bằng Sơn Đoòng nhưng cũng đã có bao nhiêu hệ lụy, phá vỡ nhiều thứ đáng lẽ cần được bảo vệ, Sa Pa đã mất đi cái tinh khôi của nó.

Chỉ cần nhớ, bảo vệ Sơn Đoòng là điểm mấu chốt của du lịch Quảng Bình, nhưng họ vẫn âm mưu cho cáp treo vào, trong khi đây không phải chỗ để khai thác du lịch đại trà, tôi thấy Oxalis đang làm rất tốt, họ còn có ý thức bảo vệ, nâng cao đời sống dân bản địa, đầu tư nhất định cho vùng đất họ khai thác, nên duy trì hình thức trên", ông Phương nói rõ.

Một thông tin đáng chú ý khác được GS.TSKH Vũ Quang Côn - Nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên sinh vật cho biết, đó là tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ VHTT-DL phối hợp với nhau, tổ chức buổi xét duyệt cấp Bộ quy hoạch phát triển du lịch khu Phong Nha - Kẻ Bàng giai đoạn 2016-2030.

Là người trực tiếp tham gia hội thảo, ông Côn cho biết: "Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Đặng Thị Bích Liên đã bỏ mục xây dựng cáp treo, thông qua biên bản hội thảo, tức phương án làm cáp treo sẽ không được thực hiện".

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn