Trong tình hình sản xuất - kinh doanh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách chuyển hướng đầu tư mới để phòng tình huống ngành nghề kinh doanh chính gặp bất trắc.
Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí Toàn cầu (GP Invest) vừa họp cuối tuần trước đã thống nhất đề xuất của HĐQT Công ty về việc phát triển thêm lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Như vậy, với quyết định sẽ đầu tư khoảng 500.000 USD thành lập liên doanh sản xuất viên hạt gỗ ép với một nhà đầu tư Đan Mạch và một đối tác trong nước nữa, GP Invest đã chính thức phá thế “độc canh” trong hoạt động của mình, mở rộng đầu tư ra ngoài lĩnh vực bất động sản.
“Mức đầu tư còn rất khiêm tốn so với tổng đầu tư giai đoạn I dự kiến khoảng 3 triệu euro, song đây cũng là một giải pháp cẩn trọng trong bối cảnh các nguồn tín dụng đang khó tiếp cận, lãi suất cao. Chúng tôi sẽ xem xét hiệu quả của dự án này để quyết định nâng vốn đầu tư theo lộ trình”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GP Invest nói và cho biết, Dự án đã nhận được cam kết tài trợ của Quỹ Đầu tư quốc tế Đan Mạch (IFU).
Cùng với kế hoạch đầu tư này, GP Invest cũng đã được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận đề nghị kêu gọi vốn đầu tư xây dựng trường học tại Dự án Nam Đô Complex (Hoàng Mai, Hà Nội), bên cạnh việc quyết định sẽ không khởi công mới các dự án bất động sản cho tới cuối năm 2012, để dồn sức thực hiện đúng tiến độ các dự án đang triển khai.
Như vậy, thay vì chỉ có nguồn thu từ bất động sản, báo cáo tài chính những năm tới của GP Invest sẽ có thêm những khoản mục từ các lĩnh vực mới.
Không chuyển lĩnh vực, nhưng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển kỹ nghệ và Xây dựng Việt Nam (Techconvina) đang chọn hướng thuận lợi hơn khi tham gia các dự án đầu tư nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, bên cạnh thế mạnh là nhà thầu xây dựng khu công nghiệp, đầu tư bất động sản.
Ông Nguyễn Trọng Ký, Phó tổng giám đốc Techconvina cho biết, chính sách ưu đãi hiện có dành cho các dự án nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, như được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, được giao đất sạch không thu tiền sử dụng đất…, đang mở hướng để doanh nghiệp có thể khai thác tốt phân khúc thị trường khá “chuyên canh” này.
“Chúng tôi đã làm việc và được 6 tỉnh chấp thuận chủ trương cho phép xây dựng dự án này. Đây là phân khúc thoả mãn được các yếu tố thuận cả về nhu cầu thực khi các địa phương đang coi đây là điều kiện để tăng sức hút trong thu hút đầu tư cũng như về chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ”, ông Ký phân tích.
Chuyển sang “thâm canh” đang được nhiều doanh nghiệp coi là hướng đi phù hợp trong bối cảnh những khó khăn trong hoạt động kinh doanh đang được dự liệu có thể sẽ kéo dài hơn trong năm 2012, nhất là trong lĩnh vực được cho là khó khăn nhất hiện tại như bất động sản, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy vậy, hướng đi này không hề đơn giản, khi khá nhiều doanh nghiệp thừa nhận đang sa lầy trong những dự án dở dang, không có đủ nguồn lực để chuyển hướng. Với các dự án hiện có, việc mua bán cũng không phải thuận lợi khi bài tính được - mất chỉ được nhìn nhận ở mức “5 ăn, 5 thua”, khi thanh khoản thị trường chưa hồi phục…
Thế vào đó, một số doanh nghiệp cho biết đang tìm kiếm vốn đầu tư để tăng nguồn lực. Hiện tại, các nhà đầu tư là người Việt Nam ở nước ngoài đang được đặt nhiều kỳ vọng là nhà cung cấp không chỉ vốn, mà cả thị trường xuất khẩu. Ngay bản thân dự án liên doanh với Đan Mạch mà GP Invest chuẩn bị đầu tư cũng được kết nối bởi nhà đầu tư Việt kiều từ Đan Mạch, với cam kết hỗ trợ thị trường xuất khẩu.
Theo Báo Đầu tư