Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 quy định, túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HPDE, LDPE, LLDPE thuộc diện chịu thuế, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường. Điều này tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nhựa trong hơn tháng qua.
Ông Lê Minh Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bao bì nhựa Tân Tiến ước tính, mỗi tháng, công ty nộp riêng cho khoản thuế này 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, "doanh nghiệp khó có thể bán được hàng, vì giá bán hiện tăng gấp đôi so với trước, sau khi cộng thêm phần thuế bảo vệ môi trường vào. Nếu tình trạng ế ẩm kéo dài, doanh nghiệp không tránh khỏi nguy cơ phá sản".
Theo ông, mọi chi phí đầu vào đều tăng, lương công nhân cũng phải điều chỉnh, lãi vay cao... nay việc đóng thêm khoản thuế này đã hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, nhất là khi so sánh với hàng Trung Quốc.
Theo Hiệp hội nhựa, nếu đánh thuế môi trường lên bao bì đóng gói sẵn hàng hóa sẽ làm đội giá sản phẩm, làm yếu lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dùng bao bì nhựa. Ảnh: B.H. |
Ông Lê Phúc Duy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH bao bì Đại Phát cho biết, doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế hàng tháng, nhưng 2-3 tháng sau, khách mới thanh toán. Việc đóng thêm khoản thuế này khiến doanh nghiệp căng thẳng về mặt tài chính. "Chạy ngược chạy xuôi tìm vốn kinh doanh đã không dễ, nay phải vay mượn tiền đóng thuế bảo vệ môi trường càng làm tăng áp lực với doanh nghiệp", ông nói.
Hiện tại, phần thuế bảo vệ môi trường của tháng 1, đến ngày 20/2 mới kê khai và sẽ thực hiện nộp trong vòng 20 ngày sau đó. Theo ông Duy, nhiều đơn vị sử dụng bao bì đóng gói sản phẩm hiện ngưng đặt hàng, kể cả quen biết đến đâu đi nữa họ cũng không đặt hàng tiếp vì giá thành tăng cao. Chỉ những công ty nào quá cần bao bì đóng gói sản phẩm mới đặt hàng, còn lại đều tìm kiếm nguồn rẻ hơn bổ sung.
Hiện tại, nhà máy ông chỉ suất cầm chừng và tính tới phương án cho công nhân nghỉ dần, mặc dù trước tết tăng ca liên tục. "Mức doanh thu bình quân 2 tỷ đồng ở năm ngoái, trong tháng 1 chưa đạt tới một nửa, khó khăn chồng chất khó khăn," ông nói.
Ông Phạm Trung Cang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Tân Đại Hưng cho rằng, văn bản hướng dẫn chưa có quy định rõ ràng, định nghĩa túi ni lông thuộc diện chịu thuế quá chung chung, gần như bao gồm hầu hết ngành bao bì nhựa. Theo ông, nhựa PE nguyên sinh dùng làm bao bì không chứa độc tính, không sinh ra chất độc khi chứa đựng thực phẩm nóng và khi đốt rác. Bao bì từ nguyên liệu PE dễ tái sinh hơn các nguyên liệu khác, nhưng lại đánh thuế lên túi PE. Điều này sẽ dần bóp méo ngành bao bì, theo định hướng dùng những loại nhựa không chịu thuế bảo vệ môi trường, chứ không thực sự khích lệ việc nghiên cứu sản xuất những sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường.
"Việc đánh thuế này giáng đòn chí tử vào doanh nghiệp", ông nói. Hiện công ty ông không thể bán bao bì cho các công ty phân bón như trước vì họ chê đắt và chuyển sang nhập hàng ở các nước ASEAN.
Theo ông, bao bì đóng gói sẵn dù có đánh thuế cũng không giảm được lượng sử dụng vì hàng hóa sản xuất ra bắt buộc phải dùng bao bì nhựa đóng gói để bảo toàn phẩm chất và giá trị hàng hóa. Ví dụ: bao bì đóng gói bánh kẹo, đựng phân bón, túi đựng thủy hải sản, túi đựng linh kiện..., doanh nghiệp buộc phải dùng, kể cả giá cao. Tuy nhiên, tạm thời họ chưa thể chấp nhận sự tăng giá đột biến này nên tìm mọi cách xoay sở nguồn hàng rẻ hơn. Nếu không tìm được hàng rẻ, khách buộc phải quay trở lại lấy hàng từ công ty ông, nhưng "không biết công ty có gồng mình nổi và chời tới khi đó không". Và việc đánh thuế sẽ đẩy giá lên cao, khách cũng buộc phải nâng giá bán, thiệt hại cuối cùng rơi vào người tiêu dùng.
Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, thị phần xuất khẩu chiếm tới 80% và chỉ dành 20% cho nội địa. Tuy nhiên, hơn tháng nay, doanh thu nội địa giảm 50-60%, bởi các công ty sản xuất giấy vệ sinh, hàng tiêu dùng, mì ăn liền không chịu đặt mua bao bì. Ông lấy ví dụ, một đơn vị mua 10 tấn mà nếu không có thuế bảo vệ môi trường, họ sẽ tiết kiệm tới 400 triệu đồng. Có khách hàng của ông đặt mua hàng tháng tới 20 tấn, nếu cộng thuế bảo vệ môi trường vào, khách phải trả thêm đến 800 triệu đồng nên họ nhanh chóng từ chối đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước, tìm nguồn nhập khẩu không bị đánh thuế này để thay thế.
Hiện tại, 2 nhà máy của ông dành để làm hàng cung ứng thị trường nội địa buộc phải ngừng lại, do đơn hàng sụt giảm trầm trọng.
Theo Vnexpress