Broker với trăm nẻo mưu sinh

Thứ sáu, 10/02/2012, 17:26
Hiện nay nhiều nhân viên môi giới chỉ trông chờ vào khoản lương cứng vài triệu đồng/tháng, thậm chí đối mặt với nguy cơ cho nghỉ việc nếu không đem lại doanh thu


Nghề dịch vụ thị trường đang cơn bĩ cực

Mặc dù thị trường từ đầu năm 2012 đã khởi sắc hơn, nhưng dòng tiền chảy vào chứng khoán vẫn khá thấp, bình quân mỗi phiên, lượng giao dịch trên cả hai sàn chưa đầy 1.000 tỷ đồng. Đấy là chưa kể đến hầu hết doanh số giao dịch chỉ tập trung trong chưa đầy 10 CTCK lớn, có lượng khách hàng ổn định.

TTCK đi xuống kéo dài trong 2 năm 2010 - 2011 đã khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ và rời bỏ chứng khoán, những người mới gia nhập lại khá thận trọng, không còn “vung tiền” theo tờ giấy đặt lệnh như trước nữa. Thu nhập chính của nhân viên môi giới trước đây đến từ những khoản “hoa hồng” kếch xù dựa trên giá trị giao dịch của khách hàng, nên nay ngày càng hiu hắt.

Trước kia, thu nhập của những nhân viên môi giới cứng nghề, quen biết nhiều khách VIP, có thể lên đến con số hàng trăm triệu đồng/tháng, thậm chí hơn cả lương của tổng giám đốc CTCK. Thì nay, những nhân viên này chỉ còn trông chờ vào khoản lương cứng vài triệu đồng/tháng, thậm chí đối mặt với nguy cơ cho nghỉ việc nếu không đem lại doanh thu. Không còn lượng khách hàng dồi dào, một số nhân viên môi giới phải tìm cách “làm thêm” bằng nhiều nghề khác nhau.

Nhắc đến nghề môi giới, người ta nghĩ đến việc kết nối nhu cầu giữa người bán và người mua một loại hàng hóa nào đó. Không thể sống bằng môi giới chứng khoán, nhân viên CTCK có thể làm môi giới các lĩnh vực khác như môi giới bất động sản, môi giới đầu tư ngoại tệ (forex), đầu tư vàng tài khoản… Cá biệt, một số môi giới chứng khoán còn đóng vai trò quan trọng trong những đường dây tín dụng đen vừa “bị vỡ” gần đây.

Vài tháng trước, một CTCK thuộc Top 10 cũng đã có sáng kiến thiết lập một trang web chuyên về môi giới bất động sản, với ý định biến bất động sản thành mũi nhọn thứ hai trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thời điểm ra đời lại có vẻ không thuận lợi khi thị trường bất động sản cũng không khá hơn gì kênh chứng khoán.

Trên các diễn đàn mạng, có thể thấy rất nhiều nhân viên môi giới chuyển nghề chào mời khách hàng mở tài khoản, nhưng không phải tại CTCK mà là tại một số công ty môi giới vàng, ngoại tệ. Đây vốn là nghề tay trái của nhiều nhân viên CTCK từ lâu, nhưng có vẻ như giờ đang chuyển thành… tay phải.

Một số môi giới có cách thức khác để kiếm tiền dựa trên uy tín của mình. Viết blog nhận định thị trường, đóng vai chuyên gia phân tích để tư vấn cho nhà đầu tư. Thông qua việc đánh bóng tên tuổi, những nhân viên môi giới này hướng tới hình thức thu tiền của nhà đầu tư dựa trên những lời tư vấn đưa ra trực tiếp, không thông qua CTCK. Sau nhiều lần nhận định “chuẩn” về xu hướng thị trường trên blog và một số diễn đàn, một môi giới trẻ tuổi sinh năm 1986 đã thành lập một nhóm chat trên Skype để chia sẻ về chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần đóng tiền 400.000 đồng/tháng, chuyển qua tài khoản ngân hàng thì sẽ được gia nhập vào nhóm trực tuyến này.

Theo lời quảng cáo, môi giới trẻ này muốn đem những phân tích, nghiên cứu của mình để phục vụ những nhà đầu tư cần được tư vấn, định hướng xu hướng thị trường. Khi tham gia, nhà đầu tư được chia sẻ mọi quan điểm về thị trường trong 1 - 2 tuần, trực tiếp trong phiên, cách chọn cổ phiếu và giá trong phiên khi mua bán, khi nào cắt lỗ… Với 400.000 đồng, khách hàng sẽ được cung cấp danh sách khoảng 10 - 20 cổ phiếu và các phân tích, dự báo giá để nhà đầu tư tham khảo. Trên room chat này, nhà đầu tư có thể trao đổi thoải mái và được thử nghiệm trong vòng 1 tuần trước khi đóng tiền.

Một số môi giới khác lại tìm cách tập hợp nhà đầu tư thông qua một hình thức dạng như quỹ đầu tư chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư sẽ đóng tiền vào tài khoản tổng nhằm đạt một mức tài sản đủ lớn để hưởng các ưu đãi đặc biệt của CTCK, sau đó ủy quyền cho những môi giới này xây dựng danh mục đầu tư. Tùy theo mức lợi nhuận hay mức lỗ kỳ vọng, nhân viên môi giới sẽ được hưởng lợi ích nhất định. Đây cũng như một hình thức na ná đầu tư chỉ số kiểu các quỹ ETF. Tuy nhiên, dấu hỏi đặt ra về đạo đức nghề nghiệp và uy tín của những hình thức tư vấn kiểu này. Nếu thắng lợi thì cả làng cùng vui, còn nếu thua lỗ thì khả năng thua thiệt phần nhiều vẫn thuộc về những nhà đầu tư.

Đó là những công việc mà nhân viên môi giới làm thêm để tăng thu nhập, chưa kể đến những người buộc phải từ bỏ hẳn nghề này để chuyển sang một lĩnh vực khác. Mới đây, thị trường còn ồn ào về việc một giám đốc CTCK còn phải bỏ đi bán lạc rang. Những câu chuyện dạng thật như đùa này cho thấy những góc khuất đằng sau nghề làm dịch vụ thị trường trong cơn bĩ cực. Hy vọng rằng, những tín hiệu khởi sắc của chứng khoán sẽ  kéo dài, giúp thị trường tươi sáng hơn, để các broker yên tâm hơn với nghề. 

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn