Hong Kong theo đuổi blockchain

Thứ hai, 25/09/2017, 12:57
Charles d'Haussy, người phụ trách về fintech tại InvestHK, một cơ quan phát triển kinh tế của chính phủ tại Hong Kong cho biết: "Blockchain là ưu tiên lớn của chúng tôi"

Ảnh: Coin Telegraph

Giữa những năm 1990, doanh nhân người Hong Kong Johnson Leung làm nghề kinh doanh vận tải biển. Đầu những năm 2000, ông chuyển sang lĩnh vực tài chính. Và bây giờ, Leung đang điều hành một công ty startup chuyên cải thiện cách đặt chỗ container thông qua công nghệ blockchain (chuỗi khối).

Nhiều người ở Hong Kong cũng có một niềm hy vọng đổi đời tương tự, giữa lúc thành phố chuyên về vận tải biển và ngân hàng này đang theo đuổi cuộc cách mạng blockchain nhằm tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới.

Những người hoài nghi nói rằng đó là một sự đánh cược đầy rủi ro vào một công nghệ chưa được chứng minh. Nhưng ngày càng có nhiều doanh nhân và nhà hoạch định chính sách tại Hong Kong cảm thấy thuyết phục rằng blockchain, vốn là hệ thống sổ cái trực tuyến đằng sau các loại tiền ảo như Bitcoin, sẽ định hình lại mọi thứ từ dịch vụ tài chính sang chuỗi cung ứng. Họ nói rằng Hong Kong có sẵn lợi thế là ít rào cản về luật lệ, cùng với chuyên môn về tài chính và hậu cần, sẽ trở thành một trung tâm của các startup blockchain.

Leung, người đồng sáng lập 300cubits.tech và từng là một nhà nghiên cứu tại JPMorgan Chase và Jefferies Group, cho biết: "Nó mới mẻ đến nỗi nó không có quốc gia nào có lợi thế hơn chúng tôi".

Chính phủ Hong Kong đang đầu tư nhiều nguồn lực vào công nghệ blockchain. Ngân hàng trung ương của Hong Kong (HKMA) đang phát triển đồng tiền số riêng của mình và đang thử nghiệm blockchain cho việc tài trợ thương mại, vay thế chấp và theo dõi séc điện tử. Cơ quan quản lý chứng khoán Hong Kong (SFC) đã gia nhập R3, một tổ chức toàn cầu chuyên phát triển công nghệ blockchain cho các giao dịch tài chính.

Một viện nghiên cứu của chính phủ Hong Kong cũng đang sử dụng một hệ thống dựa trên blockchain để theo dõi định giá bất động sản. Sở Giao dịch và Thanh toán bù trừ của Hong Kong (HKEC) thì dự định khởi động một nền tảng gọi vốn dựa trên blockchain cho các công ty startup và giới đầu tư trong năm tới.

Charles d'Haussy, người phụ trách về công nghệ tài chính (fintech) tại InvestHK, một cơ quan phát triển kinh tế của chính phủ Hong Kong, cho biết: "Blockchain là ưu tiên lớn của chúng tôi".

Các doanh nghiệp có liên quan đến công nghệ blockchain ở Hong Kong. Ảnh: Bloomberg

Điều đó không có nghĩa là Hong Kong là nơi mà người ta có thể tự do phát triển tiền ảo và blockchain. Trong tháng này, SFC đã kêu gọi các nhà đầu tư cảnh giác trước những gian lận từ việc chào bán tiền ảo lần đầu (ICO) và cảnh báo các công ty thực hiện ICO rằng họ có thể phải tuân theo luật chứng khoán địa phương.

Paul Chan, Vụ trưởng Tài chính của Hồng Kông, nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 11/9: "Chúng tôi phải cẩn thận với điều này bởi vì một mặt, chúng tôi khuyến khích đổi mới và thị trường tự do, nhưng mặt khác, chúng tôi phải bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ của mình".

Dù sao, Hong Kong cũng đang áp dụng cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn so với Trung Quốc. Chính quyền đại lục đã cấm ICO trong tháng này và kêu gọi ngừng hoạt động các sàn giao dịch tiền ảo trong nước.

Theo Aurelien Menant, giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền ảo Gatecoin tại Hong Kong, việc chính quyền đại lục tăng cường kiểm soát tiền ảo là một tín hiệu cho thấy Hong Kong sẽ trở thành trung tâm tiền ảo mới. Hong Kong có lợi thế là được điều hành theo nguyên lý "một quốc gia, hai chế độ" cùng với Trung Quốc, nghĩa là vẫn thuộc Trung Quốc nhưng lại có hệ thống luật pháp riêng. Chỉ mới tuần trước, một cuộc hội thảo về blockchain được tổ chức bởi sàn tiền ảo Bitkan của Trung Quốc đã chuyển địa điểm từ Bắc Kinh tới Hong Kong do lệnh cấm ICO.

Việc xây dựng một trung tâm blockchain bền vững ở Hong Kong sẽ không dễ dàng. Nhiều ứng dụng cho công nghệ này, bao gồm dự án của Leung về việc tạo token (phỉnh) kỹ thuật số cho ngành công nghiệp vận tải, vẫn còn nằm trên lý thuyết. Leung nói rằng token của ông có thể được sử dụng kết hợp với các hợp đồng thông minh (smart contract) để giảm nguy cơ vỡ nợ trên các hợp đồng vận tải biển.

Đồng thời, việc cạnh tranh thu hút các công ty blockchain tiềm năng nhất hứa hẹn cũng sẽ rất khốc liệt. Singapore, đối thủ lớn nhất trong khu vực của Hong Kong, đang đổ các nguồn lực vào ngành công nghiệp fintech địa phương, bên cạnh các trung tâm tài chính khác của châu Á như Dubai.

Hơn nữa, Hong Kong không có nhiều thành công trong việc phát triển ngành công nghệ. Trung tâm công nghệ Cyberport của thành phố đã bị chỉ trích là một dự án khu dân cư trá hình, trong khi nhiều nhân viên ngành tài chính tại đây không muốn rời bỏ công việc ổn định của mình để theo đuổi những dự án rủi ro hơn. Theo CBInsights, Hong Kong vẫn không có unicorn (start-up có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) nào cả.

Những người lạc quan nói rằng ngành công nghiệp blockchain sẽ cùng với ngành tài chính tăng cường vị thế của Hong Kong. Một số startup của Hong Kong là ví dụ tốt cho luận điểm này: BitMEX, một sàn giao dịch các dạng phái sinh của bitcoin; Bitspark, một nền tảng chuyển tiền; và Kenetic Capital, một công ty đầu tư blockchain.

Tuy Hong Kong không đưa ra con số thống kê về sự tăng trưởng của ngành công nghiệp blockchain tại đây, d'Haussy của InvestHK cho biết có khoảng từ 10 đến 20 công ty dự kiến ​​sẽ huy động vốn thông qua ICO ở thành phố này trong 6 tháng tới.

d'Haussy cho biết: "Hiện tại có khá nhiều sự thổi phồng, và một số doanh nghiệp thực hiện ICO chỉ để gọi vốn nhanh, nhưng chúng tôi đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp mới lẫn các doanh nghiệp hiện tại ở Hong Kong để đảm bảo rằng công nghệ và đổi mới vẫn là chìa khóa cho sự tăng trưởng của ngành tài chính".

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích