|
'Vành đai - Con đường' là dự án lớn tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm đường sắt, bến cảng, sân bay và đường xá |
Vấn đề lớn nhất mà sáng kiến “Vành đai - Con đường” đang phải đối mặt chính là dòng vốn. Cho dù dòng vốn không bị thắt chặt và có thể dễ "hồi hương" thì đó cũng vẫn là một thách thức lớn”, Justin Kwok Hung-chiu, Giám đốc điều hành của CK Asset Holdings, phát biểu tại hội nghị bất động sản MIPIM Asia hôm 28.11. Ngoài ra, ông Hung-chiu cũng cho rằng quá trình xác định danh tính của khách hàng nghiêm ngặt sẽ gây trở ngại không nhỏ cho các doanh nghiệp muốn đầu tư.
Được khởi xướng bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2013, “Vành đai - Con đường” là một dự án lớn tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm đường sắt, bến cảng, sân bay và đường xá giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, cũng như các khu vực khác của châu Á, Trung Đông và châu Âu nhằm thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế.
Sáng kiến này là trọng tâm của chính quyền Bắc Kinh và đã nhận được sự ủng hộ hàng trăm tỉ USD. Tính đến nay đã có hơn 70 quốc gia và các tổ chức quốc tế ký kết vào dự án. Tuy nhiên, mặc dù thực tế là rất nhiều bên đã khẳng định sự tham gia của họ, nhưng những người quen thuộc với vấn đề cho biết các bên đang gặp thách thức ở mức độ kinh doanh.
“Chúng tôi nhận thấy sự sụt giảm trong đầu tư ra nước ngoài dọc trong dự án "Vành đai - Con đường" trong sáu tháng cuối năm. Rất nhiều vấn đề liên quan đến vốn và việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn với hệ thống quản lý”, Adam Rush, Giám đốc cao cấp của Công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield, cho hay.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc trong thời gian qua cũng vướng phải một vài thất bại khi thực hiện “Con đường tơ lụa mới”. Cụ thể, một hợp đồng trị giá 2,5 tỉ USD để xây dựng đập thủy điện Budhihandaki ở Nepal và đập Diamer-Bhasha ở Pakistan trị giá 14 tỉ USD đã bị hủy bỏ vì các điều khoản liên quan đến vốn không được nhìn nhận công bằng bởi chính phủ các bên.
Theo Thanh Niên