Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo NHNN, hiện nay, trách nhiệm quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và các văn bản khác. Việc sản xuất, nhập khẩu vàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Đặc biệt, doanh nghiệp, cá nhân đang được nhập khẩu vàng qua cửa khẩu mà không cần kiểm soát chất lượng và chỉ nộp thuế theo quy định.
Các quy định hiện hành về hoạt động kinh doanh vàng gồm sản xuất; gia công; mua, bán vàng miếng… chưa đảm bảo tính minh bạch của các quy định của pháp luật. Do đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi lần này NHNN có điều chỉnh tới hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, trang sức, mỹ nghệ...
Theo NHNN, vàng miếng đang ngày càng giảm sức hấp dẫn với người dân. Ảnh minh họa: Tùng Tin. |
Đặc biệt, theo đánh giá của NHNN, vàng miếng đang ngày càng kém hấp dẫn và trong các quy định sửa đổi lần này có xu hướng "nới nỏng" hơn với hoạt động kinh doanh này.
Cụ thể, NHNN cho biết sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm, cung, cầu trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua, bán vàng miếng có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm hơn 50% so với năm 2013, quan hệ huy động – cho vay bằng vàng đã được chuyển sang mua, bán.
Từ 2014 đến nay đã không còn xảy ra tình trạng đổ xô đi mua vàng như trước, thị trường vàng đã không còn phụ thuộc vào tỷ giá, thị trường ngoại hối và không gây ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Trên thị trường, không còn sự hiện diện của các sàn giao dịch vàng và chấm dứt huy động, cho vay vàng đặc biệt là thị trường vàng miếng đã không còn những “cơn sốt vàng”.
Số liệu được NHNN đưa ra cho thấy trước đây có khoảng 12.000 doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh mua, bán vàng miếng, nhưng hiện nay đã giảm xuống còn 2.242 điểm trên toàn quốc.
Theo quy định hiện hành, Nghị định 24 quy định điều kiện cấp phép đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng, NHNN quy định thủ tục, hồ sơ cấp phép. Các TCTD, doanh nghiệp được phép kinh doanh chỉ được kinh doanh tại các địa điểm đính kèm Giấy phép. Việc điều chỉnh nội dung trên Giấy phép, thay đổi tên, địa chỉ và bổ sung địa điểm kinh doanh trên Giấy phép phải được NHNN chấp thuận.
Diễn biến giá vàng miếng SJC từ đầu năm đến nay. Nguồn: SJC. |
Theo nội dung dự thảo sửa đổi, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản.
Đơn vị nào muốn kinh doanh vàng miếng phải được NHNN cấp Giấy phép theo quy định thủ tục. Bên cạnh đó, ngoài trường hợp đơn vị tự nguyện dừng hoạt động kinh doanh vàng miếng, dự thảo cũng quy định trường hợp doanh nghiệp, TCTD bị yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh vàng miếng.
Theo đó, NHNN sẽ thu hồi Giấy phép nếu doanh nghiệp, TCTD bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi Giấy phép; được cấp Giấy phép nhưng 6 tháng liên tục không hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Thống kê biến động giá vàng miếng trong nước từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường vàng không có nhiều biến động, khi liên tục dao động quanh ngưỡng 36,5 triệu đồng/lượng.
Chỉ có giai đoạn 2 tháng đầu năm (trùng thời điểm Tết Nguyên đán 2017) có thời điểm giá vàng xuống dưới 35 triệu đồng/lượng rồi bất ngờ tăng lên đỉnh hơn 37,5 triệu đồng/lượng mua vào và 38 triệu đồng/lượng bán ra (cao nhất từ đầu năm 2017 đến nay). Tuy nhiên, kể từ tháng 4, giá vàng miếng trong nước đã duy trì giao dịch ổn định quanh ngưỡng 36-37 triệu đồng/lượng.
So với cuối năm trước, giá vàng trong nước hiện chỉ cao hơn khoảng 3%. So với giá vàng thế giới, hiện vàng trong nước cao hơn khoảng 1,3 triệu đồng/lượng.
Theo Zing