Ngân hàng yếu đi “cửa sau” xin tăng trưởng tín dụng?

Thứ năm, 16/02/2012, 16:38
Có ý kiến cho rằng, một số tiêu chí để phân nhóm nếu không mổ xẻ rõ ràng sẽ dễ xảy ra chuyện ngân hàng yếu đi “cửa sau” xin cấp tăng trưởng tín dụng.

 


ảnh internet


Năm 2012 Ngân hàng Nhà nước phân loại thành 4 nhóm ngân hàng để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong đó nhóm 4 (hoạt động kém) sẽ không được giao chỉ tiêu.    Có ý kiến cho rằng, một số tiêu chí để phân nhóm nếu không mổ xẻ rõ ràng sẽ dễ xảy ra chuyện ngân hàng yếu đi “cửa sau” xin cấp tăng trưởng tín dụng.  

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị 01-CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012. Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị đó là NHNN sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo quy mô, chất lượng ngân hàng.  

Trên cơ sở tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng, NHNN giao chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng,số dư mua trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành) và dư nợ cho vay bằng nguồn vốn ủy thác (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá), đối với 4 nhóm tổ chức tín dụng.

Theo đó, nhóm 1 tăng trưởng tối đa là 17%, nhóm 2 tăng trưởng tối đa 15%, nhóm 3 tăng trưởng tối đa là 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng.   Sau 6 tháng thực hiện, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng phù hợp với diễn biến tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng, đảm bảo đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ.  

Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được nhiều ngân hàng đề nghị trong năm 2011, trong đó không có sự cào bằng trong phân bổ chỉ tiêu trên. Nghĩa là NHNN sẽ xem xét chất lượng từng ngân hàng để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tiêu chí để phân loại nhóm các ngân hàng, NHNN dựa theo theo quy mô vốn, năng lực quản trị điều hành, chất lượng hoạt động, năng lực của người đứng đầu, có vi phạm các quy định trong quá trình hoạt động thời gian qua hay không…  

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, NHNN sẽ không công bố công khai danh sách các ngân hàng thuộc nhóm 4 mà sẽ gửi văn bản trực tiếp tới từng tổ chức tín dụng.   Đã có ý kiến cho rằng, việc không công khai danh sách cụ thể những ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ là hợp lý để tránh phản ứng tiêu cực của thị trường, ảnh hưởng tới toàn hệ thống tài chính. Tuy vậy, một số tiêu chí để phân nhóm nếu không mổ xẻ rõ ràng sẽ dễ để xảy ra chuyện ngân hàng yếu đi “cửa sau” xin cấp tăng trưởng tín dụng.  

Tình trạng "nuông chiều" các ngân hàng đã khiến quá nhiều các chuyên gia kinh tế lên tiếng, NHNN cần phải cương quyết thực hiện tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng. Đến thời điểm này, xảy ra chuyện nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng có nguy cơ đổ vỡ là do có sự dễ dãi trong việc thành lập nhiều ngân hàng. 

Theo lời của một Giám đốc ngân hàng, NHNN không chỉ đánh giá các ngân hàng, tổ chức tín dụng qua các báo cáo của chính ngân hàng đó mà cần phải có sự thanh kiểm tra thực tế tình hình. "Không nên quá chiều chuộng các ngân hàng yếu kém như trước nữa. Ngay như câu chuyện tăng vốn điều lệ, NHNN đã phải trì hoãn nhiều lần nhưng vẫn còn những ngân hàng không hoàn thành...", vị giám đốc này nói.  

TS Nguyễn Quang A đã từng đề nghị, những NHTM yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ cần phải xóa sổ, rút giấy phép hoạt động. Tất nhiên quá trình này phải hết sức thận trọng vì ngân hàng có ảnh hưởng lan tỏa rộng, sử dụng tiền gửi chủ yếu của người dân. Với những ngân hàng có nợ quá hạn, nợ xấu vượt quá giới hạn hoặc có các rủi ro khách thì NHNN cần có chế độ giám sát đặc biệt. 

Cương quyết giảm số lượng ngân hàng yếu kém

  Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Vũ Thị Hồng cho biết, Chỉ thị 01/CT-NHNN nêu rõ sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng đảm bảo hoạt động an toàn, đúng quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.  

NHNN cũng sẽ theo dõi chặt chẽ biến động thanh khoản của toàn hệ thống và của từng TCTD, phát hiện kịp thời các TCTD có khó khăn về thanh khoản để có các biện pháp kịp thời; tăng cường công tác giám sát về chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, cảnh báo sớm rủi ro hệ thống; giám sát chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích của từng TCTD.  

Bên cạnh đó, NHNN tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng theo hướng thiết lập cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra chủ động đảm bảo tất cả các TCTD hoạt động trong khuôn khổ pháp luật cho phép.  

Nói rõ về quan điểm của NHNN trong việc cương quyết thực hiện tái cấu trúc ngân hàng, phát biểu tại cuộc họp báo chiều ngày 14/2 vừa qua, bà Hồng nêu rõ, NHNN sẽ kết hợp giữa thanh tra, giám sát rủi ro, xử lý nghiêm đối với các vi phạm; triển khai từng bước lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo hướng hợp lý về quy mô, cơ cầu tài sản và nguồn vốn, giảm số lượng ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém theo phương châm thận trọng, đảm bảo sự ổn định của toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền hợp pháp.


Theo  VnMedia

Các tin cũ hơn