Khó khăn thanh khoản: Cái cớ có còn hợp lý

Thứ năm, 16/02/2012, 10:04
Kết quả thành công từ các cuộc đấu giá trái phiếu tại một số NHTM lớn đã cho thấy các NH này chẳng hề có dấu hiệu nào cạn tiền. "Khó khăn thanh khoản" chỉ là một bức bình phong, hay một cái cớ không còn hợp thời.


 

Kết quả thành công từ các cuộc đấu giá trái phiếu tại một số NHTM lớn đã cho thấy các NH này chẳng hề có dấu hiệu nào cạn tiền. "Khó khăn thanh khoản" chỉ là một bức bình phong, hay một cái cớ để các NH này chưa giảm lãi suất cho vay nhưng xem ra cái cớ đó không còn hợp thời và vấn đề đặt ra là có chăng các ngân hàng đang sử dụng nguồn tài chính vào việc khác.

Ai đang khó khăn?

Ông Bùi Kiến Thành - một chuyên gia kinh tế của Việt Nam, người đã nhiều lần trong quý 4 năm 2011 nêu ra các cơ sở và kiến nghị về giải pháp hạ lãi suất, mới đây đã lại một lần nữa phải nhắc lại đề nghị khẩn thiết này. Một cụm từ mang tính hình ảnh rất sống động mà ông phác ra: "Ruộng khô lúa cháy, sao không bơm nước vào?".

Lãi suất cho vay 20-30% như hiện nay đang là "vũ khí hủy diệt" đối với hàng loạt doanh nghiệp. Với vũ khí này khu vực sản xuất, nông nghiệp và xuất khẩu - thường đóng góp một tỷ trọng lớn cho GDP và nền kinh tế Việt Nam - đã và đang trở nên hoang hóa sau chuỗi thời gian duy trì mặt bằng lãi suất cho vay treo cao.

Những xác nhận đơn lẻ từ một số NHTM nhỏ đã cho thấy từ giữa năm 2011 đến nay, quả thực đã tồn tại tình trạng mà Thống đốc NHNN xem là "khó khăn thanh khoản".

Việc chưa thể hạ lãi suất do thiếu thanh khoản mà Thống đốc NHNN nêu ra có thể là lý do duy nhất hợp lý, xét theo hoàn cảnh và các điều kiện tài chính hiện nay. Tuy vậy, khi nêu ra lý do này, ông Nguyễn Văn Bình đã chỉ đề cập một cách chung nhất chứ chưa "minh bạch hóa" về thực trạng các NHTM khó khăn thanh khoản cụ thể như thế nào.

Bởi thế, dư luận cũng chỉ được "định hướng" và nhắc lại những gì mà thống đốc NHNN đã nói, chứ không thể biết rõ cái được gọi là "khó khăn thanh khoản" đã và đang rơi vào nhóm NH nào - số NH nhỏ cần được "tái cấu trúc", hay cả nhóm G12, thậm chí là nhóm G5?

Thanh khoản có thực sự khó khăn?

Trong loạt bài "Trần lãi suất 14%: Công cụ của "Trò chơi thanh khoản" và "Trò chơi thanh khoản: Lộ diện nhóm lợi ích NH?", chúng tôi đã phân tích về một trò chơi đã được thiết kế và tổ chức thực hiện một cách bài bản, tinh vi, với mục tiêu cuối cùng nhằm buộc những NHTM yếu ớt phải lệ thuộc vào "bầu sữa" tài chính của NHNN, và từ đây nếu không thoát ra được sẽ phải sáp nhập, hay nói cách khác là "tái cấu trúc". Trong kế hoạch này, trần lãi suất huy động 14% đóng vai trò quan yếu nhất.

Muốn thực hiện được kế hoạch sáp nhập 3 NHTM nhỏ ở bước đầu trong  tháng 10/2011 và từ 5-8 NHTM trong giai đoạn 2 vào nửa đầu năm 2012, NHNN phải có một nguồn lực tài chính mạnh.

Rõ ràng là với vai trò một cơ quan nắm giữ và điều phối nguồn lực vốn dồi dào, NHNN không thể thiếu tiền. Chẳng hạn, việc cơ quan này tái cấp vốn 70.000 tỷ đồng cho một số NHTM vào tháng 5/2011, và cho vay hỗ trợ 71.000 tỷ đồng cho các NHTM vào gần Tết 2012 để tạm thời giải quyết khó khăn thanh khoản, đã minh chứng cho việc thanh khoản không phải bao giờ, không phải đối với NHTM nào cũng là "vấn đề khó khăn".

Một khi trần lãi suất huy động 14% vẫn được duy trì, lãi suất cho vay không có lý do gì để giảm về đúng vùng 17-19%. Hơn nữa, với việc lãi suất huy động tái diễn tình trạng vượt trần tại khá nhiều NHTM từ tháng 11/2011 đến nay thì hiển nhiên lãi suất cho vay càng có cớ để duy trì mặt bằng trên 20% của nó.

Trong khi đó, một hiện trạng quá rõ ràng mà toàn bộ giới sản xuất kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đều nhận biết, là từ giữa năm 2011 - khi bắt đầu xuất hiện con số 49.000 DN lâm vào vòng phá sản và giải thể, cho đến nay tình hình hoạt động của các DN còn tệ hơn khá nhiều.

Hình ảnh "ruộng khô lúa cháy" mà chuyên gia Bùi Kiến Thành mô phỏng không phải là một sự ép buộc khiên cưỡng đối với thực trạng. Sau hai lần Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN có biện pháp giảm ngay lãi suất, cũng như lời cam kết trước toàn bộ các thành viên Quốc hội về "chỉ cần lạm phát giảm dưới 1% là có cơ sở để giảm ngay lãi suất" của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, những tưởng thời gian cuối năm 2011 các DN sản xuất đã có được một nguồn vốn trợ lực để tạm hồi sinh, có tiền trả lương và phần nào tái sản xuất cho vụ Tết.

Nhưng cái giả định chính đáng ấy đã hoàn toàn không xảy ra, bất chấp dư luận và công luận liên tiếp phản ánh về các khó khăn chống chất và tình trạng "chết lâm sàng" của nhiều DN. Trong khi đó, NHNN vẫn ưu tiên hỗ trợ vốn 71.000 tỷ đồng cho các NHTM của mình và vẫn ung dung mô tả kế hoạch tái cấu trúc NH trong tương lai.

Vai trò ngân hàng lớn

Vậy một khi NHNN không thiếu tiền, một bộ phận NHTM nhỏ thực sự thiếu tiền nhưng lại nằm trong diện chịu chi phối bởi "trò chơi thanh khoản".

Những xác nhận gần nhất của một số NHTM nhỏ đã cho thấy tình trạng tréo ngoe đến bĩ cực: NHTM lớn không cho NHTM nhỏ vay vì sợ bị rủi ro (?). Trong thời gian gần đây, hiện tượng lãi suất liên NH giảm nhẹ không có nghĩa là thanh khoản đã được giải quyết, mà do các NHTM nhỏ không thể vay được như nhu cầu của họ, bởi thế chẳng có lý do gì để lãi suất liên NH nâng lên.

Đây quả là một nghịch lý rất khó hiểu, nếu so sánh giai đoạn hiện nay với giai đoạn tháng 10 năm ngoái, khi NHNN còn đang thực hiện kế hoạch sáp nhập 3 NHTM Ficombank, TinNghiaBank, SCB. Khi đó, một tín hiệu "đánh lên lãi suất" của NHNN đã được khởi phát, khi cơ quan này nâng lãi suất liên ngân hàng lên mức 16%. Sau đó, tuân theo "hiệu lệnh" này, trong thị trường liên NH đã diễn ra một sự hỗn loạn khi lãi suất cho vay của NH lớn đối với NH nhỏ vọt lên đến 25%, thậm chí có thời điểm đến 30%.

Nhưng khác với tháng 10/2011 khi lãi suất liên NH cao vọt mà vẫn có dòng tiền dịch chuyển khá mạnh giữa NH lớn đến NH nhỏ, vào thời gian này sự dịch chuyển ấy lại yếu hơn khá nhiều. Tình trạng lắng đọng của dòng tiền hiện nay lại càng củng cố thêm cơ sở cho nghi vấn: NH nhỏ thiếu thanh khoản, nhưng tiền không đổ ồ ạt vào NH nhỏ, vậy tiền đi đâu?

Một hiện tượng đáng chú ý không kém là vào trước Tết, đã xuất hiện thông tin về khó khăn thanh khoản không chỉ rơi vào các NH nhỏ mà còn cả với một số NH lớn. Nếu các NHTM lớn đã đã thực sự cạn tiền - điều cực kỳ nguy hiểm đối với huyết mạch tài chính quốc gia, thì ngay bây giờ có giảm lãi suất cho vay xuống còn 14-15% cũng chẳng có kết quả gì, vì các DN sẽ không thể "tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ".

+Nhưng kết quả thành công từ các cuộc đấu giá trái phiếu trong thời gian từ trước Tết đến nay tại một số NHTM lớn đã cho thấy các NH này chẳng hề có dấu hiệu nào cạn tiền. Nói cách khác, "khó khăn thanh khoản" chỉ là một bức bình phong, hay một cái cớ để các NH này chưa giảm lãi suất cho vay, trong khi có thể âm thầm sử dụng nguồn tài chính của mình vào việc khác.

Theo VEF

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn