Chứng khoán: Ngủ đông với chỉ thị 01

Thứ tư, 15/02/2012, 08:22
Tinh thần của Chỉ thị 01 có vẻ là rất tốt nhưng nó thiên về sự kiểm soát chặt chẽ và ổn định cho hệ thống ngân hàng hàng. Còn đối với tín dụng, sẽ không có sự mở cửa nào đáng để nói cho chứng khoán.

 

Sau hai phiên cổ phiếu blue-chips đồng loạt giảm sàn, sáng 14/2 TTCK đã tăng trở lại trong sự nghi ngờ bull-trap. Khá nhiều người tin đợt phục hồi kéo dài từ giáp Tết Nguyên đán sẽ tiếp tục nhưng cũng có không ít nhà đầu tư tỏ ra thận trọng về khả năng thị trường sẽ gặp khó sau khi NHNN ra Chỉ thị 01 về việc kiểm soát hoạt động tín dụng năm 2012.

Nhưng nghi ngại

Sau hai phiên giảm mạnh ngày 10 và 13/2 khiến không ít nhà đầu tư vừa "vào hàng" trong đợt sóng kéo dài từ trước Tết Nguyên đán như ngồi trên lửa, TTCK đã hồi phục trở lại với việc chỉ số VN-Index lấy lại được mốc 400 điểm. Tâm lý chung trên các diễn đàn và một số sàn giao dịch tích cực lên trông thấy.

Đa số các nhà đầu tư tin tưởng đợt tăng điểm sẽ tiếp tục kéo dài với khả năng lãi suất có thể sớm được hạ xuống khi đó các doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn. Hơn nữa, một tín hiệu khá quan trọng là khối nhà đầu tư ngoại đang tích cực mua vào. Nó góp phần khiến hy vọng tăng điểm vững hơn.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, với phiên hồi phục sáng 14/2, thị trường sẽ bước vào một đợt tăng mới và nhiều người sẽ không kịp trở tay bởi họ bị tâm lý khi thị trường lên thì sợ không dám "đu", lúc xuống thì chờ đợi xuống nữa.

Theo những nhà đầu tư lạc quan này, thị trường giảm chỉ là điều chỉnh kỹ thuật. Tin tốt cứ dần dần được tung ra, giống như một loạt các cú huých VN30, lạm phát ổn định hơn, thanh khoản ngân hàng được cải thiện rất nhiều và gần nhất là những tín hiệu đầu tiên về giảm lãi suất", anh Chung - một nhà đầu tư ở Hà Nội nói.

Theo anh Chung, giá cổ phiếu đã ở mức rất thấp trong khi các yếu tố vĩ mô dần cải thiện nên thị trường không có lý do gì để giảm sâu.

Trong những ngày qua, TTCK còn được hâm nóng bởi một thông tin được làm mới lại là việc "Thủ tướng yêu cầu có giải pháp tín dụng hỗ trợ chứng khoán". Đây là một phần trong gói giải pháp mà UBCK đã đề xuất từ tháng 11 năm ngoái để phát triển TTCK trong năm 2012. Cụ thể, tín dụng nên được nới lỏng theo cách thức loại bỏ tín dụng chứng khoán khỏi tín dụng phi sản xuất.

Mặc dù không là mới nhưng sự lan tràn và phổ biến của thông tin này trên các diễn đàn đã tạo tâm lý tốt nhất định đối với thị trường.

Chứng khoán chưa có cơ hội

Ở chiều ngược lại, cũng có không ít nhà đầu tư tỏ ra thực sự lo ngại về khả năng TTCK sẽ rơi vào một đợt "ngủ đông" với giá giảm và thanh khoản thấp như trước Tết.

Lo ngại này bắt đầu bùng lên sau khi NHNN ban hành Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012. Trong đó, chính thức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm ngân hàng.

Cụ thể, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 cho 4 nhóm tổ chức tín dụng: Nhóm 1 tăng trưởng tối đa 17%, nhóm 2 tăng trưởng tối đa 15%, nhóm 3 tăng trưởng tối đa 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng.

Trước đó, NHNN thực hiện phân loại 4 nhóm tổ chức tín dụng, gồm nhóm 1 - hoạt động lành mạnh, nhóm 2 - hoạt động trung bình, nhóm 3 - hoạt động dưới trung bình và nhóm 4 - hoạt động yếu kém.

Cho đến thời điểm hiện tại, danh tính từng ngân hàng thuộc nhóm nào chưa được công bố. Do vậy, khả năng tính toán về thị phần và tăng trưởng tín dụng chung sẽ ở mức bao nhiều là không thể. Nhưng dù sao, có thể thấy với mức tăng tối đa là 17% và nhóm cuối 0% thì rõ ràng tốc độ tăng trưởng chung sẽ không thể ở mức cao được. Quyết định này thể hiện sự thận trọng và chủ trương kiềm chế lạm phát vẫn là cốt lõi.

Chỉ thị 01 cũng nêu rõ, kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng trong suốt năm 2012 tối đa là 16%. Trong đó, các lĩnh vực không khuyến khích bao gồm: cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán (loại trừ dư nợ cho vay đối với người lao động mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần); cho vay tiêu dùng; đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Như vậy, có thể thấy, Chỉ thị này đã rất rõ. Sẽ không có chuyện "cứu" TTCK theo cách bơm tiền trực tiếp vào thị trường. Mà trên thực tế, để phục hồi và phát triển TTCK cần phải có cả gói giải pháp và phải đi sâu vào gốc rễ của vấn đề. Đó là chất lượng hàng hóa, sự minh bạch của các doanh nghiệp, của các CTCK, các công cụ phái sinh và một số biện pháp kỹ thuật như T+2, T+0...

Lo thị trường lại ỉu

Số người cho rằng thị trường có thể gặp khó sau Chỉ thị 01 là không nhiều nhưng nó cũng đại diện cho một bộ phận những người đánh xuống hoặc thực sự thận trọng với một nền kinh tế chưa thoát ra khỏi khủng hoảng.

Các thành viên trên một diễn đàn chứng khoán tại Hà Nội đánh giá về Chỉ thị 01 cho biết. Hiện tại, ưu tiên của Chính phủ là lành mạnh hệ thống ngân hàng, muốn vậy phải đảm bảo thu hồi nợ xấu, không để phát sinh nợ xấu mới. Mà nợ xấu đa phần đều từ chứng khoán và bất động sản cả, còn nợ xấu cho vay sản xuất kinh doanh thì ngân hàng có thể cho vay lại để cơ cấu nợ.

Cho nên, có thể đợt sóng vừa rồi họ đồng loạt đánh lên để xả hàng giá tốt, trả nợ ngân hàng. Vì thế, thanh khoản thị trường sẽ ngày càng giảm, nếu ai có cơ hội thì nên bán và chờ đợi, còn ai chưa có hàng thì tạm thời đứng im.

Gần như toàn bộ các CTCK ngày 13/2 cũng đã đưa ra những nhận định khá bi quan về thị trường đại loại như: Việc giải ngân sẽ là khá rủi ro so với lợi nhuận kỳ vọng (BSC), Vẫn nên tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường (VNDirect), Nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn tiếp tục giữ tỷ trọng tiền mặt cao (SSI), Khả năng hồi phục mạnh của thị trường không được đánh giá cao (BVSC), Khả năng cao VN-Index sẽ dao động quanh ngưỡng 390 điểm (FPTS)...

Tinh thần của Chỉ thị 01 về bề ngoài có vẻ là rất tốt. Nó vẫn cho phép các ngân hàng tham gia hoạt động cho vay đối với các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, Chỉ thị này cũng cho thấy ý định kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tình hình tín dụng.

Riêng về lĩnh vực chứng khoán, NHNN cũng đã loại trừ dư nợ cho vay đối với người lao động mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần ra khỏi nhóm phi sản xuất.

Mặc dù vậy, về sâu xa, Chỉ thị này vẫn mang hơi hướng của một quyết định thận trọng. Cốt lõi vẫn là nhằm vực dậy hệ thống ngân hàng hơn là cứu các doanh nghiệp sản xuất hay chứng khoán nhiều hơn.

Việc cân đối giữa sự ổn định của hệ thống ngân hàng và sự phục hồi của các doanh nghiệp là rất khó khăn. Chính phủ cũng đã nhiều lần nhắc về vấn đề giảm lãi suất, vấn đề cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, vực dậy bất động sản, chứng khoán...

Nhưng xem ra, vấn đề của ngân hàng đang là nghiêm trọng hơn. "Cứu" doanh nghiệp, cứu bất động sản, chứng khoán... có thể phải từ từ. Hiện tại, quyết định mà được ráo riết triển khai nhất có lẽ là Chỉ thị 01 với nội dung chính là kiểm soát cho vay.


Theo  VEF

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích