Hiện Dragon Capital đang quản lý 5 quỹ là VEIL, VGF, VDF, VDeF, VPF và VRI. Trong đó 2 quỹ lớn nhất là VEIL, VGF chuyên về đầu tư cổ phiếu.
Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL)
Tính tới ngày 2/2, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ VEIL là 364,72 triệu USD, tương ứng với 2,17 USD/chứng chỉ quỹ.
Từ 1/1 đến 2/2, quỹ VEIL tăng 10,7%, thấp hơn mức tăng 14,8% của VN-Index (tính theo USD). Chỉ số VN Index tăng mạnh trong những ngày đầu của năm Rồng, với dòng tiền đổ vào những cổ phiếu vốn hóa lớn đẩy thị trường tăng đáng kể.
Những yếu tố dẫn dắt thị trường là nhà đầu tư nước ngoài mua vào, định giá hấp dẫn, kỳ vọng cải thiện vĩ mô. Đặc biệt, việc Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) giới thiệu chỉ số VN30 kích thích các nhà đầu tư địa phương, những người đang mong đợi rằng chỉ số mới sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ETFs.
Cổ phiếu Masan Group, mã MSN đã tăng 23,2% nhờ hiệu ứng VN30 và dự kiến kết quả kinh doanh tốt trong năm 2011, tuy nhiên cổ phiếu Vinamilk, mã VNM lại chỉ tăng 4,2%.
Lĩnh vực ngân hàng có kết quả kinh doanh khá trong bối cảnh các cải cách khu vực ngân hàng đang tiến triển tốt. ACB đã tăng được 14,8% và Olympus Pacific Minerals tăng vọt lên 41,1% khi sản xuất vàng cao hơn năm ngoái 29%, vượt quá mục tiêu năm 2011.
Lĩnh vực bất động sản dịch chuyển cùng chiều với VN-Index, tăng 11,2%. Thị trường chứng khoán có xu hướng đi lên nhưng xu hướng này chỉ bền vững khi các chỉ số vĩ mô tiếp tục được cải thiện.
Tăng trưởng của các quỹ Dragon Capital trong tháng 1
Vietnam Growth Fund Limited (VGF)
Tính tới ngày 2/2, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ VGF 190,82 triệu USD, tương ứng với 14,7 USD/chứng chỉ quỹ, tăng 11,78% trong tháng 1.
Đóng góp tốt nhất cho tăng trưởng của quỹ là cổ phiếu Olympus Pacific Minerals (OYM) có cổ phiếu ở Úc và Canada đã tăng tương ứng 50% và 30% trong kỳ báo cáo. Việc tăng giá đã được được dẫn dắt do sản xuất trong năm 2011 vượt dự báo trước đây của OYM.
Hai đóng góp tiếp theo là cổ phiếu MSN tăng 18,2% và giữ được sức mạnh trước sức bán kỹ thuật của các quỹ ETFs. Trong khi đó, VNM và cổ phiếu của Tập đoàn FPT (FPT) gần như không đổi, mặc dù cả hai đã công bố tăng trưởng lợi nhuận tốt trong bối cảnh lãi suất cao và hoàn cảnh thị trường khó khăn.
Quỹ Vietnam Debt Fund SPC (VDeF)
Quỹ chuyên đầu tư trái phiếu chia thành 2 quỹ nhỏ hơn là VDeF-A và VDeF-B.
Trong đó VDeF-A có tổng NAV (tính đến 31/1) là 13,74 triệu USD, tương ứng với 1,037 USD/chứng chỉ quỹ, tăng 1% so với tháng trước.
Đối với VDeF-B, tính đến 31/1, tổng NAV của quỹ đạt 20,55 triệu USD, tương ứng với 1,295 USD/chứng chỉ quỹ, tăng 1,4% so với tháng trước.
Giao dịch vẫn chậm trong tháng Giêng do thị trường tập trung vào Tết. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy tâm lý trên thị trường đang thay đổi. Sự đồng thuận ngày càng tăng rằng lạm phát đi xuống và điều này sẽ hỗ trợ cho Ngân hàng Nhà nước cơ hội giảm bớt việc kiểm soát tiền tệ chặt chẽ khi mà lãi suất cho vay của các doanh nghiệp vẫn còn giữ ở mức cao, khoảng 20%.
Quỹ Vietnam Dragon Fund Limited (VPF)
Tổng NAV của quỹ tính đến 31/1 là 64,93 triệu USD, tương đương 0,735 USD/chứng chỉ quỹ, tăng 0,68% so với tháng trước.
Danh mục đầu tư của quỹ bao gồm cổ phiếu OTC (2%), cổ phiếu niêm yết (15%), đầu tư vốn tư nhân (40%), tiền mặt và tiền gửi (38%)…
Theo DVT