Sau “phát súng” tăng giá đầu tiên của Vinamilk, theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay các sản phẩm sữa đều đồng loạt tăng giá bán. Theo đó, Dielac, Alpha, Mama... của Vinamilk đã được điều chỉnh tăng giá thêm 6% so với giá trước đây. Hãng Abbott thông báo tăng giá sản phẩm thêm 7,4%; sữa Enfa A+ thêm 9%; Cô gái Hà Lan, tăng thêm 5% với sữa nước và một số sản phẩm sữa đặc có đường...
Phải chăng các doanh nghiệp sữa đang "lách luật" để tăng giá? (Ảnh minh họa)
Nói về sự tăng giá ồ ạt của các sản phẩm sữa, các doanh nghiệp lên tiếng: Nguyên nhân của việc tăng giá chủ yếu do giá của các loại nguyên vật liệu tăng từ 8 đến trên 20%, xăng, dầu tăng 36%, điện tăng 5%, trượt giá khiến lương trả cho cán bộ công nhân viên tăng 11%. Bên cạnh đó, là tỷ giá ngoại tệ đã tăng khoảng 13%, trong khi nguyên liệu chủ yếu vẫn nhập khẩu. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD cũng tác động lớn đến giá thành sản phẩm, gây áp khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, theo Nghị định 170 của Chính phủ về quản lý giá sữa thì việc tăng giá sữa sữa là quyết định của các doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng chỉ có quyền yêu cầu hạ giá sữa nếu giá tăng vượt quá 20%,. Vì thế, việc tăng giá của các doanh nghiệp trong thời gian qua là không vi phạm các quy định về giá và hoàn toàn phù hợp với mức tăng giá của các nguyên vật liệu đầu vào. Nhưng người tiêu dùng đặt ra câu hỏi, nếu cộng đủ mức độ tăng giá trong 3 năm qua thì sao? Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho các cơ quan chức năng.
Theo những số liệu mà ông Đỗ Ngọc Chính, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng (Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) thì kể từ 2009, nhiều công ty kinh doanh sữa đã tăng giá thêm mỗi lần 5-7% cho các loại sản phẩm sữa của mình. Nhưng với tần suất dày đặc, (ước từ 14-17 lần tăng), cộng dồn vào đủ khiến cho giá sữa của Việt Nam hiện nay vào tốp những quốc gia có giá sữa cao nhất thế giới. Vậy phải chăng, các doanh nghiệp đang tìm cách “lách luật” bằng nhiều lần tăng giá vài phần trăm?
Liên quan đến câu hỏi này, ông Nguyễn Tiến Thỏa thừa nhận, có dấu hiệu cho thấy các hãng sữa đang tăng giá theo kiểu "lách” luật. Nghĩa là mỗi lần điều chỉnh họ chỉ tăng dưới 10% nhưng lại tăng giá nhiều lần trong một thời gian ngắn. Vì thế, trong thời gian tới, ngành tài chính sẽ có giám sát các lần tăng giá sữa của các doanh nghiệp. Nếu tiếp tục tăng giá (cộng dồn vượt quá 20%) ngành này sẽ có những kiến nghị điều chỉnh, thậm chí nếu cần thiết sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo Nguoiduatin