Thị trường bất động sản vẫn đói vốn

Thứ hai, 13/02/2012, 13:46
Trong năm 2011, một trong những lý do chính được giới kinh doanh bất động sản (BĐS) “đổ tội” cho tình trạng thị trường BĐS trầm lắng, ế ẩm là vốn. Và dường như tình trạng này đang tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2012. Điệp khúc khát vốn, đói vốn tiếp tục được giới kinh doanh BĐS nhắc tới.


 

Như đã biết, ngày 14/11/2011, Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 8844/NHNN-CSTT chỉ thị về việc cho vay tín dụng bất động sản. Văn bản nêu rõ, vốn vay để xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2012 thuộc diện được loại trừ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Petrotimes những ngày đầu năm 2012, thị trường BĐS vẫn trầm lắng và ế ẩm, các sàn giao dịch BĐS vẫn heo hút, thậm chí, một số sàn chưa mở cửa.

Theo anh Nguyễn Việt Phương – một nhà đầu tư BĐS lâu năm tại các dự án ở khu vực Cầu Giấy thì, việc NHNN ban hành chỉ thị nới lỏng tín dụng cho vay với 4 nhóm BĐS, nhiều chuyên gia cũng như các nhà đầu tư BĐS đã khấp khởi mừng thầm, kỳ vọng thị trường này sẽ khởi sắc. Thậm chí, ngay trong những ngày đầu năm, một loạt các tín hiệu lạc quan đã xuất hiện trên thị trường sau khi các cơ quan chức năng có những biện pháp can thiệp nhất định. Tuy nhiên, đến nay thị trường BĐS vẫn đóng băng. Hiện, thị trường BĐS vẫn rất khó đoán bởi còn phụ thuộc nhiều vào cách điều hành chính sách tiền tệ đối với tín dụng BĐS.

Anh Phương cho biết thêm, vừa rồi, anh được một người bạn cho một suất mua nhà chung cư giá gốc. Theo lý giải của người này thì căn hộ trên là do một Công ty BĐS “ưu tiên” bán cho giá gốc nhưng không “xoay” được tiền nên nhường lại. Tuy nhiên, vì hiện đang “ôm” trong người mấy căn hộ khác mà chưa tìm được người mua, vốn liếng cũng cạn nên anh Phương không dám nhận.

“Nếu là những tháng đầu năm 2011, chỉ đơn thuần là nhượng lại một suất mua nhà giá gốc như vậy thì cũng được vài ba trăm triệu nhưng năm nay thì chịu, chẳng biết ôm vào rồi thì đến bao giờ mới bán được”, anh Phương chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau Tết, nhiều chủ đầu tư tiếp tục hạ giá bán kèm theo chương trình khuyến mãi lớn nhưng vẫn vắng khách. Hiện mức giá chung cư tại các dự án có vị trí “đắc địa” cũng chỉ từ 18 – 20 triệu đồng/m2, nhưng vẫn “ế” hàng.

Và theo nhiều nhà đầu tư BĐS, sở dĩ có tình trạng này là do chính sách cởi trói dòng vốn cho thị trường BĐS chưa thông. Việc NHNN loại hai nhóm tín dụng gồm cho vay tiêu dùng (sửa chữa, mua nhà để ở trả nợ bằng lương) và nhóm thứ hai đầu tư kinh doanh BĐS (gồm xây nhà để bán cho người thu nhập thấp, cho công nhân khu công nghiệp, dự án hoàn thiện trước ngày 1/1/2012) ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất chỉ có giá trị tinh thần, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp BĐS trong hoàn cảnh quá khó khăn.

“Những giải pháp kể trên là tốt nhưng chưa đủ để giúp các DN BĐS thoát khỏi cảnh khó khăn như hiện nay, bởi 2 rào cản lớn nhất là vốn thì quá hiếm, còn mặt bằng lãi suất lại quá cao. Trong khi đó, người làm công ăn lương, có thu nhập ổn định nếu được vay tiền mua nhà, nhưng với mặt bằng lãi suất như hiện nay cũng khó mua được nhà”, anh Vũ Kỳ Anh – Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng TNP nhấn mạnh.

Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty BĐS Sohovietnam, ông Phan Xuân Cần nhận định, về cơ bản, thị trường BĐS năm 2012 chưa có dấu hiệu khởi sắc, bởi lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao.

Và để tháo gỡ tình trạng trên, ông Cần cho rằng, Chính phủ cần sớm có những quyết sách phù hợp nhằm giải cứu và từng bước phục hồi thị trường. Cụ thể, NHNN cần tiếp tục nới lỏng tín dụng cho các doanh nghiệp BĐS đầu tư dự án làm nhà ở cho thuê giá thấp hoặc bán cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; các DN làm ăn hiệu quả, nộp ngân sách đầy đủ; các dự đã hoàn thành đến 60% khối lượng. Bên cạnh đó, cần có lộ trình giảm lãi suất cho vay BĐS xuống để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển bền vững, tăng thanh khoản.

Và đây cũng là nhận định của ông Phan Thành Mai – Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam. Ông Mai cho rằng, nếu các chính sách của NHNN được điều tiết theo hướng nới lỏng linh hoạt và có chọn lọc cho thị trường BĐS, các kiến nghị của các bộ, ngành được Chính phủ phê duyệt, khả năng thị trường BĐS sẽ có dấu hiệu phục hồi vào khoảng quý III hoặc quý IV/2012.

Theo Petrotimes

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích