Tác giả vụ cược 5 triệu USD lại hiến kế cho hàng không VN

Thứ ba, 14/02/2012, 11:31
Tiến sĩ Trần Đình Bá - người từng thách cược 5 triệu USD với Cục Hàng không để chứng minh hiệu quả của “đường bay vàng” năm 2009, nay lại “hiến kế” hạch toán kinh doanh có lãi giúp hàng không Việt Nam thoát khỏi thua lỗ, tụt hậu.


 

Sau "đường bay vàng" là mô hình "siêu lợi nhuận"
 
Là Hội viên Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Bá (TS) cho biết ông đưa ra nghiên cứu “Dự án hạch toán kinh doanh có lãi cho hàng không quốc gia Việt Nam theo phương pháp Trần Đình Bá” là đang thực hiện lời kêu gọi của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc hiến kế giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tại buổi làm việc tại Bộ GTVT chiều 13/2, với vai trò là nhân vật chính, TS.Trần Đình Bá liệt kê ra hàng loạt những bài báo đã đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự "thua lỗ, tụt hậu và thụt lùi" của hàng không Việt Nam (HKVN) so với hàng không khu vực và thế giới. Ông cũng đặt vấn đề chất lượng HKVN thua xa Lào, Việt Nam có lịch sử phát triển hàng không và có những thành tựu đáng nhớ nhưng lại không phát huy được. Việc có tới 50 sân bay (với 9 sân bay quốc tế) nhưng hoạt động khai thác chỉ đạt 12 triệu hành khách/năm được ông coi là chưa xứng với tiềm năng, đồng thời tác giả của "vụ đánh cược 5 triệu USD" cũng đưa ra nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng HKVN chưa bao giờ có lãi nhưng chưa ai tìm ra nguyên nhân thua lỗ.

TS. Bá cho rằng với mạng đường bay vòng ở Việt Nam như hiện nay là trái với quy luật kinh tế hàng không, là nguyên nhân gây lỗ. Để có lãi thì phải tiết kiệm, giảm giá vé cho dân và thiết lập các đường bay thẳng.

Theo TS. Bá, “Dự án hạch toán kinh doanh có lãi cho hàng không quốc gia Việt Nam theo phương pháp Trần Đình Bá” sẽ mở ra một mô hình kinh doanh vận tải có lợi bằng biện pháp đổi mới đường bay, đánh đổi có lợi khi bỏ ra 5% chi phí để trả lệ phí cho Lào và Campuchia để lấy về 20% chi phí sản xuất mà hiệu quả hàng năm mang về là siêu lợi nhuận và nhiều lợi ích.

Chỉ cần đầu tư 3 triệu USD/lần, hàng năm Vietnam Airlines tiết kiệm được 65.000 tấn nhiên liệu, 12.000 giờ bay và hưởng lợi trên 120 triệu USD, còn 2 nước Lào và Campuchia sẽ được hưởng lợi 25 triệu USD.” - TS. Bá khẳng định.

TS. Bá cũng quả quyết rằng dự án này sẽ giúp Vietnam Airlines hiện đại hàng không, tăng cường quản lý không lưu, phục vụ an ninh quốc phòng, giảm khí thải bảo vệ môi trường, tăng được năng lực vận tải của toàn ngành hàng không lên 18-20 triệu hành khách/năm, góp phần giải quyết bài toán giao thông đường bộ để giảm thiểu 1% số vụ tai nạn giao thông hàng năm. Thực hiện dự án này, đến năm 2020, thị phần vận tải hàng không của ta có thể vượt Singapore và Philippines.

Chưa khả thi, khó xem xét

Ông Nguyễn Công Long - Ban Quản lý bay Cục Hàng không Việt Nam cho rằng đề án của TS. Bá đề nghị bay thẳng từ thành phố đến thành phố chứ không phải từ sân bay đến sân bay. Hiện một số nước phát triển trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan cũng không có đường bay thẳng từ sân bay đến sân bay vì có quá nhiều yếu tố phải tính tới. Ông Long cho biết Cục Hàng không đã giao cho các cơ quan chuyên môn tham mưu phối hợp với các doanh nghiệp nghiên cứu đề án để báo cáo Bộ GTVT.

Trong khi đó, đại diện của Vietnam Airlines cho biết mục tiêu của hãng hàng không quốc gia là kinh tế - xã hội và quốc phòng. Muốn khai thác được theo phương pháp Trần Đình Bá thì phải tính được hiệu quả, nhưng đề án hạch toán kinh doanh này lại chưa đủ thông tin để Vietnam Airlines đánh giá hiệu quả và hãng chỉ tuân thủ khi nhà chức trách hàng không có hoạch định khả thi.

Đại diện Quân chủng Phòng không không quân - Phó Tư lệnh Đỗ Minh Tuấn đánh giá cao đề xuất của TS. Trần Đình Bá, nhưng lưu ý về nguyên tắc khi xác lập đường bay phải có nhiều yếu tố kỹ thuật chứ không như 1 phép tính 1 + 1 = 2, không đơn thuần chỉ là yếu tố kinh tế.
“Thiết lập đường bay thẳng qua các nước và bay qua không phận của nước bạn thì việc đảm bảo điều hành không đơn giản chỉ là trả tiền hay thu phí mà còn liên quan rất lớn đến vấn đề an ninh quốc phòng và phải triển khai kiểm soát quân sự, tìm kiếm khi có sự cố… Vietnam Airlines không chỉ làm kinh tế mà hoạt động bay của hãng này còn có ý nghĩa về chính trị, xã hội. Chúng tôi đã có rất nhiều nghiên cứu để nắn lại các đường bay và thực tế đã rút ngắn được nhiều chứ không phải là chưa có kế sách nào. ” - Phó Tư lệnh Đỗ Minh Tuấn cho hay.
 
Là cơ quan quản lý bay, ông Nguyễn Đình Công - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam cho rằng mạng đường bay mà TS. Bá đề xuất có nhiều giao cắt và khi đó sẽ phải tính tới độ an toàn, phải tăng cường các phương tiện kỹ thuật và con người để đảm bảo an toàn.
 
Ông Công cũng nêu rõ các đường bay không thể xem xét đơn lẻ, nếu mở đường bay thẳng như đề xuất của TS. Bá thì phải có các đánh giá về độ ảnh hưởng với các nước trong khu vực và thế giới vì sẽ ảnh hưởng đến các đường bay từ xa. Ông Công hoan nghênh ý tưởng của TS. Bá nhưng để đề án này có tính khả thi thì phải nghiên cứu thêm.
 

“Đường bay vàng”

Tham gia ý kiến tại buổi làm việc về đề án của TS. Trần Đình Bá, Đại tá Hoàng Thế Quang - Trưởng phòng Quân chủng, Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng cho rằng các vấn đề mà đề án nêu lên như tổ chức vùng trời, quản lý và khai thác vùng trời đều đã được quan tâm từ khi có ngành hàng không ra đời và chuyến bay đầu tiên cất cánh.

Đại tá Hoàng Thế Quang cũng nhấn mạnh: đề án của TS. Bá có tên gọi mới nhưng xét về bản chất thì giống với “đường bay vàng” được cựu phi công Mai Trọng Tuấn đề xuất năm 2009. Đề xuất “đường bay vàng” của ông Mai Trọng Tuấn đã được Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT, ngành hàng không tổ chức nghiên cứu và có báo cáo đánh giá trình Thủ tướng. Sau đó, Thủ tướng đã ra văn bản chỉ đạo chấm dứt nghiên cứu đề xuất “đường bay vàng”.

“Trong đề xuất của mình, TS. Trần Đình Bá đưa ra một số công thức tính toán hình học, nhưng việc tính toán thực tế không đơn giản nói đến 2 điểm mà là bài toán tổng thể đánh giá nhiều cơ sở khoa học như vấn đề thương quyền, chủ quyền, an toàn bay, tổ chức không lưu… Vì vậy, để đề xuất này khả thi hơn thì cần phải chứng minh được cơ sở khoa học là gì và đánh giá công thức toán học của TS. Trần Đình Bá đưa ra” - Đại tá Quang cho biết.

Về phía Cục Hàng không Việt Nam, Phó Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho rằng đề án mà TS. Trần Đình Bá đưa ra về hạch toán kinh doanh có lãi cho HKVN chưa có cơ sở khoa học để phân tích và góp ý kiến, đề xuất này giống như đề xuất “đường bay vàng” của phi công Mai Trọng Tuấn mà Thủ tướng đã yêu cầu chấm dứt nghiên cứu. Ông Thanh cũng khẳng định khái niệm “bầu trời mở” không phải là việc các nước gom bầu trời lại với nhau để mở đường bay thẳng.

Được biết, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tối ưu hóa để tạo cơ sở cho các hãng hàng không hoạt động hiệu quả và an toàn. Hiện Việt Nam đang tham gia cùng Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) triển khai chương trình dẫn đường không phụ thuộc các đài trạm mặt đất dựa trên công nghệ vệ tinh lộ trình 2012-2020. Khi áp dụng chương trình này, các đường bay cũng sẽ giảm được cự ly giữa các điểm đi và đến.

Theo Dân trí

Các tin cũ hơn