Chứng khoán chờ dòng tiền mới. Ảnh: Lê Toàn. |
Các chính sách vừa ban hành vẫn chưa có gì cụ thể để hỗ trợ cho dòng tiền vào thị trường. Các công ty chứng khoán cho biết hiện tại tiền đang “chạy lòng vòng” từ kênh đầu tư này sang kênh đầu tư khác, còn dòng tiền mới đến tham gia thị trường thì chưa thấy.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN. Trong chỉ thị này, NHNN tiếp tục đưa việc đầu tư, kinh doanh chứng khoán vào danh mục phi sản xuất, tức tỷ trọng cho vay so với tổng dư nợ trong năm 2012 của các ngân hàng tối đa là 16%, không đổi so với năm 2011. Trong khi trước đó, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết là đã đề xuất với NHNN đưa chứng khoán ra khỏi danh mục phi sản xuất nhằm khơi thông dòng vốn vào chứng khoán.
Trước thông tin NHNN để nguyên mà không giảm bớt tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích, trong đó có chứng khoán, ông Bằng nói rằng đó đã là một quyết định tích cực trong thời điểm này, ít nhất cũng không rút bớt dòng tiền vào chứng khoán. Điều đó cho thấy động thái hỗ trợ thị trường bằng nguồn vốn ngân hàng trong thời gian tới xem như không thể nới rộng hơn.
Tuy vậy, một số công ty chứng khoán cho rằng, trong đợt tăng mạnh vừa qua ( hơn 1 tháng, VN-Index đã tăng gần 20%-PV) thì sự tham gia của dòng vốn vay từ ngân hàng là không nhiều, một phần do chứng khoán vẫn nằm trong đối tượng hạn chế cho vay của nhiều ngân hàng, một phần vì lãi suất cao, khoảng từ 22- 25%/năm nên nhà đầu tư không vay. Hiện tại hoạt động cho vay ký quỹ đã được nhiều công ty chứng khoán áp dụng nhưng không nhiều nhà đầu tư mặn mà. Dòng vốn vào chứng khoán trong các tháng gần đây chủ yếu đến từ vốn nhàn rỗi của nhà đầu tư. Vì vậy, chỉ thị mới của NHNN cơ bản sẽ không tác động nhiều đến dòng tiền vào chứng khoán.
Ông Nguyễn Hồng Nam, Phó giám đốc Công ty Chứng khoán SSI, cho biết hiện tại chỉ còn một số công ty chứng khoán lớn cho nhà đầu tư vay ký quỹ, tức dùng vốn của ngân hàng liên kết hoặc vốn của công ty cho vay, nhưng mức vay cũng hạn chế. Và tại SSI, tổng giá trị nhà đầu tư vay trong đợt tăng vừa qua không lớn. Trong khi đó, đa phần các công ty nhỏ rất ít cho vay vì bản thân công ty lỗ, tiền có được không đủ bù đắp chi phí nên không thể cho vay.
Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích Đầu tư Công ty Chứng khoán Kim Eng, cũng cho rằng dòng vốn vào thị trường hiện nay chủ yếu đến từ các kênh đầu tư khác, tức những người đầu cơ vàng, ngoại tệ khi thấy các kênh này không sinh lãi, trong khi chứng khoán liên tục tăng, giá cổ phiếu lại thấp thì đã quay về nộp tiền vào các tài khoản đã mở trước đó, khiến cho dòng tiền vào chứng khoán tăng lên. Nhưng ông Khánh cũng thấy những dòng tiền này khó ổn định, do hiện tại chưa có thông tin vĩ mô tích cực nào thực sự hỗ trợ cho chứng khoán.
Ông Nam cho biết, hiện không có nhà đầu tư nước ngoài lớn nào mở tài khoản mới tại SSI, dòng tiền đến từ nhóm này không có gì đột biến. Việc mua ròng chỉ là một hoạt động đầu tư thông thường của quỹ đầu tư. Con số giải ngân cũng chủ yếu của các quỹ đầu tư cũ, họ giải ngân vào thị trường nhiều hơn so với cuối năm ngoái, chỉ là do nhìn thấy giá cổ phiếu đã rất thấp, vì vậy có thể mua để nhận cổ tức hoặc sở hữu công ty với giá rẻ.
Theo tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, trường Đại học Kinh tế TPHCM, với giá trị giao dịch chỉ vài trăm tỉ đồng mỗi phiên, không tăng đột biến so với năm ngoái thì dòng tiền thực sự chưa vào thị trường nhiều. Với dòng vốn đầu tư nước ngoài, ông Chí cho rằng phải chờ các tín hiệu rõ ràng hơn từ tái cấu trúc 3 trụ cột là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, và tái cấu trúc hệ thống tài chính thì mới mong nhà đầu tư giải ngân vào chứng khoán. Việc này cần rất nhiều thời gian thực hiện, do đó khó kỳ vọng sớm có dòng tiền mới nào vào thị trường.
Trong đợt tăng vừa qua, theo ông Chí, đó là hiệu ứng của việc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM đưa ra chỉ số VN30. Việc này đã làm cho nhà đầu tư hy vọng vào sự tăng giá của các cổ phiếu trong rổ tính chỉ số này. Tuy vậy, đà tăng do yếu tố trên sẽ chấm dứt, khi vấn đề nội tại của nền kinh tế như lạm phát, lãi suất vẫn chưa được giải quyết và các công cụ hỗ trợ thị trường chứng khoán như rút ngắn thời gian thanh toán, nới rộng biên độ cho sàn TPHCM…chưa được triển khai. Thêm vào đó, nhà đầu tư hiện cũng chờ đợi các biện pháp đối với công ty chứng khoán để tiền của mình được bảo vệ, trước việc nhiều công ty chứng khoán dùng tiền của nhà đầu tư vào mục đích riêng.