Đó là nhận định của ông Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế tại hội thảo đánh giá kết quả hợp tác giữa Bộ Y tế, WHO, UNIDO về đẩy mạnh sản xuất dược phẩm tại Việt Nam” tổ chức sáng nay (14/2) tại Hà Nội.
Ông Truyền cho biết thêm, trong 2 thập kỷ qua, công nghiệp dược Việt Nam đã phát triển về lượng. Đến nay đã đủ cung cấp cho dân khoảng 50% nhu cầu. Tuy nhiên về mặt chất thì còn là thách thức lớn lao. Thứ nhất là về cơ cấu sản phẩm làm thế nào cho phù hợp với tình hình bệnh tật của nhân dân Việt Nam. Thứ hai là chất lượng thuốc phải được nâng cao và chấp nhận với cạnh tranh của nước ngoài. Và ngành dược Việt Nam cũng phải hướng đến là không phải chỉ cung cấp thuốc cho dân Việt Nam mà còn phải xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của thế giới.
"Chính vì vậy, trong thời gian tới cần phải tính tới việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp, từ đó thu hút FDI vào ngành dược phẩm. Có như vậy dược phẩm Việt Nam mới đạt được những tiêu chuẩn GMP của những thị trường khó tính cũng như chinh phục lòng tin của chính người tiêu dùng nội địa" - Ông Truyền nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu, trong vài năm gần đây, ngành công nghiệp Dược nước ta có sự phát triển khá mạnh. Điều này được thể hiện ở giá trị sản xuất thuốc trong nước liên tục tăng. Năm 2006, giá trị thuốc sản xuất trong nước đạt 475,4 triệu USD và năm 2007 tăng lên 600,6 triệu USD và năm 2008 đạt 693,7 triệu USD.
Theo Cục quản lý Dược Việt Nam, trong số 1.500 hoạt chất có trong các thuốc đã đăng ký, số hoạt chất sản xuất nội địa tăng từ 380 năm 1999 lên 773 hoạt chất năm 2006. Đến hết tháng 6/2008, có 8.167 số đăng ký tân dược là 6.422, chiếm 78,6%. Hiện nay, sản lượng thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ thuốc nội điạ và đang hướng ra xuất khẩu.
Xuất khẩu dược phẩm trong những năm gần đây cũng có nhiều khởi sắc, tổng giá trị xuất khẩu năm 2007 đạt 22,1 triệu USD, tăng 22,1% so với năm 2006 và năm 2008 đạt khoảng 39 triệu USD, tăng 76,4% so với năm 2007. Tuy nhiên, so với giá trị sản xuất thuốc trong nước, con số này còn quá khiên tốn. Xuất khẩu dược phẩm năm 2008 chỉ mới đạt tỷ trọng 5,6% so với tổng giá trị dược phẩm sản xuất trong nước. Thị trường xuất khẩu dược phẩm chủ yếu của Việt Nam trong những năm gần đây là châu Phi, Nga, một số nước láng giềng.
Vừa qua, chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản chính sách hướng dẫn phát triển ngành công nghiệp dược phẩm với tầm nhìn tới năm 2030 mà cụ thể là qui hoạch tổng thể API. Mục tiêu của qui hoạch là sản xuất trong nước đảm bảo đáp ứng 20% nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp bào chế thuốc năm 2015, 40% vào năm 2020 và 70% năm 2025; xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu, khai thác chế biến nguyên liệu, đầu tư phát triển ngành hóa dược.
Hoạt động sản xuất dược phẩm trong nước là một bộ phận của chương trình phát triển cơ bản của Việt Nam và được công bố chính thức trong các văn bản chính sách cấp cao như Luật Dược năm 2005 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011. Theo đó, tháng 11/2005, chính phủ thông qua bộ Y tế ký biên bản ghi nhớ với UNIDO và Tổ chức Y tế thế giới WHO nhằm hỗ trợ chính phủ về xây dựng chính sách sản xuất dược phẩm trong nước. Theo thỏa thuận này, hai tổ chức đã đề xuất đưa ra nghiên cứu đánh giá các chính sách tổng thể về tình hình sản xuất và chính sách phát triển ngành công nghiệp dược phẩm trong nước.
Theo DĐDN