|
Sức ép trước giờ G
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo một NH có quy mô nhỏ tại Hà Nội, nói ông đã biết được chủ trương chia 4 nhóm để áp “room” tín dụng của NHNN từ sớm, nhưng thông báo chính thức tới hôm qua vẫn chưa nhận được. Tuy nhiên, với thực tế năng lực của NH mình, ông phán đoán: "Có lẽ chúng tôi sẽ rơi vào nhóm 2 với mức tăng tín dụng 8% trong năm 2012. Nếu vậy, chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh so với mục tiêu ban đầu trên 10%”.
Trong khi đó, lãnh đạo một NH khác lại đang vô cùng lo lắng bởi sức ép quá lớn từ các cổ đông. Số là, NH của ông vừa thuyết phục được các cổ đông khó tính chấp thuận "bơm" tiền tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng. Nay bỗng nhiên kế hoạch kinh doanh bị đảo lộn theo chiều hướng xấu nên cổ đông liên tục “hỏi thăm”. “Căng thẳng nhất đối với chúng tôi là làm sao bảo toàn được đồng vốn và trả cổ tức ở mức cao nhất cho các cổ đông. Thế nhưng, NH vừa mới tăng vốn đã vấp phải rào cản hạn chế tín dụng, chắc chắn sẽ khó có thể đảm bảo được lợi tức như mong muốn của họ”, lãnh đạo này chia sẻ.
TS Cấn Văn Lực - cố vấn cao cấp NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) nhìn nhận, con số hạn mức tín dụng từ nhóm 1 đến nhóm 4 lần lượt là 17%, 15%, 8%, 0%, tương đối phù hợp với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ cung tiền, đảm bảo được mức bình quân tăng tín dụng 15 - 17% trong năm 2012. Tuy nhiên, khoảng cách này cho thấy, hiện nay năng lực và sức khỏe của các tổ chức tín dụng rất không đồng đều khi nhóm 1, 2 có mức tăng tín dụng gấp đôi nhóm 3. Ông Lực bình luận: “NHNN đặt ra khoảng cách này nhằm mục đích muốn các NH nhóm dưới phải nỗ lực cải thiện quản trị, kinh doanh để phấn đấu lên “chiếu trên”, tăng tính cạnh tranh cho hệ thống. Nhưng, cũng không loại trừ khả năng nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu, sáp nhập, mua bán các NH yếu kém đang nằm trong nhóm 4”.
"Dọn” hệ thống
Nhóm phân tích của một công ty chứng khoán cũng nhìn nhận, với việc không cho room tăng trưởng tín dụng và khống chế tỷ trọng tín dụng cho lĩnh vực không khuyến khích ở mức 16%, NHNN đang tiếp tục thể hiện quyết tâm “dọn dẹp” hệ thống NH. Động thái này sẽ càng đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc các NH yếu kém. Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng cho rằng, hiện tại NHNN vẫn chưa công bố rộng rãi các tiêu chí cụ thể để phân loại, xếp hạng, nên khó có thể xác định được danh tính các NH nhóm 4.
Về việc này, ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó thống đốc NHNN cho biết, để tránh rủi ro cho hệ thống nên NH không công bố danh tính từng NH. Về tiêu chí phân loại cơ bản theo “sức khỏe” như sau: nhóm 1 gồm những NH hoạt động tương đối an toàn, lành mạnh, được cơ quan thanh tra giám sát xem xét trên các tiêu chí: chất lượng tài sản “nợ”, tài sản “có”, quy mô vốn, năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, chất lượng nhân lực đứng đầu và tuân thủ tốt các quy định thì được tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa 17%. Cũng theo các tiêu chí trên, nhóm thứ 2 yếu hơn một chút thì được tăng trưởng 15%. Nhóm thứ 3 ở mức độ thấp hơn nữa, được tăng trưởng 8%. Còn nhóm thứ 4 thuộc diện phải cơ cấu lại, không được tăng trưởng tín dụng.
TS Lực ủng hộ việc không công bố danh tính do liên quan đến tâm lý, hành vi rút tiền của người dân, và nguy cơ đổ vỡ của hệ thống. Tuy nhiên, theo ông Lực, nên có những tiêu chí rõ ràng hơn đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch trong hệ thống. Với những tiêu chí của NHNN đã cơ bản phân loại được các NH, tuy nhiên, ông Lực cũng đề xuất, hiện nay thế giới sử dụng mô hình CAMEL gồm 5 tiêu chí: vốn (capital), chất lượng tài sản (asset quality), quản lý (Earnings)… để giám sát hệ thống, và xếp hạng các NH. Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Thị Hương - Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng cho rằng, cần bổ sung thêm tiêu chí về độ nhạy cảm và rủi ro thị trường. Bên cạnh đó là tính tuân thủ chính sách, trách nhiệm xã hội, số lần vi phạm của các NH. Bởi có như vậy, các tiêu chí mới rõ ràng và xác đáng hơn.
Theo Thanhnien