Tái cấu trúc chứng khoán: Khó từ việc nhỏ nhất

Thứ năm, 16/02/2012, 09:56
Còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần giải quyết trong quá trình tái cấu trúc TTCK nhưng ở thời điểm hiện tại ngay cả những giải pháp nhỏ và có thể triển khai dễ dàng thì các cơ quan chức năng dường như vẫn đang gặp khó.


 

Giải pháp nhỏ

Rậm rịch trong hơn 5 năm qua và rộ lên sau Tết Nhâm Thìn, giải pháp kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường đã được sở giao dịch chứng khoán trình lên với dự kiến sẽ áp dụng từ 20/2 tới.

Một giải pháp có thể nói là nhỏ trong quá trình tái cơ cấu TTCK nhưng xem ra đang gặp nhiều vướng mắc.

Thoạt đầu, đa số các nhà đầu tư cho rằng việc kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều sẽ được thực hiện đúng như dự kiến bởi thực sự giải pháp này không có vướng mắc về công nghệ.

Không khó như việc chuyển thời gian thanh toán về T+2 và cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới thị trường, tới các nhà đầu tư, trên thực tế giải pháp này không được mong đợi nhiều và nó được đánh giá chỉ giúp thị trường tăng thanh khoản một cách dần dần.

Dù vậy, thị trường liên tiếp đón những thông tin trái ngược nhau về việc có hay không giải pháp này.

Những thông tin ban đầu cho thấy, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã trình kế hoạch nói trên và đã được UBCKNN phê duyệt.

Mặc dù vậy, cũng ngay sau đó bà Phan Thị Tường Tâm, Tổng Giám đốc HOSE cho biết, hiện tại UBCK đã chấp thuận phương án này nhưng đó chưa phải là quyết định chính thức. Sở đang trình Bộ Tài Chính để có quyết định cuối cùng.

Trên các diễn đàn và nhận định của các CTCK, nổi lên một vấn đề là phương án này hiện không nhận được sự ủng hộ cũng như sự nhiệt tình từ chính các CTCK và một số nhà đầu tư.

Thậm chí, hiện tại hầu hết các CTCK không mặn mà với phương án bởi nó kéo thêm khá nhiều chi phí khi họ phải vận hành giao dịch thêm cả buổi chiều trong khi lượng khách mua bán chứng khoán vẫn ở mức thấp, gần như không đổi.

Trong giai đoạn mà hầu hết các công ty chứng khoán đều thua lỗ, thiếu tiền mặt trầm trọng và đang đối mặt với án tử (buộc phải tuân thủ các chỉ số an toàn từ 1/4) như hiện nay thì việc phản đối không có gì là khó hiểu.

Mục tiêu không thời hạn

Những biện pháp nhỏ như vậy và các yếu tố hỗ trợ cơ bản như công nghệ, hạ tầng... đều sẵn sàng mà triển khai có thể nói là còn khó thì với những vấn đề lớn hơn như rút ngắn thời gian thanh toán về T+2 và rồi T+0 như đa số các nước trên thế giới đang áp dụng, và việc xử lý các CTCK yếu kém, nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết, tăng cường sự minh bạch và trong sạch trên thị trường... xem ra còn khó khăn hơn nhiều.

Về giao dịch T+2, phương án được thị trường mong đợi từ nhiều năm qua này cũng đã được UBCK trình Bộ Tài chính và được chấp thuận cho triển khai về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của UBCK vẫn còn nhiều khúc mắc lớn về công nghệ, thiếu hụt chứng khoán trong thanh toán bù trừ đa phương và việc chưa có hệ thống đối tác bù trừ trung tâm.

Một vấn đề lớn khác là việc tái cấu trúc các CTCK. Nhiệm vụ mà người đứng đầu Bộ Tài chính đã giao cho UBCK thực hiện ngay trong quí 1 là tăng cường thanh tra các CTCK. Nhưng xem ra việc này dường như vẫn đang đợi mốc 1/4 - thời điểm  mà các đơn vị  này sẽ phải tuân theo một loạt các chỉ số an toàn theo quy định.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một TTCK nhỏ bé như Việt Nam thì con số hơn 100 CTCK là quá nhiều. Và điều đáng bàn là hầu hết các CTCK này hoạt động không hiệu quả. Trong năm 2011, có tới 63 CTCK thông báo thua lỗ. Đó là chưa kể tới những mảng tối có thể có trong hoạt động của các công ty này.

Việc thua lỗ của các công ty này là rõ ràng. Những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình hoạt động theo kiểu chụp giật của một số CTCK mà điển hình là hiện tượng trên thị trường xuất hiện tình trạng đội lái, làm giá. Rồi những hiện tượng như tư vấn tràn làn cho hàng loạt các doanh nghiệp lên sàn niêm yết, phát hành cổ phiếu vô tội vạ... trong những năm qua.

Việc xử lý các CTCK yếu kém là đương nhiên và cần thực hiện nhanh chóng. Mặc dù vậy, đó vẫn đang là mong muốn. Tất cả mọi việc làm phải có trình tự. Đây cũng là cơ hội để cho các CTCK có thời gian sửa chữa các sai sót, làm đẹp lại các bản báo cáo, số liệu của mình.

Những giải pháp như kéo giao dịch sang buổi chiều, hay T+2... đang thực sự làm khó cho một loạt các CTCK yếu kém khi mà họ đang phải gồng mình cắt giảm tối đa các chi phí như đóng cửa nhiều chi nhánh, bỏ nghiệp vụ môi giới...?

Phải chăng với tình trạng hiện nay, khi mà TTCK đang có dấu hiệu đuối sức sau một loạt những cú huých như VN30, sự quan tâm lớn của lãnh đạo các cấp, lãi suất có thể giảm... thì thị trường đang cần tiếp thêm sức mạnh bằng những quy định nới lỏng về tín dụng? Nếu thị trường hồi phục, tất cả sẽ lại tốt đẹp trở lại. Khi đó, dự báo 30-50% các CTCK sẽ bị "chảm" trong đợt này sẽ không thành sự thật.

 

Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích