|
Nhiều sản phẩm thực phẩm handmade chưa được kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm do... chưa có tiêu chuẩn |
Đặc biệt, nhiều sản phẩm được quảng cáo là handmade thực chất là hàng sản xuất bán công nghiệp, thuê nhân công bên ngoài về làm để kịp đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch dịp tết.
Handmade quy mô lớn
Khi chúng tôi liên hệ với tài khoản Facebook quảng cáo chả giò, chả ram sạch mừng Xuân Mậu Tuất 2018 để tìm hiểu về những sản phẩm này, chủ tài khoản khẳng định chắc nịch: "Đây là sản phẩm handmade do nhà em làm, anh yên tâm".
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về quy trình làm chả giò, vị này lại đặt câu hỏi "chi vậy anh?" rồi cáo bận và cúp máy.
Nổi tiếng với sản phẩm mứt chuối handmade, được tiêu thụ mạnh tại TP.HCM và nhiều địa phương, cơ sở làm sản phẩm này của ông U. (huyện Mang Thít, Vĩnh Long) tiêu thụ không dưới 2 tấn mứt mỗi mùa Tết, với giá cao hơn các sản phẩm cùng loại.
Tuy nhiên, thực tế cơ sở này có quy mô không kém một doanh nghiệp. Theo chị L. - nhân viên tại cơ sở này, để tiết kiệm nhân công và kịp tiến độ giao hàng cho khách, cơ sở phải dùng máy để xào chuối. "Nếu xào tay, 1 người mỗi ngày chỉ xào được tối đa 2 chảo chuối là hết sức. Còn dùng máy để xào có thể xào suốt ngày đêm, công suất gấp 4-5 lần xào thủ công" - chị L. nói.
Tương tự, anh L.N.B. (Q.3, TP.HCM) - chủ một cơ sở sản xuất (đặt tại Bến Tre) và bán các loại thực phẩm handmade (mứt dừa, gừng, thơm, lạp xưởng...) - thừa nhận phải dùng nhiều loại máy để thực hiện một số công đoạn. Chẳng hạn để sản xuất lạp xưởng, cơ sở này phải dùng máy để xay thịt trước khi đổ ra thau trộn các loại nguyên liệu khác rồi bọc lại bằng ruột heo.
Chị Bùi Thị Thanh Tuyền (Q.10, TP.HCM) - một "tín đồ" của thực phẩm handmade, người vừa đặt 15kg giò thủ trứng muối, 15kg lạp xưởng và 15kg mứt dừa để tặng khách hàng với giá cao hơn 10-20% so với sản phẩm sản xuất công nghiệp - thừa nhận đã mua sản phẩm theo sự giới thiệu của bạn chứ không biết việc người ta làm thế nào, nguồn gốc ra sao.
Tin nhau là chính?
Chị Hương (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết khi thấy chủ một tài khoản Facebook vốn là người quen giới thiệu mứt Tết handmade, chị liền đặt mua 4kg mứt dừa và mứt bí. Tuy nhiên, khi nhận hàng và sử dụng sản phẩm, chị Hương nhận thấy chất lượng không đồng đều, vị mứt không như sản phẩm chị đã từng dùng mà vị ngọt giống như sử dụng... đường hóa học.
Dù là hàng được giới thiệu không sử dụng chất bảo quản, không cần bảo quản nhưng mới chỉ hơn một tuần, một số mứt đã bị chảy nước. Anh Văn - một trong những "nạn nhân" của thực phẩm handmade - thừa nhận do "tin nhau là chính", nghe người thân quen tự giới thiệu sản phẩm nhưng sau khi bị "Tào Tháo rượt" nên anh Văn không còn tin vào hàng handmade nếu chưa tìm hiểu kỹ.
Nhiều năm kinh doanh sản phẩm thịt trâu và thịt heo gác bếp - đặc sản vùng Tây Bắc, chị Thanh Mai (Điện Biên) cho biết dù lượng khách đặt hàng cho Tết năm nay nhiều hơn mọi năm nhưng chị phải từ chối.
"Tôi chỉ nhận theo đơn đặt hàng của những người thân thiết, làm theo từng mẻ chứ không sản xuất hàng loạt rồi bỏ tủ đá để bán dần" - chị Mai nói. Tuy nhiên, theo chị Mai, nhiều địa chỉ giới thiệu là hàng tự làm với "số lượng có hạn" nhưng thực tế có không ít nhà cung cấp nhập hàng từ các địa chỉ sản xuất hàng loạt để bán cho khách hàng.
Chưa có tiêu chuẩn quản lý Theo ông Lê Văn Giang - phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), quy định hiện nay chỉ xây dựng tiêu chuẩn cho những sản phẩm có tính ổn định về đặc tính kỹ thuật. Với các sản phẩm tự làm, truyền thống như bánh cuốn, bánh đa, bánh chưng, thịt chế biến... vẫn chưa có tiêu chuẩn. Việc quản lý nhóm đối tượng sản xuất các mặt hàng này chủ yếu bằng yêu cầu về sự an toàn, đáp ứng đủ điều kiện vệ sinh, người làm phải có kiến thức về thực phẩm. "Nguyên tắc quản lý an toàn là quản lý theo quá trình sản xuất, chứ khó có tiêu chuẩn cuối cùng. Đã sản xuất phải đảm bảo từ nguyên liệu đến quá trình chế biến. Giao trách nhiệm này cho người sản xuất, chứ cơ quan quản lý không thể đi canh chừng được tất cả" - ông Giang nói. |
Theo TTO