“Cháy” người giao hàng và nhân viên bán hàng cận Tết

Thứ tư, 14/02/2018, 14:03
Cận Tết, shipper – người giao hàng trở nên khan hiếm, giá đi giao hàng mỗi chuyến tăng gấp 2 - 3 lần, nhưng người thuê vẫn không dễ tìm được shipper tin tưởng. Nhân viên bán hàng lần lượt lấy lý do về quê sớm. Chủ hàng phải tự làm nhân viên kiêm shipper.

Dịch vụ giao hàng tăng gấp 2-3 lần ngày thường

Việc tìm một vài shipper tin tưởng để đi giao hàng và thu tiền là một việc được chủ các cửa hàng lựa chọn khá kỹ càng. Trải qua thời gian chủ hàng và shipper phải quen biết, làm việc với nhau gắn bó mới đủ độ tin tưởng để giao hàng hóa và trọng trách nhận tiền từ khách.

Chị Kim Thoa, chủ đại lý hàng khô cho biết: “Shipper ngày thường thì nhiều lắm, nhà mình tuyển được 3 bạn tin tưởng, xốc vác nhưng hôm nay cận Tết, các em ấy đã về quê từ ngày 25 – 26 Tết. Mặc dù tiền công trả cho các em gấp đôi những ngày bình thường, tuy thế Tết, các em nó háo hức về quê với gia đình, sợ không có xe về vùng cao, vùng sâu nên mấy hôm nay vợ chồng mình chính là shipper”.

Một lượng shipper không nhỏ là những bạn sinh viên, nhưng thời điểm sau ngày 23 Tết, shipper là sinh viên đã về hết quê nên thị trường càng trở nên khan hiếm người chở hàng. Nghề vận chuyển hàng hóa trong những ngày cận Tết là một nghề cao giá. Shipper sẵn sàng từ chối đơn hàng của khách khi giá chưa cao tới gấp 2-3 lần hoặc đơn hàng ở quá xa, vào cung đường tắc, hoặc hàng hóa cồng kềnh, khó vận chuyển…


“Khách gọi đi giao hàng liên tục, nhưng không phải đơn nào em cũng nhận lời, vì đường ngày Tết tắc nghẽn. Hàng gọn nhẹ, không cồng kềnh, giá trả cao gấp 2,5- 3 lần ngày thường đi khoảng 10km mới bõ công, chứ không nhận được một đơn là bị tắc đường đến cả buổi, chi phí xăng xe, thuốc nước thì chẳng còn bao nhiêu…” – Anh Phạm Hưng, một shipper chuyên nghiệp cho biết.

Một số trung tâm cung cấp shipper qua mạng cho biết, họ bắt đầu nghỉ nhận khách từ ngày 28 Tết nên thị trường shipper ngày càng trở nên “nóng” vì khách hàng muốn gọi shipper theo dịch vụ online cũng không còn hữu dụng nữa.

Nhiều khách hàng tỏ ra không hài lòng về cách vận chuyển của những shipper đi xe máy. Hàng hóa, nhất là những chậu lan, cây quất, cây đào giá triệu bạc khi thuê shipper vận chuyển được về tới nhà thì xảy ra cảnh cành gẫy, chậu vỡ…


Anh Thái Tuấn thất vọng: “Mình mua được 2 chậu lan, thỏa thuận xong tiền ship tới nửa triệu bạc mà có 12km. Chủ cửa hàng nói: yên tâm, shipper chuẩn. Shipper mang xe máy ra giới thiệu có giá để chậu lan cẩn thận mà khi về tới nhà thì cành lan bị gãy, chậu bị va chạm nên sứt mẻ. Gọi điện đến chủ cửa hàng, chủ buông với mình một câu rất nhanh: vận chuyển ngày Tết nên không tránh được…”

Một số khách chọn giải pháp thông minh hơn khi dùng shipper là xe ba gác để vận chuyển hoa cảnh, lọ lục bình, đồ thủy tinh... Tuy nhiên, loại hình shipper này có giá cao gấp 1,5 - 2 lần vận chuyển bằng xe máy.

“Diễn viên đóng thế” bán hàng không lương

Những nhân viên được đào tạo bán hàng chuyên nghiệp viện lý do quê xa, cha mẹ già yếu, con nhỏ…xin về quê sớm. Chủ hàng huấn luyện nhanh con cái, anh em họ hàng làm nhân viên bán hàng ngày cận Tết.

“Lượng khách còn đang quay chóng cả mặt mà mấy nhân viên nhà chị nghỉ về quê hết. Lương trả, thưởng giữ lại nhằm giữ chân nhân viên mà khổ cũng không giữ nổi. Cực chẳng đã, mình lôi hết cả chồng con nhà mình ra, huấn luyện nhanh cách tìm cỡ, màu, lấy đồ, đóng khóa, tư vấn cho khách. Hàng bây giờ xả sâu giá nên khách đến nườm nượp, người làm thì không có. Mình làm việc với tốc độ bằng 300-400% ngày thường. Chồng con cũng quay cuồng với hàng hóa nhưng có điều không phải trả lương cho mấy nhân viên này…” – Chị Minh Thư, chủ cửa hàng thời trang chia sẻ.

Tìm nhân viên ngày cận Tết này là một việc làm trong vô vọng. Các chủ cửa hàng chỉ còn cách tự thân vận động. Linh hoạt trong bán hàng, giao tiếp để khách hài lòng và sẵn sàng móc hầu bao trả tiền khi không được phục vụ một cách chuyên nghiệp.

Cháu Linh Nga, bán đồ trang trí cho cây cảnh cười nói: “Mẹ cháu dặn cháu giá rồi, nhưng nhiều mặt hàng cháu vẫn chưa nhớ hết giá nên toàn phải nhìn vào tờ giấy. Có cô khách chọn nhiều đồ lắm, rồi cô ấy tự nhìn vào tờ giấy, cộng nhanh hơn cháu rất nhiều, mua hàng trả tiền cháu và còn cho cháu thêm 10.000 đồng tiền thừa nữa”.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích