|
Mặc dù là nước xuất khẩu nhiều hải sản nhưng Việt Nam cũng bắt đầu phải nhập hải sản từ nước ngoài. Ảnh: VTV |
Trong văn bản mới đây gửi các bộ ngành có liên quan, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với phía EU và các cơ quan liên quan để xử lý sự vụ trên. Đồng thời nghiên cứu xây dựng, cơ chế, quy trình phối hợp xử lý thong tin cũng như triển khai các biện pháp ngăn chặn giải quyết hàng hải khai thác bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định từ nước ngoài vào Việt Nam dưới mọi hình thức…
Trước đó, theo báo cáo từ phía Bộ NN&PTNT, hồi cuối tháng 10/2017, đại diện từ phía EU có thư điện tử gửi tới Việt Nam thông báo về một chiếc tàu treo cờ Honduras rời Malaysia hồi tháng 9/2017 và đã cập cảng Hải Phòng.
Phía EU tỏ ý quan ngại việc Việt Nam vẫn cho một con tàu chở hải sản vi phạm cam kết chống khai thác IUU và đã đề nghị Việt Nam cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động của tàu này tại Hải Phòng và các điểm tiếp theo.
"Chiếc tàu này được cho là có chở hàng hải sản vi phạm cam kết chống khai thác IUU. Đây là lô hàng vào Việt Nam theo hình thức tạm nhập tái xuất", thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết.
Tuy nhiên, về phía Việt Nam, theo Bộ NN&PTNT, quy trình xử lý sự việc như trên chưa rõ ràng vì hiện Việt Nam chưa tham gia, ký kết và phê chuẩn Hiệp định quốc gia có cảng của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc năm 2009. Hiện cũng chưa có quy định hàng thủy sản tạm nhập tái xuất khi được nhập cảng Việt Nam thì cơ quan Hải quan phải thông báo cho bộ này biết. Trong khi đó, thời gian tàu vào cảng để lên, xuống hàng và rời khỏi cảng rất nhanh.
Theo Bộ NN&PTNT các quy định về hàng hoá tạm nhập tái xuất hiện là một vấn đề gây khó khăn trong công tác quản lý và cần sự phối hợp từ tất các bộ ngành liên quan gồm Tài chính, Giao Thông, Quốc Phòng và Công An…
"Tới đây, Việt Nam cũng cần xem xét rà soát và sửa đổi các quy định về tạm nhập tài xuất nguyên liệu thuỷ sản từ nước ngoài vào Việt Nam theo hướng tạm nhập vào Việt Nam là chính ngạch thì xuất khỏi Việt Nam cũng phải theo đường chính ngạch…", NN&PTNT nêu ý kiến.
Được biết, Bộ NN&PTNT đã 2 lần tiếp nhận và xử lý trường hợp tàu hàng nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản có vi phạm theo thông báo của cơ quan thẩm quyền nước ngoài.
Theo Dân Trí