Từ những khuyến mãi “làm quen” như chuyến đi đồng giá 1.000 đồng cho khách hàng và tiền thưởng tài xế lên đến vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, ứng dụng gọi xe công nghệ Go-Viet bắt đầu siết dần các chính sách.
Mới đây, hãng này lại tiếp tục thay đổi chương trình giá và mức thưởng cho đối tác. Dù chỉ sau 2 ngày áp dụng, nhiều tài xế của Go-Viet ở cả TP.HCM, Hà Nội đã phản ứng vì cho rằng hãng đang cắt giảm mạnh tiền thưởng và không hỗ trợ cuốc tối thiểu trong một số khung giờ.
“Trước đây, mức thưởng cao nhất của Go-Viet là 300.000 đồng/ngày nếu tài xế đạt mốc 28 điểm. Đây là số tiền khích lệ rất lớn với chúng tôi nên ai cũng ráng chạy để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, sau một thời gian, hiện hãng giảm xuống chỉ còn 180.000 đồng”, ông L.Lê (đối tác Go-Viet tại TP.HCM) nói.
Tài xế cho biết chính sách mới nhất này được Go-Viet bắt đầu áp dụng từ ngày 3/10. Trong khi các khuyến mãi cho khách hàng không thay đổi, tức duy trì 10.000 đồng/chuyến xe có cự ly dưới 8 km, thì chính sách thưởng cho tài xế lại tiếp tục tuột dốc.
Các tài xế Go-Viet bắt đầu ca thán về chương trình thưởng liên tục giảm của hãng. |
Sau khi hoàn thành mỗi chuyến đi, các tài xế sẽ tích lũy được 1 điểm, nếu nhận khách vào giờ cao điểm, con số này tăng lên gấp 2, riêng dịch vụ giao hàng là 1,5 điểm. Khi đạt các mốc 10-18-28, tài xế sẽ nhận được số tiền tương ứng là 30.000-90.000-180.000 đồng.
Trước thời gian áp dụng chính sách mới, cũng cùng các mốc trên, tài xế sẽ được hãng thưởng thêm 50.000-120.000-220.000 đồng. Như vậy, số tiền tài xế Go-Viet nhận được nhận thêm hàng ngày có phần giảm đi.
Gia nhập ứng dụng gọi xe Indonesia từ những ngày đầu tiên hãng có mặt tại TP.HCM, ông Lai nắm khá các lần thay đổi chính sách vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến ông và các tài xế khác.
Đối tác này cho hay đây là mức tiền thưởng thấp nhất thời gian qua và ông có phần buồn bã khi không biết thời gian tới, hãng có tiếp tục cắt giảm nữa hay không.
Chương trình thưởng của Go-Viet áp dụng từ ngày 19/9 (trái) và mới nhất, ngày 3/10 (phải), dù không thay đổi mốc điểm tích lũy nhưng tiền thưởng của tài xế dần giảm đi. |
Tương tự TP.HCM, Go-Viet cũng thay đổi chính sách giá và tiền thưởng với các tài xế tại thị trường mới của hãng là Hà Nội nhưng có phần "dễ thở" hơn. Cụ thể, với các mốc điểm 10-16-24, tài xế sẽ nhận được 50.000-110.000-200.000 đồng. Trước đó, hãng này áp dụng thưởng 80.000-140.000-200.000 cho các mức trên, tức giảm 30.000 đồng cho hai mức dễ đạt được nhất.
Các đối tác tại thủ đô cho hay để thu hút họ làm việc cho hãng vào giờ cao điểm mà không chạy sang Grab, Go-Viet đã bắt đầu hỗ trợ tối thiểu 30.000 đồng/chuyến xe cho các tài xế (tăng 5.000 đồng/chuyến).
Tuy nhiên, điều khiến họ bức xúc là hãng không còn áp dụng đảm bảo thu nhập tối thiểu vào giờ thấp điểm. Go-Viet quy định mỗi chuyến đi khách hàng trả 10.000 đồng, hãng sẽ hỗ trợ phần còn lại tương ứng quãng đường tài xế đã chạy.
Trước đây, chương trình đảm bảo thu nhập của tài xế là 25.000 chuyến đi, thậm chí, trong ngày đầu ra mắt tại Hà Nội, hãng "hét giá" lên đến 45.000 đồng/cuốc, không phân biệt cự ly. Vì vậy, thời điểm đó, các đối tác của hãng rất thích chạy cuốc ngắn.
Theo tìm hiểu, chính sách giảm dần tiền thưởng và hạn chế hỗ trợ thu nhập tối thiểu mỗi chuyến đi của Go-Viet tại Hà Nội tương tự cách mà hãng áp dụng tại TP.HCM.
Chỉ sau 2 ngày áp dụng chính sách giá và thưởng mới, trên các hội nhóm, nhiều tài xế của ứng dụng được đánh giá là đối thủ hiện nay của Grab đã bắt đầu kêu ca.
Tại Hà Nội, nơi Go-Viet mới tấn công cách đây khoảng một tháng và từng được kỳ vọng hoạt động hiệu quả như TP.HCM, nhưng theo các tài xế, hãng chỉ thu hút được khách hàng thời gian đầu với chương trình đồng giá 1.000 đồng/chuyến đi.
“Từ khi giá được nâng lên 10.000 đồng, số người chọn Go-Viet có phần giảm, vì vậy, tài xế chúng tôi cũng nhận được ít cuốc hơn. Không còn chạy nhiều như trước trong khi chương trình thưởng lại giảm tiền, tài xế phải vật vã lắm mới đạt được các mốc này”, anh T.Minh (đối tác Go-Viet tại Hà Nội) than.
Tương tự, tại TP.HCM, nơi Go-Viet cho rằng đã chiếm được 35% thị phần mảng xe ôm công nghệ chỉ sau một tháng chính thức thử nghiệm, hiện các tài xế ở đây cũng bắt đầu lo lắng về những chính sách ưu đãi của hãng.
“Thành phố đang vào mùa mưa, ngập nước và tắc đường thường xuyên nên di chuyển rất khó khăn, chi phí sửa chữa xe không ít nên giảm thưởng cũng khiến anh em tài xế khá hoang mang. Dĩ nhiên, chúng tôi đang bị giảm dần thu nhập”, tài xế B.Quốc thở dài.
Trong khi đó, nhiều tài xế lại tỏ ra rất bình thường trước những lần thay đổi chính sách của Go-Viet. Đa số họ cho rằng việc giảm thưởng là việc bình thường của các ứng dụng gọi xe công nghệ, sau thời gian hãng “làm quen” và thu hút khách hàng, tài xế.
Tài xế K.Quy, đối tác Go-Viet được 2 tháng nay, thẳng thắn thừa nhận hiện thu nhập của anh có phần thấp hơn lúc mới đầu quân cho hãng. Tuy nhiên, anh cho rằng đây là mức thu nhập chấp nhận được, trung bình 500.000 đồng/ngày.
“Lúc mới đăng ký, tôi và các tài xế khác được miễn phí đồng phục, rồi một số chương trình thưởng khác ,hãng chưa áp dụng chiết khấu với tài xế nên xem ra cũng còn khá hời. Với các chương trình hiện tại, tôi không nghĩ Go-Viet siết quá mạnh tay”, anh Quy nói.
Nhiều tài xế Go-Viet lại cho rằng, việc giảm thưởng là chuyện bình thường, trước đây Uber và Grab cũng từng như vậy khi giành thị phần. |
Đồng thời, tài xế này cũng cho biết thêm sau một thời gian, số đối tác của Go-Viet bắt đầu tăng và hãng cũng không quá đuối sức so với Grab. Bằng chứng là các tài xế Go-Viet vẫn xuất hiện nhiều nơi và anh vẫn nhận được thưởng của hãng, tuy không được mức cao nhất là 180.000 đồng.
“Tôi chỉ hơi lo về chiết khấu Go-Viet áp dụng với tài xế như thế nào. Hãng có thông báo ngày 1/11 sẽ bắt đầu tính với những đối tác đăng ký sau ngày 10/8, nhưng chưa nói rõ bao nhiêu. Tôi hy vọng mức chiết khấu phù hợp để tài xế không quá chật vật”, anh Quy cho hay.
Sau hơn 2 tháng có mặt tại thị trường Việt Nam, Go-Viet vẫn chưa thu chiết khấu với tài xế và duy trì mức đồng giá mỗi chuyến đi 10.000 đồng cho khách hàng.
Những khuyến mãi này của tay chơi mới được đánh giá còn mạnh tay hơn cả đối thủ Grab ở cùng thời điểm nhưng lãnh đạo Go-Viet luôn khẳng định hãng không đi theo con đường “đốt vốn” đổi thị trường như Grab và Uber từng làm.
Mới đây, bằng việc có mặt thêm tại quận 9, Go-Viet đã nâng độ phủ rộng khắp 19 quận nội thành của TP.HCM. Tại thủ đô Hà Nội, hãng mở rộng hoạt động thêm tại 2 quận Hoàng Mai và Hà Đông.
Xâm nhập thị trường mới, đại diện Go-Việt cho rằng thời gian này là lúc họ quảng bá sản phẩm và dịch vụ, sau đó, sẽ giữ chân khách hàng bằng một hệ sinh thái đa dạng tương tự mô hình đã làm và thành công tại sân nhà Indonesia.
Theo Zing