Mỹ đang lên kế hoạch cô lập Trung Quốc bằng các thỏa thuận thương mại?

Thứ bảy, 06/10/2018, 09:31
Theo các chuyên gia thương mại, hy vọng đàm phán hiệp định thương mại tự do với Canada hoặc Mexico của Trung Quốc đã bị chặn đứng bởi một điều khoản trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada.

Theo điều khoản này, các nước thành viên bị cấm tham gia thỏa thuận thương mại với các nước "phi thị trường". Nếu một trong những thành viên của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mới (USMCA) tham gia một thỏa thuận thương mại tự do với một nước "phi thị trường" như Trung Quốc, những nước khác có thể rút khỏi hiệp định trong vòng sáu tháng và hình thành hiệp ước thương mại song phương của riêng mình.

Các nước thành viên USMCA cũng phải thông báo cho những bên còn lại ít nhất ba tháng trước khi tham gia vào các cuộc đàm phán như vậy.

Điều này đã gây tranh cãi ở Canada, nhưng lại phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế và ngăn chặn các công ty Trung Quốc sử dụng Canada hoặc Mexico làm "cửa hậu" để giao hàng miễn thuế cho Mỹ. Mỹ và Trung Quốc đang kẹt trong một cuộc chiến tranh thương mại đang ngày càng leo thang với mức độ thuế quan ngày càng nghiêm trọng.

Derek Scissors, một học giả về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, nói rằng điều khoản này cho phép chính phủ Trump thực hiện quyền phủ quyết hiệu quả đối với bất kỳ thỏa thuận thương mại nào của Trung Quốc với Canada hay Mexico.

Nếu điều này được lặp lại trong các cuộc đàm phán khác của Mỹ với Liên minh châu Âu và Nhật Bản, nó có thể giúp cô lập Bắc Kinh trong hệ thống thương mại toàn cầu.

"Đối với cả Canada và Mexico, chúng tôi có lý do để nghĩ rằng FTA với Trung Quốc là một khả năng. Nó không phải là sắp xảy ra, nhưng đây là một cách rất nhẹ nhàng để đối phó với điều đó", Scissors nói. "Không có thỏa thuận nào với Trung Quốc đủ xứng đáng để đánh mất một USMCA đã được phê chuẩn," ông Drag nói thêm.

Sau nhiều tháng gây áp lực lên các đồng minh phương Tây về thương mại, chính quyền Trump hiện đang cố gắng chiêu mộ họ để sát cánh cùng Mỹ trong việc gây áp lực buộc Trung Quốc phải thay đổi chính sách thương mại, trợ giá và sở hữu trí tuệ theo hướng thị trường hơn.

Bắc Kinh đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới công nhận quốc gia này như là một "nền kinh tế thị trường", một động thái hạn chế nghiêm trọng các biện pháp phòng thủ thương mại của phương Tây đối với hàng hóa Trung Quốc giá rẻ.

Nhưng Mỹ và Liên minh châu Âu lập luận rằng chính sách trợ cấp của chính phủ Trung Quốc chính là nguyên nhân gây ra tình trạng năng lực công nghiệp dư thừa, khiến các đối thủ cạnh tranh nước ngoài phải chịu bất công và Trung Quốc cũng có nhiều hành động khác cho thấy họ vẫn là một nền kinh tế phi thị trường.

Chính phủ của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từng tổ chức các cuộc hội đàm thăm dò với Trung Quốc về thương mại trong năm 2016, nhưng việc tiến hành các cuộc đàm phán chính thức đã không thành hiện thực.

Tracey Ramsey, một nhà lập pháp của đảng đối lập, phát biểu tại Hạ viện Canada rằng điều khoản này là "đáng kinh ngạc""hạn chế nghiêm trọng đối với nền tự chủ của Canada". "Tại sao Đảng Tự do lại cho phép Mỹ tiếp tục kéo chúng ta vào cuộc chiến thương mại của họ?", ông nói.

Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau lại đánh giá thấp điều khoản này, cho rằng nó không khác biệt đáng kể so với điều khoản trước đó của NAFTA cho phép bất kỳ thành viên nào rời bỏ hiệp ước trong sáu tháng vì bất kỳ lý do gì.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích