Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam vừa công bố triển khai dự án LinkSME, nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (SME) trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Dự án kéo dài trong 5 năm (tháng 9/2018- tháng 9/2023) với tổng kinh phí 22 triệu USD. Trong giai đoạn 1 (tháng 9/2018 - tháng 9/2020), dự án sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ngành điện tử và sắt thép.
"Chúng tôi chỉ hỗ trợ kết nối cung - cầu, nâng cấp kiến thức, kỹ năng giao dịch, quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam chứ không đứng ra quyết định bên bán và bên mua", ông Ron Ashkin - Giám đốc dự án LinkSME cho biết doanh nghiệp có nhu cầu chỉ cần liên hệ để đăng ký tham gia.
Cũng theo ông Ron Ashkin, giai đoạn 2 của dự án sẽ bổ sung thêm 3 ngành từ danh sách 5 ngành đang được xem xét. Tuy nhiên, việc chốt lại sẽ được thực hiện sau khi hoàn tất giai đoạn 1 và trải qua các bước phân tích định lượng, lấy ý kiến chuyên gia.
Các tổ chức và doanh nghiệp Mỹ đang tích cực tổ chức các hoạt động để kết nối, tìm nhà cung ứng từ Việt Nam. Ông Tim Liston - Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM cho hay, đơn vị này đang xúc tiến tổ chức nhiều hoạt động kết nối thương mại để tăng cơ hội đưa hàng đi Mỹ cho doanh nghiệp Việt.
Chế biến nông sản xuất khẩu đi Mỹ. Ảnh: AmCham |
Trong khi đó, Ngày hội nhà cung cấp 2018 do AmCham tổ chức hôm 4/10 cũng mở rộng về quy mô so với 4 năm trước. Ông Jonathan Moreno - Chủ tịch AmCham cho biết, có gần 70 gian hàng của các doanh nghiệp sản xuất và 90 nhà cung cấp tham gia trưng bày, tìm hiểu, kết nối tại sự kiện.
Ông Peter Albin - Giám đốc nguồn cung ứng toàn cầu của Walmart tại Đông Nam Á cho biết, nhà bán lẻ này dự chi 13,94 tỷ USD trong năm tài khóa 2018 để tìm nguồn cung khắp nơi trên thế giới. Hiện nay, Walmart đang có chủ trương ưu tiên chọn các nhà cung ứng có lãnh đạo là nữ.
"Chúng tôi đang có hai nhà cung cấp Việt Nam do nữ lãnh đạo và đang định mở rộng thêm 9 doanh nghiệp", ông Peter Albin nói. Vị đại diện này cho rằng chưa có nhiều thông tin về các nhà cung cấp Việt Nam và không chắc chắn về khả năng đáp ứng nhu cầu của họ về dài hạn.
"Việt Nam có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng lại không đủ nguồn cung cho các doanh nghiệp lớn toàn cầu. Tôi từng làm việc với Walmart và họ nói rằng họ không chắc doanh nghiệp Việt có cung ứng đủ số lượng và chất lượng mong muốn hay không", ông Brian Mtonya - Chuyên gia cao cấp của World Bank xác nhận.
Theo chuyên gia này, không chỉ riêng thị trường Mỹ, vấn đề chung của kết nối giữa doanh nghiệp SME Việt Nam với các chuỗi cung ứng toàn cầu là bên cung thiếu thông tin, chính sách thiếu nhất quán. Các cơ chế hỗ trợ liên kết cung cầu của chính quyền chưa chặt chẽ. Ngoài ra, theo kinh nghiệm thực tiễn của các doanh nghiệp, khó khăn còn nằm ở rất nhiều thứ mà bắt tay làm mới hình dung nổi.
"Chúng tôi được tư vấn bán hàng sang Mỹ nhưng để tìm các đơn vị cấp những chứng chỉ chất lượng họ yêu cầu thì rất khó. Việt Nam cũng không có phòng thí nghiệm để kiểm định cho sản phẩm của chúng tôi", đại diện một đơn vị sản xuất thiết bị điện nói.
Hay như theo bà Nguyễn Ngọc Phượng, chủ một nhà máy sản xuất găng tay y tế, hàng của công ty bà đã xuất được Mỹ nhưng cũng vẫn gặp khó. "Người mua họ nợ tiền rất lâu, từ 3 đến 6 tháng", bà Phượng nói.
Thậm chí, việc gia nhập chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam dù có chuyển biến tích cực nhưng theo ông Brian Mtonya là mức độ vẫn thấp hơn các nước xung quanh như Trung Quốc, Malaysia hay Thái Lan.
"Việt Nam có cấu trúc nền kinh mà kết nối FDI với doanh nghiệp trong nước yếu, ảnh hưởng đến khả năng vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp", ông nói.
Cải thiện sáng sủa nhất hiện nay của việc tham gia chuỗi chính là ngành lắp ráp điện tử và phương tiện giao thông. Hai năm gần đây, số lượng nhà cung ứng Việt Nam đạt cấp độ 1 đã tăng nhiều. Tuy nhiên, muốn nhân rộng hơn phải cần thời gian. "Phải kiên trì, vì mất 3 - 4 năm thì một nhà cung ứng mới lên được một cấp độ mới", ông Brian Mtonya nói.
Theo VNE