Tân Thuận - IPC làm mất hàng trăm tỷ đồng của TP.HCM như thế nào

Thứ ba, 30/10/2018, 13:28
Riêng việc bán rẻ 9 triệu cổ phiếu cho Nguyễn Kim, Công ty Tân Thuận đã gây thất thoát 153 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) trực thuộc UBND TP HCM, thành lập 25 năm trước và hoạt động dàn trải nhiều lĩnh vực. Mới đây, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ ba dấu hiệu "nhóm lợi ích" tại IPC, gây thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Tổng giám đốc công ty là Tề Trí Dũng (37 tuổi) bị đình chỉ chức vụ để phục vụ công tác điều tra.

Nguyễn Kim được IPC bán rẻ 9 triệu cổ phiếu

Trong báo cáo gửi lãnh đạo thành phố, Thanh tra TP.HCM cho biết, tháng 3/2015, IPC bán đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, công ty con của IPC) cho Công ty Exim với giá 26.100 đồng mỗi cổ phiếu. Việc này làm giảm tỷ lệ vốn góp của IPC tại Sadeco từ 75% xuống 44%.

Tháng 9/2016, Exim bán toàn bộ cổ phiếu trên cho Công ty Nguyễn Kim với giá 57.000 mỗi cổ phiếu. Cuối năm đó, Nguyễn Kim đề xuất mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco và cam kết cùng phát triển 2 dự án tại 79B Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) và Khu dân cư Rạch Chiếc trên đường Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức).

Sadeco sau đó ra nghị quyết tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu, chọn Nguyễn Kim làm đối tác chiến lược, và được nhóm đại diện vốn của IPC tại Sadeco đồng ý.

Tháng 1/2017, Sadeco và Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) ký hợp đồng xác định giá trị doanh nghiệp, xác định mỗi cổ phiếu là hơn 36.500 đồng.

Đến tháng 6/2017, khi chưa trình UBND thành phố chủ trương tăng vốn góp, Sadeco đã phát hành 9 triệu cổ phiếu và bán cho Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng mỗi cổ phiếu. Hành vi này của Sadeco được cho gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng ngân sách Nhà nước - căn cứ từ việc Công ty Exim bán cổ phần cho Nguyễn Kim hồi tháng 9/2016 (57.000 đồng).

"Sang đầu năm 2017 nhà đất khu Nam Sài Gòn ảnh hưởng cơn sốt đất, giá tăng rất nhiều nên thiệt hại trên thực tế là rất lớn", cơ quan thanh tra nhận định. Ngoài ra, phi vụ bán chỉ định cổ phiếu này cũng giúp Nguyễn Kim thâu tóm Sadeco khi chiếm 54% cổ phần, IPC chỉ còn 28,8%.

Về việc Sadeco thuê Công ty HSC khi đơn vị này chỉ có chức năng tư vấn đầu tư chứng khoán, không có khả năng thẩm định giá, và công ty này đã khuyến cáo mức giá 36.500 đồng mỗi cổ phiếu "chỉ là con số tham khảo, không là căn cứ để giao dịch"... là sai quy định.

'Kịch bản' tương tự cho nhà đầu tư chiến lược

Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước là một công ty con khác của IPC. Trước thời điểm phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, trong đó IPC nắm hơn 60%. Theo kế hoạch, Hiệp Phước bán 30 triệu cổ phiếu để tăng vốn gấp đôi. IPC thuê Công ty MHD thẩm định giá là 15.000 đồng mỗi cổ phiếu.

Tháng 10/2016, Hiệp Phước chào bán số cổ phiếu phát hành, dành riêng cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty Tuấn Lộc 20 triệu cổ phiếu, số còn lại bán cho các cổ đông hiện hữu. Sau thương vụ này, tỷ lệ sở hữu của IPC tại Hiệp Phước chỉ còn 40,5% so với 60,8% trước đây.

Thanh tra Thành phố cho rằng, việc định giá 15.000 đồng mỗi cổ phiếu là thấp hơn giá trị sổ sách, chưa phản ánh đầy đủ giá trị thực tế tài sản, tiềm năng phát triển của Hiệp Phước; không đảm bảo lợi ích cho công ty cũng như các cổ đông hiện hữu... gây thiệt hại cho ngân sách.

Hiệp Phước chọn Tuấn Lộc làm nhà đầu tư chiến lược cũng bị cho là không đúng tiêu chí do đại hội cổ đông đã thông qua. Phương án phát hành cổ phiếu bán cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ cho Hiệp Phước không đảm bảo có hiệu quả cho công ty này.

"Các sai phạm này có dấu hiệu nhóm lợi ích, gây bất lợi và có khả năng thiệt hại cho vốn nhà nước do Công ty IPC làm đại diện chủ sở hữu, có dấu hiệu vi phạm Điều 179 Bộ Luật Hình sự (Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp)", Thanh tra thành phố kết luận.

Bán dự án cho Công ty Hồng Lĩnh

Một thương vụ khác của IPC cũng bị cho là có dấu hiệu vi phạm khiến Chủ tịch UBND thành phố phải yêu cầu điều tra, là việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu.

Năm 2002, IPC được tỉnh Long An chấp thuận làm chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư này. Toàn bộ diện tích tái định cư được duyệt là hơn 60.000 m2, trong đó tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi 2 dự án Khu công nghiệp Long Hậu (do Công ty cổ phần Long Hậu làm chủ đầu tư) và Khu dân cư Long Hậu.

Năm 2006, IPC ký hợp đồng hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh với nội dung Hồng Lĩnh sẽ hoàn trả cho IPC toàn bộ chi phí bồi thường và chi phí đầu tư ban đầu vào dự án. Đổi lại, Hồng Lĩnh tiếp tục thực hiện dự án và toàn quyền khai thác kinh doanh, và IPC được mua lại nền tái định cư với giá 630.000 đồng mỗi m2 cho toàn bộ hơn 60.000 m2 trên.

Thanh tra thành phố xác định, việc hợp tác trên thực chất là chuyển nhượng dự án trái quy định. Hồng Lĩnh chưa giao đủ đất tái định cư cho IPC, chưa hoàn thiện hạ tầng, và bán ra thị trường nhiều nền đất thương mại giá từ 700.000 đồng đến 4,5 triệu đồng mỗi m2.

Việc hợp tác này cũng không đảm bảo quyền lợi cho IPC: IPC là chủ đầu tư dự án lại phải mua nền từ Hồng Lĩnh để thực hiện tái định cư; đơn giá IPC bán tái định cư thấp hơn đơn giá mua của Hồng Lĩnh (mua 630.000 đồng/m2, bán với giá chỉ từ 398.000 đồng/m2 đến 564.000 đồng/m2)...

Công ty Long Hậu là pháp nhân độc lập, nên lẽ ra IPC phải bán đất theo giá thị trường. IPC thiếu trách nhiệm quản lý, kiểm soát để Long Hậu và Hồng Lĩnh chiếm dụng vốn thời gian dài, dẫn đến thiệt hại cho IPC.

Thanh tra thành phố cũng chỉ ra nhiều sai phạm khác tại IPC như: chỉ sử dụng một phần tòa nhà, còn lại cho 81 đơn vị thuê làm văn phòng (tổng doanh thu cho thuê trong 7 năm gần đây là hơn 295 tỷ đồng); kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách, làm phát sinh khoản lãi vay hơn 8 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2016-2017, IPC tổ chức cho lãnh đạo công ty đi nước ngoài khi chưa được UBND thành phố cho phép; một số trường hợp đi nước ngoài vượt thời gian được cử đi... với tổng chi phí hơn 1,3 tỷ đồng.

Theo VNE

Các tin cũ hơn